Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Quảng cáo bị gán nội dung độc hại trên nền tảng số: Bằng mọi giá phải chấm dứt

Thứ Hai 05/12/2022 | 11:35 GMT+7

VHO- Trước thực trạng các hành vi vi phạm về quảng cáo trên mạng diễn biến phức tạp, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Bộ TT&TT vừa tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng. Hội nghị đánh giá thực trạng hoạt động quảng cáo trên mạng của Việt Nam, những vi phạm và giải pháp cần triển khai thời gian tới.

 Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, bằng mọi giá sẽ chấm dứt tình trạng quảng cáo bị gán nội dung độc hại trên nền tảng số.

Tràn lan nội dung xấu độc

Sau khi Nghị định 70/2021/ NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý cơ bản vi phạm trong quảng cáo xuyên biên giới. Bộ TT&TT cũng đã công bố trên Cổng thông tin của Bộ các website vi phạm không được phép hợp tác quảng cáo, trong thời gian tới sẽ công bố các tài khoản, kênh nội dung vi phạm.

Về thực trạng quảng cáo vi phạm trên mạng, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, theo Nghị định 70/2021/NĐ-CP, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo với Bộ TT&TT 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam. Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước và nước ngoài (đại lý quảng cáo, Facebook, Google...) không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo không được đặt quảng cáo vào nội dung xấu độc, chống phá Nhà nước, vi phạm bản quyền; không hợp tác phát hành quảng cáo với các trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật được Bộ TT&TT công bố… Tuy nhiên, sau hơn một năm thực hiện Nghị định, vi phạm trong hoạt động quảng cáo vẫn tràn lan. Tính đến nay, mới có 9 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đăng ký với Bộ TT&TT.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, phát triển quảng cáo trên không gian số là xu hướng tất yếu, dễ đoán trong bối cảnh số hóa. Quảng cáo được nhìn nhận như một nguồn lực để nuôi những nội dung trên không gian mạng. Trong khi những nền tảng xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Google,… có ưu thế về công nghệ, lượng người dùng, dữ liệu, tạo không gian phát triển nội dung không giới hạn.

Tuy nhiên, quảng cáo xuyên biên giới ở Việt Nam bộc lộ nhiều tiêu cực, gây ảnh hưởng tới nhãn hàng và người tiêu dùng, người sử dụng mạng xã hội.

“Cho đến nay, một số doanh nghiệp lớn, kinh doanh quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như META, AMAZON, LINKEDIN, Trade Desk, SilverPush, AdColony, Adskeeper, Taboola… chưa có bất cứ thông báo nào về thông tin liên hệ tới Bộ TT&TT”, ông Lê Quang Tự Do nêu. Nhiều doanh nghiệp không khai báo máy chủ, dù thực tế có cả ngàn máy chủ đang đặt tại Việt Nam. Ông Tự Do cho biết, một nguyên nhân dẫn tới thực trạng quảng cáo bị ghép vào nội dung độc hại là do đại lý quảng cáo chạy theo lợi nhuận, thiếu thận trọng về mặt nội dung. Nhiều nội dung mang tính chất giật tít, “câu” tương tác, tung tin đồn thất thiệt trên thực tế lại hút người xem, thu lợi nhuận lớn cho các đại lý quảng cáo. Vô hình trung dẫn đến sản phẩm của nhãn hàng rất dễ bị đặt trong môi trường quảng cáo không lành mạnh.

Lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT khẳng định các nền tảng như YouTube, Facebook… cho người dùng đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật chế độ kiếm tiền, hoặc cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó. Trong khi đó, công cụ kỹ thuật để kiểm soát nội dung quảng cáo, vị trí quảng cáo chưa đảm bảo hiệu quả, làm quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt bị gắn tràn lan vào những thông tin tiêu cực, đồi trụy, khiêu dâm, phản động,…

Ông Tự Do nêu ví dụ về tài khoản mạng xã hội tên Nờ ô nô thời gian qua đăng tải nhiều nội dung phản cảm, dư luận bức xúc. Nếu nhãn hàng, đại lý quảng cáo lựa chọn quảng bá sản phẩm thông qua tài khoản này, tức là đặt sản phẩm của mình giữa những nội dung xấu độc, tiêu cực. Nền tảng quảng cáo xuyên biên giới là mảnh đất màu mỡ để nhãn hàng quảng cáo sản phẩm. Tuy nhiên, nếu nhãn hàng không làm việc chặt chẽ với các đơn vị kinh doanh quảng cáo thì tất yếu sẽ có nhiều hệ lụy xảy ra. Mặt khác, các nền tảng số cần có biện pháp để bảo vệ chính khách hàng của nền tảng.

 Tràn lan quảng cáo bẩn trên không gian mạng Ảnh minh họa

Ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng tuân thủ quy định pháp luật

Trên thực tế, các nền tảng cũng không chủ động cập nhật website, tài khoản, kênh nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật, thậm chí nhiều kênh, tài khoản đã bị báo vi phạm vẫn cho bật kiếm tiền gắn quảng cáo. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có sự hợp tác của các nền tảng trong việc thay đổi các thuật toán để lọc, kiểm duyệt thì sẽ không ngăn chặn được triệt để tình trạng vi phạm nêu trên.

Trước thực trạng đáng báo động về nạn quảng cáo thông tin sai lệch, phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục tràn lan trên mạng, nhiều đại biểu cho rằng cần xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm để trả lại môi trường mạng trong sạch. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, hoạt động quảng cáo tại TP.HCM diễn ra rất sôi động với hơn 5.500 doanh nghiệp quảng cáo, mang về doanh thu trung bình 50 nghìn tỉ đồng/năm. Thế nhưng, việc quản lý thông tin quảng cáo trên mạng của Sở TT&TT TP.HCM còn nhiều bất cập. Sở này cũng đã xử phạt nhiều trường hợp vi phạm quảng cáo trên mạng Internet, gồm những quảng cáo vi phạm danh mục không được quảng cáo trên mạng Internet, những quảng cáo trên các kênh thông tin có nội dung độc hại… Ông Lâm Đình Thắng đề xuất 4 giải pháp trọng tâm để khắc phục thực trạng này, trong đó chú trọng việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, trong năm 2022, Sở đã ban hành 5 quyết định xử phạt hành chính với 42,5 triệu đồng vi phạm quảng cáo trên mạng, lập danh sách 98 trang web vi phạm pháp luật đề nghị Bộ TT&TT có biện pháp ngăn chặn. Ông Lê Quang Tự Do cho rằng, cần công khai các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm, gồm các website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng; khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó, đi kèm với giải pháp xây dựng danh sách các kênh thông tin “sạch” trên mạng (White list) để các nhãn hàng, đại lý quảng cáo ưu tiên quảng cáo.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, bằng mọi giá sẽ chấm dứt tình trạng quảng cáo bị gán nội dung độc hại trên nền tảng số. Thời gian tới, Bộ sẽ xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo với Bộ theo quy định; đồng thời thực hiện các giải pháp: ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng, các nền tảng tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam nói chung. Thứ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp quảng cáo, các nhãn hàng quảng cáo càng lớn càng phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam, giữ gìn uy tín thương hiệu. Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng. Bộ cũng sẽ đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt trong vấn đề xử lý các vi phạm. Các doanh nghiệp quảng cáo xuyên biên giới nếu không tuân thủ luật pháp Việt Nam sẽ không được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam.

Bộ TT&TT đã xây dựng bộ danh sách nội dung “sạch” trên mạng của Việt Nam (White List). Danh sách này sẽ được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Website của Cục PTTH&TTĐT tại địa chỉ abei.gov. vn. Bộ TT &TT cũng kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, các đại lý quảng cáo, các nhãn hàng sử dụng White List để quảng cáo bởi danh sách này hiện đã đủ để đảm bảo đáp ứng nhu cầu quảng cáo an toàn, hiệu quả cho doanh nghiệp.

 Bằng mọi giá sẽ chấm dứt tình trạng quảng cáo bị gán nội dung độc hại trên nền tảng số. Thời gian tới, Bộ sẽ xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo với Bộ theo quy định; đồng thời thực hiện các giải pháp: ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam nói riêng, các nền tảng tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam nói chung.

(Thứ trưởng NGUYỄN THANH LÂM)

LINH ANH

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top