Giám đốc Sở khiếu nại: Phải thượng tôn pháp luật

VH- Cho rằng mình bị “oan”, Giám đốc Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Bạc Liêu đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ khiếu nại và phản bác kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh này đối với ông. Sau đó, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ và hiện Thanh tra Bộ Nội vụ đã vào cuộc xác minh.

Việc đúng, sai sẽ được cơ quan thanh tra xác minh, làm rõ, tuy nhiên việc Giám đốc Sở “dám” khiếu nại, phản bác kết luận của Chủ tịch tỉnh là chuyện hiếm có. Qua vụ việc này cũng cho ta nhận thấy 2 vấn đề theo hướng tích cực, đó là niềm tin vào pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật và tiếng nói “phản biện” đã và đang lên ngôi!

Từ trước đến nay khi cấp trên chỉ đạo, kết luận việc gì là hầu như cấp dưới phải tuân thủ, chỉ biết làm theo dù đúng hay sai! Lý do được đưa ra là cấp dưới phải chấp hành triệt để quyết định, mệnh lệnh hành chính của cấp trên, nếu có ý kiến phản hồi chỉ có giá trị “tham khảo”.

Đặc biệt là ý kiến phản hồi thường ở thời điểm dự thảo, chưa ban hành, còn khi đã ban hành rồi thi coi như sự việc đã an bài! Vì vậy, dân gian thường ví von: “Điều 1: cấp trên luôn luôn đúng, điều 2: nếu cấp trên sai, coi lại điều 1”.

Trở lại với vụ việc trên, việc Giám đốc Sở “bật” lại Chủ tịch tỉnh biết đâu vị này làm đúng, đã nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật có liên quan nhưng vẫn bị xử ép! Ngoài ra, biết đâu vị Giám đốc Sở này đã nắm được điểm yếu, sai phạm hoặc sự liên quan nào đó của Chủ tịch UBND tỉnh?

Nếu điều này đúng thì sẽ có lợi, giúp ích nhiều cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bởi vì, chính những người trong cuộc biết rõ về nhau, do đó nếu giữa họ tranh luận với nhau thì cơ quan chức năng mới có cơ hội tiếp cận được sự thật các vụ việc, nhất là làm rõ đúng, sai đối với một số vụ việc còn có dấu hiệu tiêu cực nhưng chưa được phanh phui, phát hiện.

Như vậy, ngoài việc tranh luận để đi đến tận cùng sự thật, giúp nhau cùng tiến bộ, đồng thời hạn chế được tình trạng tiêu cực, sai phạm. Mặt khác, có thể coi đây là biện pháp, cách thức kiểm soát quyền lực hiệu quả nhất trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, cơ quan chức năng cần sớm làm rõ trắng - đen vụ việc trên. Trường hợp Giám đốc Sở kia bị “oan”, bị ép thì trả lại công bằng cho ông, đồng thời xử lý trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh, cũng như bộ phận tham mưu. Ngược lại nếu vị Giám đốc Sở có sai phạm thì cũng tâm phục, khẩu phục.

Mong rằng đây cũng là vụ việc tạo tiền lệ tốt cho tinh thần thượng tôn pháp luật lên ngôi, phản biện xã hội ngày càng được phát huy, chú trọng. Điều này để xã hội ngày càng tốt hơn, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân được bảo vệ tốt hơn cho dù họ là cán bộ, công chức hay người dân.

PHẠM VĂN CHUNG (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Ý kiến bạn đọc