Người Trung Quốc chuyển sang du lịch nội địa: Hệ lụy đằng sau những biển người

VH- Người Trung Quốc tiết kiệm chi phí và đã chọn du lịch gần nhà, ngày càng nhiều người quyết định nghỉ ở một địa điểm nào trong nước. Tuy nhiên, điều này dẫn đến tình trạng… dở khóc dở cười.

Tắc đường trên cầu 12 tiếng
Trong sáu tháng đầu năm 2017, có 2,54 tỷ chuyến đi của du khách Trung Quốc được ghi nhận, tăng 13,5 % so với năm 2016. Tuy nhiên, những chuyến đi này chủ yếu tới các vùng trong nước, do người dân đang lo ngại về chi phí đắt đỏ trong điều kiện kinh tế biến động gần đây.
Theo ước tính của công ty du lịch Ctrip, có khoảng 710 triệu người Trung Quốc sẽ tổ chức kỳ nghỉ trong nước, và chỉ có 6 triệu người sẽ ra nước ngoài.
Tong Yiling, chuyên gia phân tích châu Á của tập đoàn nghiên cứu BMI, cho biết sức mạnh từ việc quảng bá các điểm đến nội địa giúp du lịch nội địa có sức bật lớn. Hơn 10 triệu du khách đã tới tham quan công viên Walt Disney ởThượng Hải trong năm đầu tiên mở cửa. Trong khi đó, Club Med của tập đoàn quốc tế Fosun mở hàng loạt khách sạn ở Quế Lâm, các khu nghỉ dưỡng ở Tam Á và khu trượt tuyết ở phía đông bắc.
Vào tháng 10 năm nay, tuần lễ Vàng tại Trung Quốc kéo dài thêm một ngày, thành 8 ngày đã biến kỳ nghỉ đó thành một cuộc “hành xác”. Ngành đường sắt Trung Quốc phục vụ ít nhất 10 triệu khách mỗi ngày. Riêng ngày đầu tiên của Tuần lễ Vàng rơi vào chủ nhật 1.10, có tới 15 triệu khách sử dụng phương tiện này, đạt mức kỷ lục..
Các hãng hàng không cũng phải hoạt động hết công suất, riêng China Southern Airlines tăng 160 chuyến trong tổng số14.000 chuyến vào dịp này. Ngay trong ngày 1.10, hàng nghìn hành khách đã bị lỡ chuyến vì tắc đường vào sân bay quốc tế Bạch Vân, Quảng Châu.
Đường cao tốc, phương tiện giao thông công cộng, những điểm tham quan ken đặc người từ khắp mọi miền. 
Tình trạng tắc đường xảy ra trên nhiều đường cao tốc chính. Những hàng xe kẹt cứng trên cầu Hổ Môn, Quảng Đông quá lâu khiến một người đàn ông bị ngất trong xe hôm 1.10. Nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội rằng xe của họ kẹt trên cầu Hổ Môn hơn 12 tiếng. Tại khu vực Hồ Tây, Hàng Châu, ban quản lý ghi nhận 7 trường hợp trẻ đi lạc khi 700.000 khách tham quan đổ đến đây trong ngày 2.10, theo The Paper.
Một số hành khách vô tình bị người thân bỏ lại tại các trạm nghỉ. Ngày 1.10, một gia đình đã lái xe khỏi trạm nghỉ tại Diêm Thành, Giang Tô, mà thiếu một thành viên do người này đi vệ sinh. Họ đã gặp lại trên đường nhưng tài xế bị cảnh sát phạt, vì bỏ rơi khách dù đoàn chỉ có 3 người.
Tình trạng quá tải này khiến hàng loạt người dân phàn nàn về an toàn, mối nguy hại sức khỏe khi du khách mắc kẹt hàng giờ trong các đám đông, không có thức ăn, nước uống hay nhà vệ sinh.

Người Trung Quốc chuyển sang du lịch nội địa: Hệ lụy đằng sau những biển người - Anh 1

Dù chỉ có 5 phút để thưởng lãm tranh song hầu hết du khách đều không cảm thấy tiếc nuối


Xếp hàng ba tiếng để ngắm một bức tranh trong 5 phút
Hồi giữa tháng 9, Gao Junxu¬an có chuyến tham quan bảo tàng Cố Cung trong Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, Trung Quốc, để chiêm ngưỡng bức tranh thủy mặc mà bản thân ngưỡng mộ từ lâu.
Lặn lội từ Sơn Đông, Gao đến bảo tàng từ rất sớm và phải đợi 3 tiếng để được vào ngắm bức tranh duy nhất do họa sĩ Vương Hy Mạnh vẽ từ thời Tống (960-1279). Mặc dù chỉ có 5 phút để thưởng thức, không thể quan sát kỹ những chi tiết đặc sắc, song nữ du khách cho rằng sự cố gắng của cô là rất đáng.
Công chúng mới được chiêm ngưỡng bức tranh này ba lần, trước khi nó được trưng bày chính thức trong buổi triển lãm kéo dài tới ngày 14.12, cùng 85 bức tranh phong thủy màu lụa khác.
Trong vài năm gần đây, khi truyền thông phát triển mạnh mẽ, kèm theo nguồn tài trợ của chính phủ tăng cao, các bảo tàng ở Trung Quốc dần thu hút lượng khách đạt kỷ lục.
Lượng khách tới các bảo tàng ở Trung Quốc tăng từ 637 triệu người vào năm 2013 tới 900 triệu người vào năm ngoái. Vì vậy, họ phải đưa ra chiến lược để xử lý tình trạng quá tải và phân bổ thời gian xếp hàng.
Tuy nhiên, lượng du khách tham quan đông chỉ dồn vào một kiệt tác cũng đem lại thách thức lớn cho các bảo tàng. Wang Zhongxu, nhân viên giám sát triển lãm tranh phong thủy, cho biết: “Chúng ta cần phải cải thiện khiếu thẩm mỹ của công chúng, để họ có thể học cách thưởng thức các bức tranh khác”.
Ông khẳng định bảo tàng không khuyến khích du khách kéo tới chỉ để ngắm một bức tranh. Những tác phẩm khác cũng cần được đề cao.
Theo thống kê, vào các buổi sáng, lượng du khách tới tham quan được chia thành 16 lượt vào cửa, với 150 người một lần trong 5 phút để chiêm ngưỡng bức Non sông ngàn dặm. Trong khi đó, không có du khách nào muốn thưởng thức các bức tranh khác trong triển lãm.
Đây không phải lần đầu tiên du khách xếp hàng vài tiếng để được vào cuộc triển lãm ởTrung Quốc. Trước đó, có nhiều du khách được ghi nhận xếp hàng tới 6 tiếng ở bảo tàng Thượng Hải để ngắm nhìn một cuộc triển lãm suốt mùa hè do bảo tàng Anh tổ chức có tên gọi “Lịch sử thế giới trong 100 đồ vật”.
Một trường hợp khác xảy ra vào hai năm trước ở Bắc Kinh, nhiều người phải chờ từ 8 đến 12 tiếng để xem “Shiqu Baoji”, bộ sưu tập tranh thư pháp và bức họa của các triều đại tại bảo tàng Cố cung.

Chi Mai

Ý kiến bạn đọc