Vì sao lực lượng phòng, chống tội phạm “chùn tay”?

VH- Hiện nay, tội phạm hình sự, nhất là các loại tội phạm đường phố, tội phạm có tổ chức, băng nhóm gia tăng hết sức nghiêm trọng. Tội phạm tăng, đồng nghĩa với việc cuộc sống bình yên của người dân bị đe dọa và ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an toàn xã hội, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trên một số diễn đàn, dư luận đôi khi phê phán sự chậm chạp hoặc thiếu quyết liệt của lực lượng phòng, chống tội phạm trong việc ngăn chặn, trấn áp tội phạm. Trong một số trường hợp là do lực lượng này yếu kém về chuyên môn, kỹ năng, thiếu chuyên nghiệp... nhưng thì phần nào đó là từ việc thiếu cơ chế bảo vệ hiệu quả lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là nguyên nhân dẫn đến việc người thực thi công vụ thiếu nhiệt tình, quyết liệt, ngại va chạm, “chùn tay” khi đối mặt với tội phạm!

Thực tế nhiều trường hợp người thi hành công vụ vì lý do khách quan, rủi ro, thậm chí quá hăng hái “nhiệt tình” khi trấn áp tội phạm mà vướng vào vòng lao lý, bị kỷ luật hoặc phải bồi thường thiệt hại... Mới đây nhất, là khi có tin một phó công an phường ở TP.HCM nổ súng chặn đua xe gây chết người là lập tức dư luận lên tiếng đòi xử lý, này nọ... mặc dù cơ quan chức năng đang trong quá trong điều tra, xác minh làm rõ. Rõ ràng hành vi nổ súng là để ngăn chặn việc đua xe là hợp pháp nhưng vô tình làm chết người, thì phó công an phường kia ít nhiều cũng sẽ gặp rắc rối!

Có thể khẳng định rằng, đối diện với những kẻ phạm tội ngày càng manh động, liều lĩnh, hung hãn, lực lượng phòng, chống tội phạm phải được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, kỹ năng và phương tiện hiện đại, đủ mạnh để trấn áp hiệu quả... Quan trọng hơn là cần phải có cơ chế bảo vệ lực lượng phòng, chống tội phạm trong những tình huống cụ thể. Ở các nước, việc người thi hành công cụ được miễn hoàn toàn trách nhiệm pháp lý, kể cả vô ý gây chết người là bình thường.

Theo đó, cần có cơ chế miễn trách nhiệm pháp lý cho lực lượng phòng, chống tội phạm khi thực thi công vụ trong một số trường hợp do rủi ro hoặc vô ý vượt quá giới hạn cho phép khi thi hành công vụ. Bên cạnh đó, thành lập các quỹ để hỗ trợ lực lượng phòng, chống tội phạm khi thực thi nhiệm vụ gây thiệt hại ngoài ý muốn, rủi ro mà phải bồi thường.

Điều này không chỉ giúp lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm yên tâm trong khi thực thi nhiệm vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc đấu tranh, trấn áp tội phạm đang có chiều hướng gia tăng nguy hiểm, bất chấp pháp luật hiện nay.

THS PHẠM VĂN CHUNG(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Ý kiến bạn đọc