Chuyến tàu trong mơ

VHO - Cuối mùa đông năm 1990, cha tôi khi ấy đang có một tiệm ảnh rất phát đạt trên Lạng Sơn. Thành ra cha ở miết vùng biên giới quanh năm ngày tháng, lâu lâu mới về một lần. Năm Tân Mùi, ông đưa cả nhà lên phố Lạng ăn Tết. “Nhà mình đi bằng tàu hỏa”, cha tôi bảo thế. Tôi nghẹt thở vì sung sướng. Tôi chưa từng rời khỏi Hà Nội, và nhất là chưa được đi tàu hỏa bao giờ.

Chuyến tàu trong mơ - Anh 1

Minh họa của Phan Châu

Nhà tôi cách cổng Công viên Lênin một quãng. Trong công viên có một  đoàn tàu hỏa Thống Nhất dành cho trẻ con chạy vòng quanh hồ Bảy  Mẫu. Tàu chạy qua năm nhà ga, ga  nào cũng hiu hắt, trừ “Ga Hà Nội” là nơi bán vé tàu ở khu vui chơi tấp nập  nhất. Sau ngày khánh thành được ít bữa, các ga mọc đầy cỏ dại. Mùa  hè, tụi trẻ xóm tôi trèo lên ga chỗ gần cổng nhà. Nó như một cái chòi  bao lơn để hóng mát. Nhiều lúc tôi  đứng ngóng ra hồ, tưởng tượng đấy  là ga Vinh, ga Huế, ga Đà Nẵng…  còn mặt nước xanh ngắt kia là một cái vịnh. Thi thoảng vào những ngày chủ nhật, tôi hay cùng một nhóm trẻ lên tàu, mà tôi là trưởng đoàn.  Chúng tôi chuẩn bị lương thực và nước uống cho vào một cái túi vì có lẽ “hành trình” sẽ rất xa. Tàu chạy trên đường ray chừng 15 phút, qua  những khu vực um tùm cây lá mà ngay cả tôi cũng chưa đặt chân tới bao giờ, sau đó nhoáng cái đã trở về ga xuất phát, không kịp để chúng  tôi giải quyết chỗ lương thực mang theo nữa. Về ga, tàu hú còi báo hiệu. Qua mỗi ga xép tàu cũng hú còi. Còi tàu công viên bé tí ti, ngồi toa cuối nghe tiếng còi chỉ u u qua những tán cây xào xạc. Ở ga chính, hành khách  lượt sau đứng xúm xít bên đường ray  để chờ lên tàu. Tôi tiếc rẻ. Không lẽ lại đi vòng nữa. Đi vòng nữa thì coi như hết sạch tiền. Vé tàu Thống Nhất đắt bằng các vé Nhà Cười, vé đu quay, vé tàu bay cộng lại. Mà tôi  thì còn muốn mua thêm dây kẹo kéo  và xem một bộ phim đèn chiếu. Cuối cùng ngay cả tàu hỏa công viên cũng  không phải mấy khi mà đi được.  

Cha bảo cha lên trước, còn mẹ con tôi đi sau. Sáng mai chúng tôi phải ra ga tàu sớm, vì thế mẹ chuẩn bị hành lý từ đêm hôm trước. Tôi phấn khởi xem mẹ gấp quần áo mùa đông rồi nhét gọn vào trong túi. Tôi cũng tự chuẩn bị cho mình vài thứ lặt vặt. Lần đầu tiên tôi được lên một toa tàu thực sự. Lần đầu tiên tôi sẽ nhìn thấy rừng núi. Lần đầu tiên tôi được đặt chân đến một vùng đất xa lạ. Đêm hôm đó, mắt tôi mở chong chong lên nóc màn giờ chỉ như một ô vuông lờ mờ trong bóng tối. Tôi  hình dung ra chuyến đi ngày mai. Tôi phấn khích không ngủ được. Lần đầu tiên tôi thức khuya đến như vậy. Quãng chừng chập sáng tôi mới thiếp đi chập chờn trong tiếng còi tàu u u qua lá cây xào xạc.  

- Dậy đi con. Dậy  mặc quần áo rồi còn ra ga. Tôi choàng dậy, mắt cay xè vì thiếu ngủ, nhưng giờ có cho một tấn kẹo  cũng không thể ép tôi ngủ thêm  được nữa. Tôi vội vã mặc chiếc quần nhung tím than có những bông hoa  nhỏ li ti, chiếc áo len dệt kẻ sọc màu boóc đô mới mua từ một cửa hàng đồ cũ và khoác thêm chiếc áo nỉ thụng xanh da trời có in hoa đào. Sau rốt,  tôi xỏ chân vào đôi giày Adidas cho ấm người rồi quàng thêm khăn. Tôi  làm việc đó rất nhanh rồi ngồi yên trên giường chờ đợi. Mẹ cũng vội vã mặc quần áo cho em gái tôi, cho nốt vài thứ đồ lặt vặt vào túi rồi tất cả  chúng tôi cùng ra ga.  

