Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Xử lí sai phạm trong quản lý, sử dụng đất rừng Sóc Sơn (Hà Nội): Lùng nhùng vì sai phạm từ gốc

Thứ Hai 10/12/2018 | 09:42 GMT+7

VHO- Thời điểm cưỡng chế tháo dỡ những công trình sai phạm trên đất rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn đã phải lùi lại để chờ kết luận toàn diện của Thanh tra thành phố Hà Nội, dù trước đó hơn chục năm, sai phạm này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

 Một số công trình xây dựng trong đất rừng ở Sóc Sơn

 Có nhiều lúng túng mà chính quyền địa phương chưa thể xử lý ngay, xuất phát từ những sai phạm kéo dài nhiều năm từ chính các cán bộ, công chức có thẩm quyền.

Sai phạm từ gốc

Theo các thông tin trước đó từ các cơ quan chức năng của xã, huyện, thành phố thì nhiều hộ dân đang sinh sống và có công trình xây dựng trong khu vực rừng Sóc Sơn đều được cấp Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), trong đó có cả sổ đỏ cấp cho đất ở lâu dài. Liên quan đến sai phạm trong quản lý và sử dụng đất rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn, một số cán bộ xã, huyện Sóc Sơn đã bị đình chỉ công tác để chờ xem xét kỷ luật. Trong một thời gian dài, với sự buông lỏng quản lý, thậm chí làm trái nguyên tắc trong quản lý đất đai, các cán bộ có thẩm quyền này đã tiếp tay cho việc biến hàng chục héc ta rừng đặc dụng Sóc Sơn thành những khu nhà vườn cao cấp. Nhờ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chính quyền địa phương cho những hộ được nhận chuyển nhượng, mà đất rừng được giao cho một số hộ thuộc Lâm trường Sóc Sơn trước đây đã dễ dàng được chuyển nhượng cho nhiều người từ nơi khác đến, để họ xây dựng thành những khu biệt thự tráng lệ.

Năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội và phát hiện ra hàng loạt các sai phạm, trong đó có sai phạm trên địa bàn huyện Sóc Sơn, mà nghiêm trọng nhất là ở khu vực đất rừng phòng hộ - đặc dụng. Kết luận thanh tra này đề nghị xử lý dứt điểm sai phạm. Nhưng lúc đó, cũng vì lý do đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho một số hộ được nhận chuyển nhượng nên việc xử lý đã không được thực thi, khiến cho việc sai phạm tiếp tục tái diễn, khiến nhiều diện tích rừng phòng hộ - đặc dụng bị xẻ nát.

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội cho biết, về nguyên tắc thì không được xây nhà trên đất lâm nghiệp. “Người dân được giao đất để trồng rừng, chứ không phải để ở. Thế mới dẫn đến vấn đề những trường hợp cấp sổ đỏ vào đất rừng là sai”, ông Mỹ khẳng định.

Chính vì sai phạm từ gốc và kéo dài nhiều năm, mà việc xử lý vi phạm hiện nay đang bị lùng nhùng.

Không nên đánh đồng sự việc

Điều đáng tiếc là hiện trong đất rừng phòng hộ - đặc dụng Sóc Sơn, có những công trình có giá trị đặc biệt về kiến trúc và văn hóa như Việt phủ Thành Chương. Đây là điểm du lịch văn hóa, tâm linh đã thu hút được nhiều lượt khách trong và ngoài nước. Công trình này cũng chứa đựng những giá trị văn hóa, kiến trúc độc đáo mà hiếm nơi nào có được. Không những thế, để xây dựng một quần thể kiến trúc, văn hóa độc đáo như vậy, chủ nhân của nó đã phải dành tất cả tiền bạc, công sức và tâm huyết.

Ngay chính Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn - ông Phạm Xuân Phương cũng phân vân vì: Sai phạm thì phải xử lý, và để cưỡng chế tháo dỡ thì chỉ cần một số máy móc trong vòng vài giờ là xử lý xong. Tuy nhiên, “Nếu nói phá thì mình là người vô cảm” vì “đây là công trình hiếm về văn hóa Việt cổ”, ông Phương giãi bày, dù theo ông vẫn “phải thực thi trên cơ sở pháp luật”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, sai phạm không phải do lỗi của chủ nhân các công trình này mà là do một số cán bộ, công chức của địa phương. Nếu ngay từ khi các bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đến chính quyền làm thủ tục, chính quyền từ chối thì mọi việc sẽ trở nên rất đơn giản. Hoặc là nếu xử lý ngay từ vụ vi phạm đầu tiên thì sẽ không có việc vi phạm tràn lan và kéo dài. Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, dù là tài sản, công trình của bất kỳ cá nhân nào, nếu là xâm phạm đất rừng thì phải kiên quyết xử lý. “Chúng ta phải nhìn rõ vấn đề ở đây là xây dựng trái phép ở khu rừng đặc dụng - tài sản của Quốc gia. Việc nào ra việc ấy, sai phạm đất đai thì xử lý lỗi này, còn mục đích văn hóa thì xin cấp hoặc mua đất nơi khác để thực hiện. Chúng ta không nên đánh đồng hai sự việc này”, một ý kiến gay gắt. Nhưng cũng có một số người tỏ ra nuối tiếc: “Tôi cũng đã đến thăm Việt phủ Thành Chương. Quả thực, đó là một công trình nghệ thuật rất độc đáo, hiếm có. Tôi nghĩ, nếu chiếu theo luật mà yêu cầu phá dỡ thì đất rừng cũng chẳng thêm được bao mét, ngược lại cả một công trình văn hóa vô cùng giá trị bị đập bỏ. Tôi nghĩ chính quyền nên tạo cơ chế đặc biệt để Việt phủ được tồn tại, tạo nguồn thu cho ngân sách...”.

Cuối tháng 11.2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TP. Hà Nội, Bộ NN&PTNT, Bộ Công an khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý sau thanh tra đất rừng huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội, báo cáo phải thực hiện trước ngày 15.12. Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu Hà Nội thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn Sóc Sơn; đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1.2.2019.

Tất cả vẫn đang chờ đợi vào kết luận thanh tra của thành phố Hà Nội. Nhiều người hy vọng, đây sẽ là lần xử lý dứt điểm để sai phạm không còn lùng nhùng kéo dài năm này qua năm khác.

HOÀNG HƯƠNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top