Viện Phim Việt Nam: Thiếu hụt nhân sự, khó khăn về trang thiết bị

VHO- Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông vừa có buổi làm việc với Viện Phim Việt Nam tại TP.HCM. Tại đây, Thứ trưởng cũng đã khảo sát về thực trạng cơ sở vật chất tại Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ Điện ảnh như rạp chiếu, kho lưu trữ, kho băng, phòng trưng bày hiện vật điện ảnh… để nắm bắt tình hình thực tế.

Viện Phim Việt Nam: Thiếu hụt nhân sự, khó khăn về trang thiết bị - Anh 1

 “Hồ Chí Minh - Hành trình kiến tạo văn hóa hòa bình”, bộ phim sử dụng nhiều tư liệu quý hiếm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được lưu giữ tại Kho phim của Viện Phim Việt Nam

Thiếu và không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ

Viện Phim Việt Nam là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ VHTTDL, có chức năng lưu chiểu phim, lưu trữ phim, bảo quản các tư liệu điện ảnh; nghiên cứu lý luận, công nghệ lưu trữ điện ảnh; khai thác và phổ biến tư liệu điện ảnh theo quy định của pháp luật…

Báo cáo với Thứ trưởng về thực trạng tổ chức và tình hình hoạt động, bà Lê Thị Hà, Viện trưởng Viện Phim Việt Nam cho biết, vấn đề trang thiết bị máy móc đang đặt ra hết sức cấp thiết. Hoạt động lưu trữ, bảo quản phim khó có thể tiến hành hiệu quả nếu không có thiết bị hỗ trợ; các máy móc chuyên dụng đều rất thiếu và không theo kịp với tốc độ phát triển của công nghệ; thiết bị dùng để đọc các định dạng hầu như không có, hoặc có thì cũng rất cũ; hệ thống thiết bị công nghệ phục vụ công tác nghiệp vụ không được bổ sung cập nhật kịp thời hoặc không đồng bộ dẫn đến nhiều khó khăn trong hoạt động.

Theo bà Hà, vấn đề nhập kho cũng gặp nhiều bất cập về công tác tu sửa, phục hồi và bảo quản. Với đặc điểm là kho phim nhựa nên công tác bảo quản phải theo một quy chuẩn kỹ thuật nhất định, thế nhưng hóa chất cho công tác bảo quản đang rất khó mua. Từ năm 2020, do không mua được hóa chất nên máy lau rửa phim (CF9200) không thể hoạt động, dẫn đến công việc này bị gián đoạn. Cùng với đó, việc tu sửa thường phải làm bằng tay, hiện rất ít thợ có thể làm, trong khi tuyển dụng khó do lương thấp và liên quan đến hóa chất độc hại.

“Trước đây Viện Phim Việt Nam có phối hợp với trường in để đào tạo đội ngũ thợ kỹ thuật cho công tác này, thế nhưng cũng chỉ ở bậc nghề 3/7, mà bậc này thì không đủ điều kiện tuyển dụng viên chức theo quy định, vì thế hiện nay đang rất thiếu nhân sự. Công tác số hóa, phục chế phim cũng khó khăn không kém; cùng với đó là vấn đề bản quyền trong khai thác phổ biến phim…”, bà Hà cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh (thuộc Viện Phim Việt Nam) báo cáo thêm, trong những năm qua, số lượng biên chế của Trung tâm đã giảm đáng kể (nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác…). Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, số lượng viên chức và người lao động nghỉ càng nhiều khiến việc triển khai các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ càng khó khăn. “Hiện tổng số phim nhựa trong kho tại Trung tâm là trên 39.000 cuốn. Trung tâm đang thiếu hụt nhân sự cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là đội ngũ viên chức quản lý và viên chức có trình độ, tay nghề. Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với yêu cầu công việc nên không tuyển được người mới và khó giữ được những người có kinh nghiệm làm việc lâu dài”, bà Hồng Hạnh tâm tư.

Tương tự, ông Huỳnh Công Khôi Nguyên, Giám đốc Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP.HCM (đơn vị thuộc Viện Phim Việt Nam) cũng cho biết, hiện đơn vị chưa đảm bảo đủ số viên chức tối thiểu của đơn vị sự nghiệp công lập cấp phòng theo quy định. Địa điểm làm việc là cơ sở của Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ Điện ảnh, chưa đảm bảo điều kiện tổ chức hoạt động nghiệp vụ tại chỗ, đồng thời cơ sở vật chất cũng đã xuống cấp; một số tài sản, thiết bị phục vụ công tác đã bị hư hỏng nặng…

Viện Phim Việt Nam: Thiếu hụt nhân sự, khó khăn về trang thiết bị - Anh 2

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông tham quan thực tế kho băng của Viện Phim Việt Nam tại TP.HCM Ảnh: T.T

Chuyển phim từ Viện vào chiếu phục vụ học sinh phổ thông

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, qua khảo sát thực tế và lắng nghe cặn kẽ báo cáo, chia sẻ từ các đơn vị thuộc Viện Phim Việt Nam tại TP.HCM, nhìn chung mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tập thể cán bộ, nhân viên, người lao động trong các đơn vị đã rất cố gắng, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và nhiệt huyết cống hiến. Trăn trở trước những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo Viện Phim nhanh chóng đưa các kiến nghị vào đề án như việc nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là thiết bị lau rửa phim, hệ thống phục hồi hình ảnh, hệ thống máy chiếu…

Thứ trưởng cũng đề nghị Viện Phim Việt Nam tập trung chuyển kho dữ liệu phim vào Nhà văn hóa Điện ảnh, đồng thời nhanh chóng kết nối với Sở GD&ĐT TP.HCM, hướng tới triển khai dự án chiếu phim tuyên truyền tư liệu lịch sử đến đối tượng học sinh phổ thông trên địa bàn TP.

“Hiện ngành Giáo dục đang thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung giáo dục trực quan về lịch sử, do đó thời gian tới, Viện Phim Việt Nam và Nhà văn hóa Điện ảnh cần tăng cường việc khai thác phim hoạt hình về các anh hùng dân tộc cho học sinh tiểu học, phim tư liệu cho học sinh trung học để góp phần giáo dục, định hướng, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật cho giới trẻ…”, Thứ trưởng nêu, đồng thời đề nghị khi thực hiện việc chiếu phim tuyên truyền, cần quan tâm vấn đề sở hữu trí tuệ. “Viện Phim Việt Nam cần chịu trách nhiệm vấn đề này trước khi chuyển phim vào TP.HCM trình chiếu phục vụ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Viện Phim Việt Nam hiện có ba hệ thống kho phim tại Hà Nội, TP.HCM và Thạch Thất, đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa 35mm, 16mm, hơn 20 ngàn tên phim và hàng chục ngàn băng video. Danh mục phim đang lưu trữ tại kho phim Hà Nội và TP.HCM khá phong phú, đó là các tác phẩm điện ảnh Việt Nam và nước ngoài, đặc biệt là khối lượng lớn tư liệu phản ánh thời kỳ chiến tranh, bảo vệ và xây dựng tổ quốc của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Trong kho lưu trữ của Viện còn có nhiều tác phẩm điện ảnh, phim tư liệu sản xuất từ thời chính quyền Sài Gòn trước năm 1975; những tư liệu mang dấu ấn lịch sử, khái quát gương mặt điện ảnh Việt Nam hai miền Nam - Bắc trong suốt nửa thế kỷ qua. Ngoài ra, những hình ảnh vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ sưu tập phim điện ảnh Cách mạng những năm đầu tiên, phim tư liệu về Đông Dương do Viện lưu trữ phim Pháp trao tặng… là những tư liệu cực kỳ quý hiếm mà Viện Phim Việt Nam hiện đang bảo quản. 

 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc