Phóng viên “lê la, trườn bò” ở phiên toà

VH- Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vô ý làm chết người xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã tạm khép lại. Đây là vụ án thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận nên hầu hết các cơ quan báo chí đều cử phóng viên lên Hòa Bình tham dự để theo dõi trực tiếp diễn biến phiên tòa.

Phóng viên “lê la, trườn bò” ở phiên toà - Anh 1

Những ngày ngồi dự phiên tòa là những ngày Hòa Bình vào cao điểm của đợt nắng nóng. Nhiệt độ trong phòng có khi lên tới 38-39 độ. Chiếc quạt trần trong phòng xử án chạy tít, cũng chỉ làm cho cái nóng hầm hập đỡ hơn chút ít.

Phòng xử án của tòa án cấp huyện nên nhỏ, diện tích chỉ tầm 20-30m2, kê hai hàng ghế, mỗi hàng khoảng 5 chiếc ghế băng. Nhưng đây là vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận nên rất nhiều người dân muốn đến dự phiên tòa xét xử công khai này, đó là chưa kể 9 nạn nhân may mắn sống sót trong vụ chạy thận cùng người nhà của họ và người nhà của 9 nạn nhân đã tử vong, ngày nào cũng túc trực đủ 2 phiên xét xử tại tòa, do đó phòng xử án trở nên vô cùng chật chội. Tòa án đã bố trí cho cánh phóng viên theo dõi việc xét xử tại phòng xử án số 2, thông qua trình chiếu trực tiếp, nhưng do người dân tham gia đông nên tất cả các ghế đều nhường cho dân ngồi, cánh phóng viên lê la dưới đất, miễn là có chỗ đặt chiếc máy tính hoặc chiếc máy quay để tác nghiệp.

Trời nóng, phòng đông nên anh chị em mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Ấy vậy mà không ai quan tâm đến ngoại cảnh, chỉ dán mắt vào màn hình để theo dõi phiên tòa.

Vụ án nóng nên nhiều báo cử phóng viên lên theo dõi trực tiếp, vì sợ bỏ lỡ thông tin nóng. Có báo cử tới 5 phóng viên theo dõi ròng rã nửa tháng trời, có báo ngày nào cũng 2 phóng viên, một viết, một chụp ảnh, túc trực tại phiên tòa. Lực lượng tác nghiệp đông nên dù đã mang theo ổ điện dự phòng, nhiều khi anh chị em phóng viên vẫn phải nhường nhau ổ điện để kịp truyền tin về tòa soạn.

Phóng viên “lê la, trườn bò” ở phiên toà - Anh 2

 Toà xét hỏi nhằm làm sáng tỏ vụ án

Sau mỗi phiên xử buổi sáng, cánh phóng viên lại vội vã đổ bài để gửi về tòa soạn, sau đó mới kéo nhau đi ăn cơm trưa. Buổi chiều thì thong thả hơn, làm bài xong thì về phòng trọ, tối hẹn nhau đi ăn ngoài quán vỉa hè, sát dòng sông Đà.

Đây là phiên tòa khiến nhiều người tham dự cảm thấy “ấm lòng” nhất là cái tình của những người cùng trong phòng xử án, ở hai phía đối nghịch: Bị hai - Bị cáo.

Nếu như ở hầu hết các phiên tòa, bị hại luôn muốn tòa xử nghiêm bị cáo, thậm chí có phiên tòa, lực lượng cảnh sát bảo vệ còn phải làm việc rất căng để tránh xung đột giữa hai bên. Nhưng tại phiên tòa này có nhiều bị hại và người đại diện cho gia đình bị hại xin tòa xử cho bị cáo vô tội hoặc được giảm nhẹ tội. Chị Nguyễn Ánh Tuyết, con gái của nạn nhân Nguyễn Thị Minh đã nhiều lần đứng trước Tòa, xin tòa xử cho bị cáo - bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội vì bác sĩ Lương trong nhiều năm làm việc tại nguyên đơn thận nhân tạo đã luôn tận tình, chu đáo với bệnh nhân, còn sự cố hôm 29.5.2017 là ngoài sự mong muốn của bác sĩ Lương nên bác sĩ Lương không có tội. Đại diện cho gia đình nạn nhân Đinh Thị Thu Hằng còn cố gắng đưa ra các lí do để thuyết phục hội đồng xét xử xử cho bác sĩ Lương vô tội, đơn cử như các gia đình bệnh nhân và các bệnh nhân đều coi các y bác sĩ, điều dưỡng của nguyên đơn như người trong một nhà, đã cùng nhau đi du lịch rất thân thiết “nếu các bác sĩ không hết lòng với bệnh nhân thì làm sao được yêu quý như vậy”.

Không chỉ xin cho bị cáo Hoàng Công Lương vô tội, các bị hại còn xin tòa xử nhẹ cho hai bị cáo là Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc để các bị cáo sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Phiên tòa chưa kết thúc nhưng ngày 5.6.2018, trước và sau khi đợi tòa tuyên án, rất đông người dân và các bác sĩ đã mặc những chiếc áo màu xanh hy vọng với trái tim đỏ và dòng chữ “Bác sĩ Lương vô tội” để bày tỏ tình cảm với bác sĩ Hoàng Công Lương và niềm hy vọng bác sĩ Lương sẽ được tuyên vô tội. Trong số hàng trăm người đến tòa để bày tỏ sự yêu mến và “bênh vực” bác sĩ Lương, có những bác sĩ từ các tỉnh cách Hòa Bình vài trăm cây số, có nữ bác sĩ đã 70 tuổi, những người dân không hề thân quen bác sĩ Lương cũng lặn lội từ Hà Nội lên Hòa Bình để “xem bác sĩ Lương có bị sao không”. Tình cảm của người nhà bệnh nhân và người dân, chắc hẳn sẽ là nguồn động viên to lớn đối với bác sĩ Lương. Điều này cũng xoa dịu nỗi lo lắng của ngành y nói riêng và xã hội nói chung khi ngày càng có nhiều bác sĩ và nhân viên y tế bị hành hung ngay tại các bệnh viện, các cơ sở khám chữa bệnh.

HOÀNG HƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc