Khởi nghiệp bền vững với du lịch xanh gắn với nông nghiệp, nông thôn

VHO - Những câu chuyện thực tế của các doanh nghiệp ở Quảng Nam khởi nghiệp với mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển xanh đã chuyển tải thông điệp về Khởi nghiệp xanh từ tư duy đến hành động, nương tựa vào tự nhiên, xây dựng sản phẩm du lịch xanh từ giá trị bản địa để phát triển bền vững.

Khởi nghiệp bền vững với du lịch xanh gắn với nông nghiệp, nông thôn - Anh 1

Lò Gạch Cũ- điểm đến du lịch nông nghiệp với cánh đồng gạo tím than ở Duy Vinh, Duy Xuyên

Khởi nghiệp với du lịch xanh 
Tại diễn đàn “Khởi nghiệp du lịch - Hướng phát triển xanh và bền vững” do  Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức mới đây, câu chuyện của các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công với mô hình du lịch xanh trên nền tảng kết cấu giá trị bản địa là nông nghiệp - ngư nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã gợi mở rất nhiều về xu hướng phát triển các sản phẩm du lịch trong tình hình hiện nay. 
Một lò gạch cũ bỏ hoang cùng cánh đồng gạo tím than tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên đã trở thành điểm đến Lò Gạch Cũ thu hút rất nhiều du khách. Hướng đến du lịch nông nghiệp theo vòng kinh tế tuần hoàn, từ nông trại đến bàn ăn, tận dụng giá trị bản địa sẵn có để thu hút du khách về, biến miền quê thành nơi đáng sống, đáng quay về và đáng để đến.
Tại đây cũng đang sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gạo tím than Duy Vinh- được công nhận OCOP vào năm 2021 bằng việc bán gạo, mở rộng sản phẩm từ gạo như sữa gạo, sinh tố gạo, trà gạo. Gần như mỗi ngày đều có sản phẩm từ gạo tím than của đơn vị được xuất khẩu.  
Chị Lê Thanh Nga - chủ nông trại Lò Gạch Cũ chia sẻ: Nông nghiệp kết hợp với sản xuất chính là chìa khóa để nâng cao giá trị nông sản. Nông nghiệp kết hợp với du lịch chính là chìa khóa để xuất khẩu nông sản tại chỗ. 3 yếu tố nông nghiệp- sản xuất- du lịch kết hợp lại với nhau là chìa khóa để định vị ngành nông nghiệp lẫn du lịch. Chỉ có cách như vậy mới nâng cao được giá trị sản phẩm thay vì chỉ tập trung khai thác và bán thô theo truyền thống. 
“Nếu chỉ để chụp hình check- in thì cả đời khách đến với mình chỉ một lần. Với Lò Gạch Cũ, khách đến một lần nhưng sản phẩm của mình bán cho họ là một đời”, chị Nga chia sẻ. 

Khởi nghiệp bền vững với du lịch xanh gắn với nông nghiệp, nông thôn - Anh 2

Không gian làng Củi Lũ- làng nghề điêu khắc truyền thống, sử dụng tài nguyên tái chế 

Nghệ sĩ Lê Ngọc Thuận, người sáng lập Không gian Làng Củi Lũ tại thôn Đồng Nà, TP Hội An chia sẻ kinh nghiệm từ việc khởi nghiệp với mô hình khôi phục làng nghề điêu khắc truyền thống, sử dụng tài nguyên tái chế và phát triển du lịch làng nghề. 
Hàng năm, Hội An thường trải qua những đợt mưa lũ lớn, lượng củi, gỗ lũ từ thượng nguồn trôi theo lũ về hạ lưu sông Thu Bồn và bờ biển Cửa Đại rất lớn. Từ nguồn nguyên liệu tưởng chừng bỏ đi này, dưới bàn tay khéo kéo của những nghệ nhân địa phương đã biến thành tác phẩm thủ công mang tính nghệ thuật cao, có giá trị ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Qua đó, truyền tải và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh trong cộng đồng. Bên cạnh nguyên liệu tái chế cũng hướng đến sử dụng nguyên liệu từ rừng trồng bền vững nhằm tạo ra sinh kế cho người dân ở vùng thượng nguồn. 
Không gian Làng Củi Lũ được hình thành nhằm trưng bày giới thiệu lịch sử làng nghề truyền thống, tổ chức “workshop” để tạo không gian kết nối sáng tạo. Đây cũng là nơi đào tạo nghề cho người dân địa phương nhằm bắt kịp xu hướng và công nghệ của thế giới, là trung tâm mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ địa phương tiếp cận khách du lịch.  
Nương tựa vào tự nhiên để phát triển du lịch Xanh bền vững
Nhiều mô hình du lịch theo hướng Xanh ở Quảng Nam nhận được đánh giá cao từ du khách và người mua, đóng góp tích cực vào việc tạo ra sản phẩm du lịch du lịch nông thôn cũng như giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam và văn hóa Quảng Nam. Dư địa phát triển sản phẩm du lịch xanh dựa vào cộng đồng, du lịch canh nông, du lịch sinh thái... còn rất lớn và cần nắm bắt cơ hội.
Theo anh Thuận, thực trạng hiện nay nhiều sản phẩm làng nghề không bắt kịp xu hướng thế giới, không gian sáng tạo cộng đồng chưa được đầu tư, dẫn đến không đảm bảo sinh kế cho nghệ nhân. 
“Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương cần hài hòa các tiêu chí văn hóa - hạnh phúc - phúc lợi - giáo dục - di sản - du lịch cộng đồng thì hệ sinh thái cộng đồng Hội An sẽ tồn tại bền vững, tạo dựng được bản sắc đặc trưng và thương hiệu riêng biệt”, anh Thuận chia sẻ. 

Khởi nghiệp bền vững với du lịch xanh gắn với nông nghiệp, nông thôn - Anh 3

Du khách thích thú với các “workshop” tại làng Củi Lũ

Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, những năm qua, Hiệp hội du lịch Quảng Nam tin rằng, thay đổi để phát triển du lịch xanh là lựa chọn tất yếu. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã chọn mục tiêu theo từng giai đoạn, từ “du lịch không rác thải nhựa” đến “xây dựng sản phẩm sáng tạo trên nền tảng văn hóa- giá trị truyển thống”, nền tảng nông nghiệp thuận nhiên và đến du lịch chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và “dấu chân sinh thái”.
Nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam đã ổn định doanh số, giữ khách quay trở lại thông qua hành động xanh trong cung cấp dịch vụ du lịch, như tuần hoàn rác hữu cơ, sử dụng vật liệu thân thiện, tiết giảm sản phẩm nhựa và một số vật dụng, tổ chức hoạt động trồng trọt và bảo vệ môi trường, giới thiệu trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống- nghề thủ công và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng… 
Cộng đồng làm du lịch Quảng Nam đã hiện thực hóa ý tưởng du lịch xanh vào thực tế sinh động, hiện hữu những sản phẩm du lịch từ chất liệu của sự tái chế- đong đầy, chuyển đổi sang vật liệu thân thiện trong cung cấp dịch vụ; sáng tạo những tour xanh kết hợp môi trường- trồng trọt thuận nhiên theo mô hình tuần hoàn, trải nghiệm giá trị truyền thống; thiết kế sản phẩm du lịch nương tựa vào nền tảng nông nghiệp thuận nhiên hay mang lại giá trị phục vụ từ chất liệu của nghề thủ công- văn hóa truyền thống; hoặc cung cấp một “bữa ăn không rác thải”… Những hiện hữu đó góp phần mặc định cho một thương hiệu “điểm đến xanh” trong du lịch Quảng Nam.  

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc