Nhà thơ Hải Như với một thế kỷ suy tư

VHO - Sáng ngày 20.12, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức tọa đàm chủ đề “Nhà thơ Hải Như - Một thế kỷ suy tư” nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, đồng thời tôn vinh tác phẩm nhân dịp ông vừa được trao giải Cống hiến của Hội Nhà văn TP.HCM năm 2023, đó là tuyển tập Thơ và tiểu luận.

Nhà thơ Hải Như với một thế kỷ suy tư - Anh 1

Tọa đàm thu hút được sự quan tâm tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ

Nhà thơ Hải Như tên khai sinh là Vũ Như Hải. Ông sinh ngày 28.11.1923 tại Nam Định, trong một gia đình thuộc dòng dõi Nho học. Sau khoảng thời gian dài cống hiến cho văn thơ nước nhà, ông mất hơi vào ngày 30.6.2017 tại TP.HCM. Là người cả đời lặng lẽ và miệt mài cầm bút, ông có sức thuyết phục độc giả ở nhiều thể loại khác nhau. Ở lĩnh vực thơ, ông đã xuất bản 6 tập, gồm: Trái đất mai này còn lại tình yêu (NXB Văn học, 1985), Bài thơ trên Bến Nhà Rồng (NXB Thuận Hóa, 1990), Nỗi buồn hoa bất tử (NXB Lao động, 1994), Viết về Người (NXB Nghệ An, 2004), Có hai dòng văn chương (Thơ và tiểu luận, NXB Trẻ, 2009), Thơ viết về Người (NXB Thông tấn, 2015).

Nhà thơ Hải Như với một thế kỷ suy tư - Anh 2

Tuyển tập Thơ và tiểu luận của cố nhà thơ Hải Như

Cùng với đó, Hải Như còn có tập tùy bút Xin ai chớ phụ hoa ngâu (NXB Phụ nữ, 1996), tập kịch Vị thượng khách nhà tù Hương Cảng (NXB Văn nghệ TP.HCM, 1990, NXB Sân khấu tái bản năm 2000) cùng những trang tiểu luận mang tính gợi mở về biên độ thẩm mỹ của văn chương. Ngoài những vần thơ mang nặng tính suy tư, nhà thơ Hải Như còn gây ấn tượng và xúc động qua những bài thơ về hình tượng Bác Hồ, với quan niệm: “Tôi viết về con người Hồ Chí Minh. Tôi viết về những bài học làm người mà tôi học được ở Bác Hồ”.

Nhắc đến nhà thơ Hải Như, công chúng còn nhớ đến những ca khúc nổi tiếng được dựa trên lời thơ của ông, đó là bài hát Như hoa hướng dương do Tô Vũ phổ nhạc, bài hát Thành phố hoa phượng đỏ do Lương Vĩnh phổ nhạc, hoặc bài hát Nơi ấy điểm hẹn do Trương Tuyết Mai phổ nhạc. 

Trong lời phát biểu đề dẫn, nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cho rằng, đây là một buổi sáng đặc biệt khi mọi người cùng ngồi bên nhau để nhắc nhớ về một nhân cách, một tài năng đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp văn chương và cho lẽ sống làm người - nhà thơ Hải Như. “Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hải Như, những tác phẩm của ông được in lại, được đọc lại càng khiến đồng nghiệp và công chúng yêu mến ông hơn. Sự nghiêm túc nghề nghiệp đến mức quyết liệt “không viết để có, mà viết để còn” của nhà thơ Hải Như đã tôn vinh quyền uy thi sĩ trở thành vẻ đẹp cuộc đời”, nhà thơ Bích Ngân cho hay.

Còn với PGS.TS Phùng Quý Nhâm, ông cho rằng trong sáng tạo của chính mình, Hải Như đã tạo dựng hai tượng đài thơ: Thành phố hoa phượng đỏ và Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi! “Tôi ví như đó là hai chiếc nạng thép để ông có thể tự tin bước vào làng thơ hiện đại Việt Nam. Và thực sự hai bài thơ này đã khẳng định tên tuổi của Hải Như”, PGS.TS Phùng Quý Nhâm cho biết.

Luật gia, nhà giáo, nhà báo Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch danh dự Hội đồng hương tỉnh Nam Định, cũng cho rằng càng đọc càng suy nghĩ thơ Hải Như chúng ta càng thấm thía ý nghĩa, ý tưởng của ông, có bài thơ dài, có bài thơ ngắn, thậm chí là rất ngắn trong tập thơ về Bác Hồ đều toát lên, đều thể hiện tư tưởng phong cách của Hồ Chí Minh nhà lãnh đạo thiên tài nhưng vẫn thể hiện nhà lãnh đạo gần dân, sát dân, vì dân. Mỗi bài thơ về Bác, Hải Như đều nêu ra một bài học về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà chúng ta phải học, phải làm theo. Nhà thơ Hải Như đã khẳng định trong thơ ông “Học Bác là học cách làm người” ngày nay đảng ta nói rõ hơn là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ.

Nói về tập thơ và tiểu luận, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận định cuốn sách Hải Như – Thơ và tiểu luận được ấn hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Hải Như. Phần tiểu luận mở rộng thêm quan điểm thơ Hải Như, có giá trị gợi mở suy tư cho thế hệ sau. Mỗi trang viết sẽ thay mặt nhà thơ Hải Như tiếp tục trò chuyện với tương lai, những câu chuyện chữ nghĩa bền bỉ lương tri, vừa nhọc nhằn vừa kiêu hãnh. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc