Chuyển đổi số, phát triển sách điện tử để đáp ứng nhu cầu độc giả trẻ

VHO - Để phục vụ bạn đọc, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số, bao gồm phát triển sách điện tử, qua đó đã thu hút một lượng lớn độc giả trẻ.

Theo xu hướng, các thiết bị đọc sách điện tử ra đời và phát triển đã mang lại nhiều tiện ích cho người đọc. Với ưu thế về sự nhanh gọn, khối lượng thông tin đồ sộ, sách điện tử đã giúp những bạn trẻ bận rộn có thể đọc sách mọi lúc mọi nơi qua các thiết bị như smartphone (điện thoại thông minh), máy tính bảng, laptop...

Đánh giá tiện ích của sách điện từ, đa số độc giả trẻ cho rằng, việc tìm kiếm trên sách điện tử rất nhanh và tiện, chỉ cần có thiết bị và internet ổn định là người đọc có thể tìm kiếm, tra cứu. Một ưu điểm nữa là sách điện tử rẻ nhưng lại nhiều thông tin hơn sách giấy. Bên cạnh đó, lợi ích về thời gian, chi phí cũng là điều kiện để độc giả tìm đến với sách điện tử, vì không cần phải đến nhà sách, tìm và lựa sách, có thể tìm kiếm lại những trang web đã đọc một cách dễ dàng tiện lợi.

Chuyển đổi số, phát triển sách điện tử để đáp ứng nhu cầu độc giả trẻ - Anh 1

Máy trả sách tự động 24/7 ở Thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng tiết kiệm thời gian cho độc giả khi trả sách

Nắm bắt xu thế mới, hướng đến đáp ứng đối tượng là độc giả trẻ, Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng đã triển khai nhiều phần mềm mượn, trả sách nhanh gọn qua thư viện điện tử, thư viện số tích hợp; độc giả có thể mượn, trả sách điện tử, sách số, đọc sách số trên mạng.

Cụ thể, với máy trả sách tự động 24/7 ở Thư viện khoa học tổng hợp Đà Nẵng, bạn đọc có thể tiết kiệm thời gian cho quy trình này. Chỉ cần đặt sách vào hộp trả và thực hiện các bước như hướng dẫn trên màn hình là bạn đọc đã hoàn tất quá trình trả sách, máy phục vụ tất cả các ngày trong tuần, ở bất cứ thời gian nào mà không cần chờ đợi đến giờ thư viện làm việc. Ngoài ra, công nghệ RFID giúp đọc mã số trên sách tự động giúp cho việc nhận diện và phân loại sách. 

Tại các địa phương khác, nhiều mô hình thư viện được sáng tạo triển khai, nhận được phản hồi tích cực từ phía độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Nhiều trường học, tổ chức đoàn cũng đã thực hiện gắn mã QR, xây dựng thư viện số để nâng cao ý thức, lan tỏa văn hóa đọc không chỉ trong đoàn viên mà còn trong cộng đồng, xã hội.

Chuyển đổi số, phát triển sách điện tử để đáp ứng nhu cầu độc giả trẻ - Anh 2

Thực hiện chuyển đổi số, cán bộ KHTH Đà Nẵng dán nhãn RFID và nhập thông tin cho kho sách thiếu nhi

Mô hình Thư viện số - Đọc sách thông minh do Đoàn phường An Khê (quận Thanh Khê) phối hợp với Ban chỉ đạo chuyển đổi số của phường được đưa vào hoạt động từ tháng 7.2022 đã giúp bạn đọc tiếp cận sách mọi lúc, mọi nơi. Phường An Khê cũng là địa phương tiên phong trên toàn địa bàn TP Đà Nẵng triển khai mô hình đưa sách điện tử đến với người dân ở các khu dân cư. 

Hiện nay, mã QR của thư viện số được dán tại 15 nhà sinh hoạt cộng đồng và hơn 20 quán cà phê trên địa bàn phường để mọi người truy cập đọc sách. Khi quét mã QR thư viện số, bạn đọc có thể tiếp cận hơn 400 đầu sách với đa dạng lĩnh vực.

Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Đà Nẵng, bà Lê Thị Bích Phượng cho biết: “Theo Đề án phát triển hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, thời gian tới, các thư viện quận, huyện cũng sẽ được trang bị các máy mượn trả sách tự động. Thư viện Khoa học Tổng hợp  vẫn đang tiếp tục phát triển, hoàn thiện các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để cung cấp cho bạn đọc các dịch vụ và khả năng truy cập vào các nguồn tài nguyên thông tin của thư viện mọi lúc, mọi nơi”.

Để đáp ứng nhu cầu của chuyển đổi số trong thư viện, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thư viện cho người làm công tác thư viện trên địa bàn thành phố cho các cán bộ Thư viện KHTH Đà Nẵng, cán bộ thư viện khối quận, huyện, công chức quản lý mảng văn hóa xã hội phường/xã; người phụ trách các phòng đọc sách phường/xã và cán bộ phụ trách thư viện 1 số trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, qua đó đã trang bị cho học viên các kiến thức cần thiết về chuyển đổi số ngành thư viện, hướng dẫn lập hồ sơ điện tử và lưu trữ điện tử trong công tác văn thư lưu trữ, qua đó giúp học viên nắm vững và triển khai ứng dụng hiệu quả tại các đơn vị.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc