Khởi tố, bắt tạm giam cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi”

VHO - Cơ quan CSĐT Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với cô đồng bổ cau "đúng nhận, sai cãi" Trương Thị Hương (SN 1986) để điều tra về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, cô đồng Trương Hương bị người dân tố cáo nhận 180 triệu đồng để cúng bán nhà, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền. Theo tài liệu điều tra, ngày 6.12.2022, anh T.T.X cùng mẹ đẻ đến nhà cô đồng Trương Hương ở phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn) xem bói, xem phong thủy và được cô đồng gợi ý làm lễ, cầu bán nhà, cầu bình an với số tiền 270 triệu đồng.

Khởi tố, bắt tạm giam cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” - Anh 1

Cô đồng "bổ cau" phán vận mệnh của người khác trước khi bị bắt giam (ảnh cắt từ clip)

Khi anh X. trình bày hoàn cảnh, số tiền được Hương giảm xuống còn 180 triệu đồng và hứa hẹn làm lễ xong, khoảng 28.12.2022, gia đình anh X. sẽ bán được nhà. Tuy nhiên, sau khi cúng về, anh X. chờ đến hết tháng 12.2022 vẫn không bán được nhà. Nghĩ bị lừa, người đàn ông này đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của cô đồng Trương Thị Hương.

Ngoài ra, Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã nhận được nhiều đơn trình báo về việc "cô đồng" Trương Thị Hương (SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) nhận tiền để làm lễ chữa bệnh cho người dân. Trong đó bà Nguyễn Thị Lăng  phản ánh về việc đã đưa hàng chục triệu đồng cho "cô đồng" Trương Thị Hương để làm lễ nhưng không được việc.

Trước đó, ngày 9.2, Công an thị xã Kinh Môn cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Trương Thị Hương về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc" với mức phạt 7,5 triệu đồng. Bà Hương là cô đồng bổ cau "đúng nhận sai cãi" xem bói toán, có biểu hiện mê tín dị đoan gây sốt trên mạng xã hội. Bà Hương đã sử dụng tài khoản Facebook "Trương Hương" đăng tải video có nội dung cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan lên mạng xã hội. Khi mọi người đến xem sẽ đưa cho bà Hương lá trầu và quả cau, sau đó bà Hương bổ quả cau, rồi phán đoán về tình duyên, tài vận, sức khoẻ, vận hạn của mọi người.

Liên quan đến vấn đề ngày, báo Văn Hoá số 3852, 3853, 3754, 3855, 3856 ra ngày 13 – 22.3.2023 đã đăng tải loạt bài “Ngăn chặn mê tín dị đoan và vấn nạn cuồng tín” đã đưa ra thực trạng cũng như cảnh báo, và các giải pháp nhằm ngăn chặn tệ nạn này.  

Khởi tố, bắt tạm giam cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” - Anh 2

Bài 1 trong loạt bài phê phán nạn cuồng tín đăng tải trên báo Văn Hoá

Trao đổi với Văn Hoá, TS. LS. Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết: Lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi không những là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo. Theo đó, mọi người đều có quyền có niềm tin tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đó. Niềm tin vào đấng siêu nhiên không phải là xấu, đôi khi niềm tin tôn giáo giúp con người ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, tin vào những điều tốt đẹp, từ bỏ những thói hư, tật xấu để làm những điều tốt, điều thiện. Tuy nhiên, nếu niềm tin tôn giáo quá mức, thiếu cơ sở khoa học, không phù hợp với quy luật khách quan, suy nghĩ và hành động bất thường đến mức gọi là mù quáng, bị lợi dụng thì sẽ gọi là "mê tín". Hành vi mê tín dẫn đến thực hiện những hành động phản khoa học, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật thì đó là "dị đoan" và sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Luật sư Cường cũng cho rằng, những người mê tín dị đoan có thể khiến cho gia đình tan vỡ hạnh phúc, tiêu tán tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, đến công việc và gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Những người mê tín dị đoan sẽ không chú tâm lao động sản xuất, làm ra của cải vật chất mà luôn có suy nghĩ nghi ngờ, tin vào những điều huyền hoặc, thần bí.

Khởi tố, bắt tạm giam cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi” - Anh 3

Luật sư Đặng Văn Cường

Thời gian qua không ít đối tượng bói toán, đồng cốt, lợi dụng tôn giáo để chiếm đoạt tài sản đã bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với những chế tài nghiêm khắc. Mặc dù có nhiều người đã bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí có những người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên hành vi này vẫn diễn ra nhiều trong đời sống xã hội và đặc biệt là trên không gian mạng thời gian gần đây.

Lý giải về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường cho hay,  trong cuộc sống không phải ai cũng gặp thuận lợi, nhiều người có nhiều khát vọng, mong muốn nhưng chưa đáp ứng được lên hay tò mò, muốn tìm đến những bậc siêu nhiên để được giúp đỡ, mong muốn tìm đến các cô đồng, thầy bói để biết trước tương lai xem mong muốn nguyện vọng của mình có thể thực hiện được không. Có những người gia đình gặp hoạn nạn, ốm đau, mất mát; con cái làm ăn khó khăn, khó lập gia đình… nên muốn tìm đến thầy tướng số, bói toán để tìm cách hóa giải, mong muốn bản thân và gia đình vượt qua những bất hạnh. Bên cạnh đó, có những người đi xem tướng số chỉ là một hoạt động giải trí, xem cho vui hoặc bị lôi kéo. Tuy nhiên khi nghe những người bói toán tướng số nói dựa, phán đoán thì cứ suy luận để vận vào người, tin là thật rồi sa đà vào các hoạt động bói toán, cúng lễ nhảm nhí nên bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt tài sản…

Việc chứng minh các cô đồng, cậu đồng, thầy bói phạm tội là không khó, nhưng nhiều người biết mình bị lừa, bị chiếm đoạt tài sản vì tham gia bói toán, tướng số nhưng không dám tố cáo vì sợ xấu hổ, sợ mang tiếng và sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình nên đã ngậm đắng nuốt cay. Nhiều người cũng vì mê tín dị đoan không dứt ra được, tin vào lời nhảm nhí mà mất tiền, mất thời gian công sức, tan vỡ hạnh phúc gia đình nhưng vẫn cho rằng đó là số phận, vẫn tin vào hành vi của các đối tượng lừa đảo nên không tố cáo, thậm chí còn cản chở cơ quan chức năng phát hiện sự việc để xử lý. Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan của nhiều đối tượng thực hiện tinh vi, che giấu bởi các hoạt động tôn giáo, mang danh tôn giáo để chống đối với lực lượng chức năng nên việc xử lý có những nơi có phần e ngại, thiếu kiên quyết nên chưa hiệu quả, khiến các đối tượng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hành nghề mê tín dị đoan vẫn còn diễn ra nhiều trong đời sống xã hội và trên không gian mạng.

Do đó, người dân cần tỉnh táo trước những đối tượng tự cho mình là lực lượng “siêu nhiên”có thể hoá giải mọi khó khăn cho người khác để bị lừa đảo, tiền mất tật mang, gia đình tan vỡ”, luật sư Cường nhấn mạnh.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc