Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Hàn Quốc gặt hái quả ngọt từ văn hóa

Thứ Ba 12/12/2017 | 13:25 GMT+7

VH- Hàn Quốc đã biến điện ảnh, âm nhạc thành nền công nghiệp hái ra tiền và quảng bá văn hóa hữu hiệu.

“Phim ảnh Hàn Quốc kiểm soát 5% văn hóa thế giới”

Việc một quốc gia ảnh hưởng văn hóa tới một quốc gia khác là điều không hiếm gặp, nhưng làm được như Hàn Quốc, tạo ra cả một làn sóng lan rộng và tác động trực tiếp vào các châu lục và trên phạm vi toàn thế giới thì là trường hợp hiếm.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, xuất khẩu văn hóa đã đem đến cho nước này khoản lợi nhuận 794 triệu USD năm 2011, tăng 25% so với năm 2010 với con số 637 triệu USD, cao nhất kể từ năm 1980. Trong khi đó, tình trạng nhập siêu văn hóa của Hàn Quốc giảm mạnh. Quốc gia này chỉ phải chi 224 triệu USD để nhập khẩu các sản phẩm văn hóa nước ngoài, giảm 42% so với năm 2010.
Với ý chí kiên cường và những chính sách phát triển đúng đắn, Hàn Quốc ngày nay đã được cả thế giới biết đến không chỉ là một trong 10 cường quốc kinh tế trên thế giới với GDP năm 2011 lên tới 832,5 tỉ, thu nhập bình quân đầu người hơn 28.000 USD mà còn là một quốc gia có nền văn hóa phát triển, đậm bản sắc dân tộc. Lý do cho sự thành công vượt trội này của Hàn Quốc là bên cạnh các ngành công nghiệp, Hàn Quốc coi điện ảnh, âm nhạc và văn hóa nói chung cũng là một thị trường tiềm năng.
Năm 2011, doanh thu từ việc bán băng đĩa phim và âm nhạc của Hàn Quốc đã tăng lên đến 14%, đạt 3,8 tỉ USD. Theo nhận định của một nhà cựu ngoại giao Hàn Quốc, nếu Hollywood kiểm soát khoảng 30% ngành văn hóa thế giới thì Hàn Quốc chiếm khoảng 5%. Phim ảnh Hàn Quốc đã đẩy lùi con số nhập khẩu phim Hollywood từ con số 76% phim chiếu ở các rạp xuống còn 14% vào năm 1999.
Nhờ công nghệ lăng xê mà ngành giải trí Hàn Quốc đã xuất hiện hàng loạt ca sĩ thần tượng, diễn viên thần tượng và góp phần “Hàn hóa” thanh thiếu niên của nhiều quốc gia. Ngay cả Trung Quốc, một trong những đất nước giàu truyền thống nhất thế giới, cũng chịu ảnh hưởng của làn sóng này. Những chương trình của Hàn Quốc đã chiếm một thời lượng không nhỏ trên các kênh truyền hình, thậm chí trên cả các kênh của Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV.
Hàn Quốc trở thành quốc gia có chương trình phát sóng nhiều nhất trên các kênh truyền hình của Trung Quốc, bỏ xa hai “đại gia” lớn là Mỹ và Nhật Bản. Điều này cũng diễn ra tại hầu hết các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á và Đông Nam Á như Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam… Trên các kênh truyền hình của các nước này, trung bình mỗi ngày có 3-5 tiếng chiếu phim và ca nhạc của Hàn Quốc.
Nhà báo Andrew Salmon khi viết về làn sóng Hàn Quốc cho tờ Korean Times đã cho rằng: “Đối với người xem ở Trung Quốc hay khu vực Đông Nam Á, phong cách sống Hàn Quốc đã trở thành một tiêu chuẩn đáng mơ ước”.
Cũng theo tờ Korean Times, nhiều nước đang có kế hoạch chiếu phim truyền hình Hàn Quốc nhiều hơn nữa để thay thế các bộ phim hạng B của Hollywood. Bởi đơn giản, tiền bản quyền rẻ hơn và sức hút khán giả tốt hơn. Bên cạnh những bộ phim truyền hình thì luôn có những phim điện ảnh gai góc để giới thiệu chất lượng thật sự của điện ảnh Hàn Quốc mà cái tên Kim Ki Duk (đạo diễn phim Pieta đoạt giải Sư tử vàng Liên hoan phim Venice lần thứ 69) là một ví dụ.
Ông Ma Young Sam, viên chức của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: “Khi người nước ngoài chú ý nhiều hơn đến những ca sĩ, điện ảnh Hàn Quốc thì từ từ họ sẽ phát triển một niềm yêu thích với những sản phẩm Hàn Quốc và sẽ mua chúng. Đó là những gì chúng tôi đang cố gắng để thúc đẩy”.
Du lịch Hàn Quốc phát triển mạnh nhờ… phim ảnh
Về du lịch, do sức ảnh hưởng của các bộ phim Hàn Quốc như Bản tình ca mùa đông, Nàng Dae Jang Geum hay Ngôi nhà hạnh phúc, số lượng khách du lịch đổ về Hàn Quốc ngày một đông, một phần để tham quan những địa điểm xuất hiện trong các bộ phim, phần khác cũng để thưởng thức những món ăn đã trở thành thương hiệu của đất nước này. Những dịch vụ du lịch trọn gói mang tên “Hallyu tour” (Du lịch làn sóng Hàn) ngày càng đa dạng và phong phú. Tham gia các dịch vụ này du khách có thể đến thăm trường quay, những địa danh nổi tiếng, những món ăn ngon đã từng xuất hiện trong những bộ phim của Hàn Quốc.
10 tháng đầu năm 2005, theo thống kê của Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc đã có khoảng 550.000 khách du lịch đến thăm địa điểm đóng các bộ phim của Hàn Quốc, trong đó phần lớn là khách Nhật Bản và Đài Loan (TQ). Năm 2003 có 2,8 triệu lượt khách thì đến năm 2004 con số này đã là 3,7 triệu. Năm 2011, Hàn Quốc đã thu hút hơn 8,8 triệu du khách nước ngoài nhờ vào thành công của các bộ phim truyền hình – đó thực sự là những con số đáng mơ ước đối với bất kỳ quốc gia nào. Hàn Quốc giờ đây trở thành điểm đến đầu tiên của du khách Trung Quốc.
Không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa trong nước, “làn sóng Hallyu” còn tác động đến văn hóa của nhiều quốc gia khác, đặc biệt tới tầng lớp thanh, thiếu niên. Các xu hướng thời trang, trang điểm, ẩm thực… đều được giới truyền thông Hàn Quốc “update” dưới nhiều dạng khác nhau và dễ dàng trở thành trào lưu, thành “mốt” đối với các bạn trẻ. Các sản phẩm có mác “made in Korea” được nhiều người tiêu dùng châu Á ưu ái. Thị trường nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Á đã bị chinh phục bởi truyền hình và âm nhạc, các nhãn hiệu thời trang và mĩ phẩm và tạo nên sự bùng nổ của ngành thời trang, giải trí và thẩm mĩ tại đất nước Nhân sâm và nhiều quốc gia châu Á khác.
Chỉ trong vòng 5 năm, ngành thời trang Hàn Quốc đã cạnh tranh mạnh mẽ và loại bỏ được đối thủ Nhật Bản. Mỹ phẩm của Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản, Thái Lan, Hồng Kông… trở thành một trong năm quốc gia có ngành mĩ phẩm phát triển nhất thế giới.
Không những thế, văn hóa Hàn Quốc còn thu hút lượng du học sinh đến du học trên quần đảo này ngày càng đông. Tính từ năm 2001, số du học sinh nước ngoài tăng đều đặn khoảng 27% mỗi năm.

Chi Mai

 

Print

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top