Khuyến khích văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho nền nghệ thuật nước nhà

VHO - Tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 25.7.2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu nhấn mạnh: “Sự cống hiến của anh chị em đã góp phần to lớn vào việc xây dựng, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự tin tưởng vào thành tựu đổi mới; gìn giữ các giá trị văn hóa, góp phần ổn định xã hội, cổ vũ sự phát triển của đất nước. Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đã được khẳng định và đánh giá cao.

Tài năng và nhiệt huyết của anh chị em đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam mới - yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo”.
Chúng ta cần hiểu rằng, danh hiệu NSND, NSƯT là để tôn vinh tài năng và cống hiến của nghệ sĩ đối với sự nghiệp văn hóa nghệ thuật cách mạng. Đây là điều khá đặc thù đối với Việt Nam. Điều này một phần bắt nguồn từ việc chúng ta chủ trương coi văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó. Để ghi nhận đóng góp và tài năng của văn nghệ sĩ cách mạng, chúng ta tôn vinh bằng danh hiệu NSND, NSƯT. Đối với nhiều nghệ sĩ, danh hiệu NSND, NSƯT thực sự rất danh giá, là mục tiêu phấn đấu của cả cuộc đời làm nghệ thuật. Trong bối cảnh hiện nay, danh hiệu NSND, NSƯT cũng có thể được xem như một thương hiệu cá nhân. 
Để xét duyệt danh hiệu này, gần nhất, chúng ta đã quy định chi tiết tại Nghị định 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú và sửa đổi tại Nghị định 40/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2014/NĐ-CP, trong đó có các tiêu chí cụ thể, ví dụ như đối với NSND thì cần những tiêu chuẩn như: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình, ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên; Đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” và sau đó đạt một trong các tiêu chí sau: Có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân). Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định. Có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng là của cá nhân). Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định. Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể sau: - Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; - Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước; - Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đoạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.
Như vậy, chúng ta có thể thấy có những điều kiện cứng, nhưng cũng có những quy định mềm để có thể vận dụng. Đồng thời cũng có những quy định còn mang tính định tính. Điều này có thể gây ra những thắc mắc nhất định. Tôi không đi vào từng trường hợp cụ thể vì có thể mỗi trường hợp có lý do riêng, chỉ có những người xét duyệt mới có đầy đủ thông tin. Nhưng tôi tin rằng, qua nhiều khâu, nhiều bước, với nhiều người tham gia, việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT khá bài bản, kỹ lưỡng. Tôi đã từng ở nhiều hội đồng xét tặng giải thưởng của Bộ VHTTDL, vì thế, tôi cảm nhận được trách nhiệm của các thành viên hội đồng trong cách đánh giá, trong từng thảo luận và từng trường hợp cụ thể, từng vụ việc cụ thể, nên tôi tin, có thể có sai sót nhỏ nào đó (vì không thể có sự toàn bích trong bất cứ việc gì), nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào các quyết định công tâm của hội đồng.
Cũng tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “Đặc biệt là tình trạng vẫn còn một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của nhân dân”; “Những thành tựu văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn”. Vì thế, việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT có ý nghĩa rất lớn trong việc khuyến khích văn nghệ sĩ thể hiện tài năng để bồi dưỡng tinh thần cho xã hội, đóng góp nhiều hơn cho nền nghệ thuật nước nhà, góp phần vào sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật cách mạng của đất nước. Đó là một ý nghĩa rất đặc biệt của danh hiệu NSND, NSƯT! 

 BÙI HOÀI SƠN 

Ý kiến bạn đọc