Tôi đã ra ga tàu nhiều lần rồi. Đấy  là những bận cả nhà ra đón cha tôi đi  Nam về. Nhiều lần tàu trễ, chúng tôi  cứ đợi mãi trên sân ga, cho đến tận lúc  thấy mũi tàu đen trũi xuất hiện trên  đường ray mới reo lên sung sướng.  Giờ là lúc tôi được lên một  con tàu. 

Tàu chật như nêm. Người buôn để hàng chật lối đi, chèn cả vào ghế ngồi của mẹ con tôi. Thậm chí chân tôi cũng chỉ có thể gác lên một bao tải hàng. Người ta trò chuyện rôm rả, những người chẳng quen biết nhau ấy nói về đủ thứ chuyện trên đời. Các hành khách lạ mặt liên tục xuất hiện. Họ nhảy lên  từ những ga xép, trong tay không hề có hành lý. Nhiều người có vẻ mặt làm tôi sợ hãi. Tôi ngồi sát cửa sổ, cố  gắng tránh quang cảnh lộn xộn bên trong để chỉ nhìn ra những đỉnh núi mờ ảo đằng xa. Những cánh đồng trải dài trong sương sớm. Những  nóc nhà buồn tẻ và u ám dưới trời giá lạnh, nhưng đã thấy lác đác vài  cây đào còn trụi lá dựng trước cổng  nhà. Tàu đỗ ở các ga xép. Người lên người xuống. Ga nào cũng buồn tẻ và tiêu điều như nhau, có phần còn  tệ hơn những “ga chòi” trong Công viên Lênin. Ở một số ga, người bán hàng tấp nập đứng chào mời dưới những ô cửa sổ. Tôi thích lắm. Trong những rổ hàng của họ có đủ thứ trên đời: Ngô nếp luộc thơm, xôi vừng, mía tím, mắc cọp, thịt quay ăn kèm lá móc mật, sữa đậu nành vắt chanh  và rắc lạc… Vùng nào có thứ đồ ngon  nhất của vùng ấy. Tôi chưa bao giờ uống cốc sữa đậu nành nào ngon đến vậy. Nó đặc sánh và thơm ngậy vị đậu tương, vị chanh, vị lạc. Những đứa  trẻ trạc tuổi tôi cũng đứng bán đồ.  Những đứa bé hơn đứng nhìn đoàn tàu đi qua. Có lẽ chúng cũng giống tôi vài tiếng trước đây, chưa bao giờ  được trèo lên một con tàu thật, thậm chí cả tàu công viên cũng chưa được  ngồi. Ngày nào chúng cũng nhìn thấy  tàu chạy qua, nhưng chỉ nhìn thôi.  Tôi biết cảm giác ấy rồi, khi tôi đứng ở barrier chắn tàu chỗ Kim Liên,  Khâm Thiên để chờ tàu đi qua. Tàu hụ còi từ đằng xa. Chưa thấy tàu chỉ nghe thấy còi. Mãi lâu sau tàu mới xuất hiện. Có hôm chỉ mỗi cái đầu  tàu. Có lần toàn toa chở hàng đen kịt. Thích nhất là được nhìn thấy toa chở khách. Người trên tàu thò đầu ra cửa sổ nhìn người bên dưới. Người  bên dưới cũng ngước mắt nhìn lên. Những con tàu ấy đi đâu về đâu tôi chẳng biết, nhưng mỗi lần chúng  biến mất sau những ngôi nhà chen chúc bên đường ray tôi lại thấy tiêng tiếc. Tụi trẻ con dọc hai bên đường mà tôi nhìn thấy chắc cũng vậy. Thể nào cũng tiêng tiếc khi đoàn tàu mất hút vào sau những rặng núi. Giờ thì tôi đóng vai khách trên tàu, thò đầu ra khỏi cửa sổ nhìn xuống bọn chúng một cách thông cảm.  

Khi những vách núi đá xuất hiện thì cũng là lúc những đứa trẻ xuất hiện nhiều hơn. Chúng đứng dàn hàng bên đường xem tàu hỏa. Chúng không mặc áo len, áo nỉ như tôi. Phần nhiều chỉ độc một chiếc sơ mi cháo lòng ngay cả khi chỉ còn vài  ngày nữa là Tết. Chúng cứ đứng bất  động như thế, ngơ ngác và không trò chuyện. Đến nỗi ngay cả khi tàu chui vào các đường hầm tối om trong  lòng núi, khuôn mặt những đứa trẻ  ngóng tàu vẫn hiện ra ngoài cửa  sổ. Chỉ duy nhất một ga xép, tụi trẻ ở đấy không thèm liếc mắt về phía con tàu. Chúng còn mải chơi trò pháo hoa bằng cách lấy thanh củi  cháy dở đập vào cột chống ở sân ga cho muội than đỏ lừ bắn tóe lên như những đọt pháo. Trong bóng  tối lờ mờ của ngày giáp Tết giá lạnh, pháo - củi trông ấm áp và vui mắt.  Đấy là ga Đồng Mỏ. Mẹ tôi bảo đây  là ga sầm uất nhất và hết ga này là đã sắp đến nơi rồi. Nghe nói thế tôi mừng rỡ. Tôi chán ngồi tàu hỏa rồi. Chúng tôi đã đi gần ngót một ngày.  Trời đã trở chiều. Trên đường cái lác đác xuất hiện những bóng người dân  tộc mặc quần áo màu chàm, vai đeo  gùi. Chân tay cũng lấm chàm. Nhìn thấy tàu, họ dừng lại, ngước mắt lên một lúc rồi mới đi tiếp.  

Cuối cùng tàu cũng dừng lại ở ga Lạng Sơn. Nhà ga nằm xế bên công viên, chỉ là một vườn hoa không có hoa, với bãi cỏ lấm đất, vài thân cây xơ xác, những lối đi lát gạch để một vài người bán dạo vài thứ ô mai và  táo mèo dầm. Mẹ con tôi thuê một chiếc xe ngựa, chất hết hành lý lên  xe rồi trèo lên chiếc ghế băng cũ kỹ. Chú ngựa gầy gò gõ móng lọc cọc trên đường cái. Bác nài cho ngựa chạy nhong nhong qua chiếc cầu bắc ngang sông Kỳ Cùng, bên dưới  nước sông đục ngầu một màu đất nâu. Từ cầu này là bắt đầu trung tâm của thị xã. Tiệm ảnh của cha tôi nằm ngay phố chính Trần Đăng Ninh, cách đó một quãng là dốc Bò Xoài dẫn lên động Tam Thanh. Phố Trần Đăng Ninh có đông đúc hơn chút đỉnh. Lác đác vài ngôi nhà tầng  khang trang. Từ trên xe ngựa, mẹ  tôi nói rằng Lạng Sơn giàu có nhờ buôn hàng từ Trung Quốc, nhiều người giàu lên do buôn lậu đồng. Họ mang đồng từ dưới xuôi lên, thậm chí nhồi hết vào trong áo để trốn hải quan. Bà chủ nhà mà cha tôi thuê một gian giữa cho ba mẹ con tôi ở tạm, cứ mỗi sáng xách theo một cân đồng qua bên kia núi, giao hàng  xong lại về bán hàng nước. Đều đặn sáng nào cũng vậy, đủ nuôi cậu con trai kém tôi vài tuổi.  

Xe ngựa đã vào đến giữa phố. Xa xa phía bên kia đường là rặng núi tím ngắt, ngay dưới chân núi có chợ Kỳ Lừa. Những phiên chợ Kỳ Lừa là nơi tôi ao ước nhất trong những ngày hè, ngày Tết lên thăm cha.Trong chợ bán nhiều thứ đặc sản: Rau cải xoong muối, mần thầu, táo mèo… Cả những món đồ tôi  rất thích là vải phin nõn hoa, bưu thiếp có hình những cô gái dân tộc Trung Hoa xinh đẹp, nước hoa đựng trong lọ thủy tinh nhỏ xíu, rồi vòng  rồi nhẫn... Tất tật là hàng hóa của Trung Quốc. 

Xe dừng ngay giữa phố. Từ đằng xa tôi đã nhìn thấy hai khung kính dán ảnh mẫu quen thuộc của cha treo trên tường. Cha tôi chạy ra đón xe ngựa bằng khuôn mặt tươi cười. Ông bế em gái tôi rồi xách hành lí cho mẹ vào nhà.  

Đêm mai đã là Giao thừa. Tôi vẫn  sợ pháo, và lần này sẽ còn phải lên tinh thần hơn nữa. Vì tôi nghe nói pháo Lạng Sơn cuốn to gấp mấy lần những vùng khác. Tiếng nổ của nó  vì thế cũng sẽ to khác thường.

Nhà văn DI LI

Ý kiến bạn đọc