Phụ huynh tới trường học cùng con như thế nào?

VH- Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, khi con đến tuổi đi học, phụ huynh sẽ có một lịch hoạt động dày đặc gắn với nhà trường.

Nhật Bản: Cha mẹ làm tình nguyện viên
Ngoài việc phải họp phụ huynh 1-2 tháng/lần, cha mẹ ở Nhật còn dự giờ học của con, lắng nghe bài giảng của giáo viên và quan sát quá trình học tập của con mình. Lễ thuyết trình là một sự kiện khác hằng năm mà cha mẹ được mời tham gia để chứng kiến con em mình viết thơ, vẽ tranh, viết báo cáo, diễn kịch hoặc hùng biện...
Với cha mẹ của học sinh ở cấp trung học, họ thường xuyên được tham gia các buổi báo cáo định hướng nghề nghiệp của trường khi cùng con em mình được nghe chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau chia sẻ về những kinh nghiệm làm việc của họ nói riêng và về nghề nghiệp nói chung.
Phụ huynh Nhật còn được khuyến khích kiểm tra bài học cho trẻ sau khi về nhà, tham gia các buổi dự giờ, tham gia dùng thử bữa ăn của học sinh để góp ý về chất lượng thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng, từ đó đóng góp vào quá trình cải thiện chất lượng giáo dục.
Các trường học ở Nhật Bản cũng đòi hỏi sự tham gia của cha mẹ dưới tư cách tình nguyện viên. Phụ huynh có thể tham gia các lớp học nấu ăn và các hoạt động tái chế, một số cha mẹ cũng tình nguyện làm người kể chuyện.
Một hoạt động “lôi kéo” sự tham gia của phụ huynh tiêu biểu nhất là việc thực hành làm người bảo vệ, khi cha mẹ ở các trường tiểu học lần lượt thay nhau bảo vệ trẻ em trên đường đi bộ đi học mỗi sáng từ 7-8h. Một nhóm phụ huynh tình nguyện viên khác cũng tuần tra đường phố khi trẻ sắp rời khỏi trường học để đảm bảo không còn trẻ em nào sót lại sau khi trường học đóng cửa.
Ở nhiều trường học, hội phụ huynh có thêm các hoạt động ngoại khóa cho chính cha mẹ để mở mang hiểu biết, nâng cao các kỹ năng về nhiều lĩnh vực khác nhau...
Singapore: Đi học thêm để… dạy con
Học sinh Singapore sau khi học xong lớp 3 đã được phân cấp theo khả năng để lựa chọn chương trình phù hợp. Quá trình phân loại liên tục diễn ra, vì thế cuộc chạy đua của học sinh không bao giờ dừng.
Nhiều phụ huynh Singapore “bó tay” vì kiến thức của họ quá lạc hậu so với hiện tại. Do đó, phụ huynh chọn cách đến lớp đồng hành cùng con để hiểu trở ngại mà con gặp phải để chính mình là người hướng dẫn con học, thay vì giao phó việc đó cho một trung tâm hay giáo viên dạy thêm nào khác.
Nắm bắt được nhu cầu này, Trung tâm Genius Young Mind đưa ra các chương trình thu hút phụ huynh. 700 USD để tham gia khóa học kéo dài 8 giờ, học cách giải toán tiểu học, là số tiền khá lớn, nhưng các phụ huynh có con nhỏ không hề ngần ngại.
Một trung tâm đào tạo “gia sư bố mẹ” khác là Mindchamps, chuyên hướng dẫn kỹ năng giải đề kiểm tra, đã nhận được hơn 12.000 lượt đăng ký kiểm tra chất lượng đầu vào để xếp lớp theo năng lực của phụ huynh. Buổi kiểm tra năng lực này kéo dài ba giờ, cho thấy được lọt vào “lớp học gia sư” quả không dễ dàng.
Theo khảo sát chi dùng gia đình mới nhất ở Singapore, năm 2014, người dân bỏ ra 1,1 tỉ USD mỗi năm cho con học thêm. Con số này tăng với mức độ chóng mặt khi 10 năm trước là 650 triệu USD, 5 năm trước là 820 triệu USD. Hiện trên toàn Singapore có 850 trung tâm dạy học thêm được đăng ký với Bộ Giáo dục.
Hàn Quốc: Khóa học làm cha mẹ
Trước đây, thông tin và kinh nghiệm nuôi dạy con được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng ngày nay, các gia đình Hàn Quốc nhận thấy họ thiếu kiến thức này. Vì vậy, chính phủ sẽ cung cấp các khóa học làm cha mẹ trong chương trình giáo dục trung học, tư vấn cho các trường đại học để đưa nội dung này vào trong khóa học nghệ thuật tự do. Việc cung cấp các khóa học làm cha mẹ dành cho nam giới đang thực hiện nghĩa vụ quân sự và khuyến khích các cặp vợ chồng đăng ký kết hôn tham gia khóa học này cũng đang được cân nhắc.
Chính phủ cũng sẽ phối hợp với các bệnh viện phụ sản, nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường học để cung cấp chương trình và thông tin về nuôi dạy con theo các giai đoạn sơ sinh, chăm trẻ và đến trường.
Bên cạnh giáo dục cha mẹ, chính phủ sẽ thu thập dữ liệu từ các bộ và tổ chức liên quan để ngăn chặn và xác định các trường hợp lạm dụng trẻ em sớm hơn, bao gồm số liệu trẻ em không có hồ sơ kiểm tra y tế hoặc tiêm chủng, và trẻ em không học mẫu giáo hay các cấp học mà không có lý do chính đáng.
Báo cáo năm 2015 của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia về kinh tế, nhân văn và khoa học xã hội cho thấy, chỉ 19,9% đàn ông và 39,3% phụ nữ cho biết đã tham gia khóa học làm cha mẹ do thiếu thời gian và nhận thức về các khóa học như vậy.

Chi Mai

Ý kiến bạn đọc