Ký ức còn mãi nhà thơ Đỗ Nam Cao

VHO- Sáng ngày 12.10, Hội Nhà văn TP.HCM đã phối hợp cùng Tạp chí Văn hiến tổ chức cuộc tọa đàm “Ký ức còn mãi” và lễ tưởng niệm nhà thơ Đỗ Nam Cao.

Ký ức còn mãi nhà thơ Đỗ Nam Cao - Anh 1

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tặng tranh vẽ nhà thơ Đỗ Nam Cao cho gia đình

Nhà thơ Đỗ Nam Cao sinh ngày 8.6.1948 tại làng Mỹ Lâm, xã Liên Hòa, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường viết văn Quảng Bá (Hội Nhà văn Việt Nam). Năm 1971, ông cùng nhiều văn nghệ sĩ, trí thức tình nguyện vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam và công tác ở Ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà thơ Đỗ Nam Cao về công tác tại Viện Văn học TP.HCM. Ông nguyên là thành viên Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam; nguyên biên tập viên, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam; biên tập viên NXB Văn hóa Thông tin (Chi nhánh TP.HCM); hội viên Hội Nhà văn TP.HCM và Hội Nhà văn Việt Nam… Ông mất ngày 8.11.2011 tại TP.HCM. Đến hôm nay đã 12 năm nhà thơ Đỗ Nam Cao rời xa trần thế nhưng giá trị văn chương trong từng tác phẩm của ông còn thao thức trong lòng độc giả, những ký ức về ông trong lòng gia đình và bạn văn chương vẫn còn nguyên vẹn.

Ký ức còn mãi nhà thơ Đỗ Nam Cao - Anh 2

Nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ về thơ Đỗ Nam Cao

Từ Quảng Ngãi, nhà thơ Thanh Thảo, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi, một người bạn chiến đấu với nhà thơ Đỗ Nam Cao cũng đã vào tham dự chương trình. Tại đây, nhà thơ Thanh Thảo đã chia sẻ những kỉ niệm đáng nhớ của đôi bạn. Theo ông nhận xét, Đỗ Nam Cao là nhà thơ không bao giờ xa được làng quê, dù anh đã từng ở rừng thời chiến tranh, rồi từng ở phố bao nhiêu năm sau hòa bình. Nhưng chính làng quê mang lại món quà lớn nhất cho Đỗ Nam Cao, đó là thơ anh. “Chính làng quê, thần hoàng ở quê đã phù hộ cho một thi sĩ toàn tòng như Đỗ Nam Cao làm được nhiều bài thơ rất hay, rất cảm động, lại rất… lừng khừng, đúng như tính cách của Cao. Nhiều bài thơ của Đỗ Nam Cao, tôi đọc mà muốn khóc. Thơ ấy dành cho những người thất lạc, những người lang thang cơ nhỡ, những người mà kim la bàn cảm xúc của mình luôn chỉ về phương quê nhà”, nhà thơ Thanh Thảo chia sẻ.

Còn với nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch hội Nhà văn TP.HCM, thơ Đỗ Nam Cam đậm chất lính. “Ông giảm thiểu những vần điệu quanh co mà tung thẳng ý tứ vào chủ thể phản ánh, bằng những ngôn từ gãy gọn: “Chúng tôi đi chẳng nói lên lời/ Nếu phút này quân thù xộc tới/ Những trụ đá tổ ong sẽ biến thành bệ súng/ Vụt lao đi trong luồng lửa sáng ngời”. Những bước chân hành quân qua thơ Đỗ Nam Cao luôn trĩu nặng nghĩa tình, nghĩa càng đậm thì tình càng sâu, để thương nhớ hậu phương hun đúc thêm tinh thần tiền tuyến: “Mưa ở quê nhà có mái rạ vàng che/ Có hơi ấm nồng nàn cha mẹ/ Mưa ở chiến trường hào hứng thế/ Đi ngược chiều cơn mưa vào trận đánh hôm nay”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ. Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, 12 năm đã trôi qua, tri âm và tri kỷ của nhà thơ Đỗ Nam Cao vẫn còn nhắc đến ông. Tác phẩm của Đỗ Nam Cao chắc chắn sẽ thay mặt ông để tiếp tục cuộc chuyện trò cùng bao tâm hồn đồng cảm.

Ký ức còn mãi nhà thơ Đỗ Nam Cao - Anh 3

NSND Trịnh Thúy Mùi ngâm thơ của Đỗ Nam Cao tại chương trình

Với nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, di sản thi ca của Đỗ Nam Cao xứng đáng được bạn bè lưu giữ và trân trọng. “Thơ Đỗ Nam Cao có ba mảng đề tài chủ đạo, cội nguồn cố hương, ký ức người lính và hiện thực day dứt. Về bút pháp, thơ Đỗ Nam Cao có hai giai đoạn, một giai đoạn bày tỏ cảm xúc bằng vần điệu trữ tình, một giai đoạn tương tác đời sống bằng thi ảnh ấn tượng. Cho nên, thế giới thơ Đỗ Nam Cao có cá tính mạnh mẽ và giọng điệu đa dạng”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nhận xét. 

Cũng qua tọa đàm “Ký ức còn mãi”, cuộc đời và sự nghiệp thơ ca Đỗ Nam Cao qua thời gian tiếp tục được ghi nhận, đánh giá cao với nhiều cảm xúc đậm đà của các nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thế Khoa, Lê Xuân Đố, Trần Mai Hường… Để thấy được, 12 năm trôi qua, giá trị văn chương trong từng tác phẩm của nhà thơ Đỗ Nam Cao còn thao thức trong lòng độc giả, những ký ức về ông trong lòng gia đình và bạn văn chương vẫn còn nguyên vẹn.

Với những tác phẩm thơ: Những cánh cò lửa (in chung với Nguyễn Khắc Thuần năm 1976), Dính (năm 2008), Thơ Đỗ Nam Cao (2012), Hỡi cô cắt cỏ (2021). Ghi nhận tài năng và những đóng góp của ông với nền thi ca cách mạng, năm 2021, nhà thơ Đỗ Nam Cao được truy tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Thi -  Thành tựu thơ trọn đời. Giải thưởng văn học vinh dự này càng thêm ý nghĩa vì đến đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày ông mất.

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc