Đà Nẵng: Khó kiểm soát vi phạm trong các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ

VHO - Trước liên tiếp những vụ vi phạm của các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa qua, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết trong năm 2023 ngành y tế đã tổ chức thanh tra liên ngành tại 50 cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn thành phố, qua đó tiến hành xử phạt các cơ sở vi phạm.

Tại buổi họp báo quý III của UBND TP Đà Nẵng, bà Trần Thanh Thủy - Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: Hiện nay trên 7 quận, huyện của Đà Nẵng có số cơ sở được lồng ghép trong các dịch vụ masage, spa rất đa dạng với khoảng 500 cơ sở. Thời gian qua TP đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng tại các cơ sở thẩm mỹ. Trên thực tế loại hình này có 2 hình thức hoạt động. Thứ nhất, là những cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi tạo hình - đây là những cơ sở đòi hỏi phải có cán bộ y tế thực hiện, Sở Y tế và cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Số lượng này trên địa bàn khoảng 30 cơ sở. Thứ hai là loại hình dịch vụ thẩm mỹ, loại hình này chiếm số lượng lớn trong cộng đồng và khó kiểm soát.

Mới đây, ngày 25.10, Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng khi kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, y tế tại cơ sở kinh doanh dịch vụ Thẩm mỹ ID Korea (địa chỉ số 265-267 Hùng Vương, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã bất ngờ phát hiện nhiều vi phạm tại cơ sở này.  “Viện thẩm mỹ ID Korea” được quảng cáo trên các trang mạng xã hội thực chất là cơ sở hoạt động ngành nghề kinh doanh dịch vụ phun thêu xăm thẩm mỹ theo Giấy phép kinh doanh số 32B8022392 do UBND quận Thanh Khê cấp ngày 22.5.2023. 

Đà Nẵng: Khó kiểm soát vi phạm trong các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ - Anh 1

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở làm đẹp, phát hiện nhiều vi phạm pháp luật

Tại thời điểm kiểm tra phát hiện, cơ sở không xuất trình được Hợp đồng thu gom chất thải nguy hại theo quy định, không trang bị thùng rác chuyên dụng để thu gom, lưu giữ rác thải y tế, rác thải nguy hại tại cơ sở; cơ sở chỉ trang bị thùng rác thông thường không có nắp đậy; không bố trí khu vực để thùng rác y tế; rác thải y tế để chung với rác thải thông thường.

Trong đó, bà L.T.H (SN 1999, trú Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa), người được cho là “bác sỹ thẩm mỹ” của cơ sở, đang thực hiện dịch vụ nâng ngực cho một khách hàng. Bà L.T.H khai mới chỉ tốt nghiệp cấp 3, chưa từng được đào tạo chuyên môn, không có bất kỳ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Trước khi thực hiện thủ thuật, bà H. cũng tiến hành khám sức khỏe, lấy máu của khách hàng để xét nghiệm, nhưng toàn bộ mẫu máu lấy của khách hàng không được mang đi xét nghiệm mà vứt vào thùng rác. Khi lực lượng chức năng phát hiện, những mẫu máu này trong tình trạng không được bảo quản, để rơi vãi ra xung quanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm nguy hiểm.

Qua làm việc cho thấy, cơ sở ID Korea nói trên hoạt động kinh doanh dịch vụ Spa, thẩm mỹ và thực hiện các thủ thuật gồm: Nâng ngực, nâng mũi, dùng máy can thiệp, tiêm Filler, botox và các dược chất khác…, nhưng cơ sở thẩm mỹ ID Korea không có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ của Sở Y tế TP. Đà Nẵng theo quy định; thực hiện nâng ngực cho khách khi không có chuyên khoa, chuyên môn. Đội Cảnh sát Kinh tế - môi trường, Công an quận Thanh Khê đã tiến hành lập biên bản toàn bộ nội dung kiểm tra tại cơ sở và tạm giữ toàn bộ 504 sản phẩm vật tư y tế tàng trữ tại cơ sở.

Trước đó, tháng 8.2023, Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q. Thanh Khê, TP. Đà Nẵng đã bắt quả tang một nhân viên lao công thực hiện căng da mặt cho khách tại cơ sở thẩm mỹ Kangzin (Viện thẩm mỹ 175 Sài Gòn, địa chỉ 368 Hùng Vương, P. Vĩnh Trung, Q. Thanh Khê, TP. Đà Nẵng). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở thẩm mỹ Kangzin không xuất trình được các loại giấy tờ pháp lý đảm bảo đủ điều kiện hoạt động của cơ sở thẩm mỹ như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh, văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ do Sở Y tế TP. Đà Nẵng cấp, hợp đồng thu gom rác thải nguy hại và sổ giao nhận rác thải nguy hại với công ty thu gom, chứng chỉ hành nghề của nhân viên làm việc tại cơ sở.

Cơ sở này cũng không trang bị thùng rác chuyên dụng có nắp đậy tại khu vực cung cấp dịch vụ; không trang bị, bố trí thùng rác chuyên dụng (cỡ lớn) để thu gom, lưu trữ rác thải nguy hại tại cơ sở. Cơ sở này còn vứt rác thải y tế cùng rác thải sinh hoạt trên vỉa hè trước cơ sở kinh doanh…

Trả lời về chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về thẩm mỹ, lãnh đạo Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: “Sở y tế đã ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó có chỉ đạo các sở ngành liên quan phối hợp kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở cấp phép kinh doanh có nội dung về hoạt động thẩm mỹ, cũng như các cơ sở y tế thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi về thẩm mỹ. Thực hiện thanh tra, đồng thời tiến hành xử phạt các cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật trong thực hiện dịch vụ, qua đó khuyến cáo người dân cần thận trọng tìm hiểu kỹ trước khi tiến hành thực hiện các dịch vụ làm đẹp. Hiện trên địa bàn Đà Nẵng có 92 cơ sở thực hiện cấp phép và công bố hồ sơ đủ điều kiện. Sở y tế đã công khai, cập nhật hàng tháng danh sách các cơ sở này cũng như gửi toàn bộ thông tin về cho các trung tâm y tế quận huyện để phối hợp quản lý.  Về việc kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực thẩm mỹ, Sở Y tế cần có sự tham gia của rất nhiều cơ quan chức năng mới có hiệu quả được”.

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc