Đào tạo "Sao" ở Trung Quốc: Nền công nghiệp tỉ đô có máu và nước mắt

VH- Cũng như ở Hàn Quốc, việc trở thành một ngôi sao giờ đây trở thành niềm ao ước của nhiều bạn trẻ Trung Quốc và hệ lụy của nó cũng rất tàn khốc.

6-7 tuổi đã phải học để thành “sao”
Với tốc độ phát triển của internet cùng những khoản tiền kếch xù kiếm được từ việc sử dụng hình ảnh, thương hiệu của mình để quảng cáo, các trường đại học ở Trung Quốc cũng như các công ty tư nhân đã mở hàng loạt những lớp học, chuyên ngành đào tạo người nổi tiếng.
Cũng như các cuộc thi cử vào đại học ở Trung Quốc, tỉ lệ chọi ở các trường hay trung tâm này là rất cao. Một trung tâm đào tạo “sao” mới được thành lập ở tỉnh Nam Ninh, nhưng ngay năm đầu tiên đã nhận được hơn 30.000 hồ sơ và cuối cùng, chỉ có 50 học viên được lựa chọn kỹ càng để vào học.
Vậy nên, để chuẩn bị cho việc vào các đại học trên, các bậc phụ huynh ở Trung Quốc cho con mình học ở các lò luyện từ khi mới 6-7 tuổi.
Hàng loạt lớp học đào tạo mẫu nhí mở ra tại Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu quảng cáo trong nước và nguyện vọng của phụ huynh với khoảng 300 trung tâm trên toàn quốc. Nhiều trong số đó nằm ở thành phố Thâm Quyến, Quảng Châu. Một người quản lý tại Quảng Châu cho hay lượng phụ huynh đến đăng ký cho con tăng 50% trong 3 năm qua.
Con đường trở thành người mẫu của trẻ tại các trung tâm khá khó khăn. Ngoài việc nộp khoản tiền lớn để ghi danh cũng như chia phần trăm tiền chụp ảnh, sự vắng mặt của quy định cụ thể khiến các em có thể phải nghỉ học để đi diễn. Bên cạnh đó, giáo viên trong các lớp huấn luyện thường thiếu trình độ.
Tại các trung tâm này, các em nhỏ phải tham gia chương trình học như người trưởng thành. Các em phải học múa, hát, tiếng Anh, trang điểm, tạo dáng chụp ảnh, đi giày cao gót như người lớn và tham gia các buổi họp báo…
Đối với nhiều phụ huynh, cơ hội nổi tiếng là một động lực. Yang Yang (6 tuổi) bắt đầu làm người mẫu cho Catfree (một trung tâm người mẫu ở thành phố Tô Châu) một năm nay và đã tham gia trình diễn tại Tuần lễ Thời trang Trung Quốc và Thượng Hải, chụp catalog cho các thương hiệu quốc tế cũng như xuất hiện trên truyền hình Hồ Nam. Để giúp bé tập trung vào sự nghiệp, cha mẹ Yang Yang quyết định cho bé học ở nhà vào đầu năm nay.
Mẹ cô bé hy vọng Yang Yang tiếp tục sự nghiệp người mẫu khi trưởng thành và dự định gửi em ra nước ngoài hoàn thiện kỹ năng. “Con bé sinh ra để làm người mẫu. Bé có thể chụp hình ngoài trời với bộ sưu tập mùa đông, dưới ánh nắng mặt trời gần 40 độ C mà không phàn nàn dù chỉ một câu”, bà mẹ này chia sẻ.
“Sao” mạng xã hội: Máu và nước mắt
Nếu như ở Hàn Quốc, nói đến ngôi sao giải trí, người ta nghĩ ngay tới các ca sĩ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng thì ở Trung Quốc, các cô gái, chàng trai muốn trở thành “sao” mạng xã hội hơn.
Có lẽ bởi yêu cầu nó không quá cao, chỉ cần có gương mặt ưa nhìn, không cần cao, không cần có giọng hát hay khả năng diễn xuất. Trong khi đó, mức thu nhập mà công việc này đem lại các “sao” này khá cao, từ 200-300 nghìn nhân dân tệ cho 1 ngày chụp quảng cáo, thu nhập bình quân hằng năm có thể lên tới cả triệu nhân dân tệ.
Theo nghiên cứu của Internet Analysys International, ngành công nghiệp “wanghong” (nổi tiếng và kiếm tiền nhờ internet) có trị giá lên tới 53 tỉ nhân dân tệ, tương đương 7,7 tỉ USD trong năm ngoái và sẽ tăng gấp đôi trong năm 2018.
Yuan Guobao, tác giả một cuốn sách nói về thứ nền kinh tế đặc biệt này cho hay: “Ai cũng có thể trở nên nổi bật và những người bình thường giờ đây đều có thể trở thành người nổi tiếng”.
“Wanghong” được biết tới ở Trung Quốc như một hình thức kiếm tiền nhờ vào việc trò chuyện hoặc hành động theo yêu cầu của khách online, đổi lại các cô gái trẻ đẹp sẽ nhận được những món quà ảo sẽ được đổi sang tiền thật từ người hâm mộ.
Số lượng các cô gái muốn làm người mẫu online ngày càng gia tăng, nên hiện có nhiều trung tâm đào tạo ra đời và thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc có một trung tâm chuyên đào tạo người mẫu online khá nổi tiếng tên là Dịch Động Sở Thiên. Dù ra đời chưa lâu, nhưng vì chất lượng giảng dạy tốt nên nhiều học viên đã đăng ký theo học tại đây.
Để có thể đăng ký được một suất trong những lớp học này, các cô gái sẽ phải trải qua một vòng loại khá khắc nghiệt. Ban quản lý trung tâm sẽ mời một số chuyên gia trang điểm, nhiếp ảnh gia có tiếng và đại diện của một số cửa hàng lớn trong vùng đến làm giám khảo.
Sau khi trải qua vòng loại, các cô gái sẽ bắt đầu khóa học với những bài học cơ bản nhất, từ việc trang điểm, phối đồ cho tới cách đi đứng, tạo dáng, biểu cảm hay nâng cao khí chất… Sau đó là làm sao thể hiện bản thân một cách tự tin trên mạng Internet và trong quá trình stream kênh cá nhân.
Khi “xuất lò”, các học viên có thể thông qua tài nghệ của mình mà sáng nghiệp mưu sinh, có người tới hoạt động ở những công ty internet chuyên nghiệp, có người đi làm ca sĩ, có người đi làm caster, có người đi làm người mẫu, nhưng tất cả đều có điểm chung là nương nhờ Internet mà đi lên. 

Chi Mai

Ý kiến bạn đọc