Bút kể ta nghe - khi cuốn sách ra đời

VHO - Nằm trong khuôn khổ Giải thưởng sáng tác truyện đồng thoại ENEOS & MOGU- Đóa hoa đồng thoại, NXB Kim Đồng tổ chức buổi giao lưu, chia sẻ hành trình viết và xuất bản sách với chủ đề “Bút kể ta nghe - khi cuốn sách ra đời”. Sự kiện diễn ra ngày 29.7 tại Nhà xuất bản Kim Đồng (Quang Trung, Hà Nội)

Bút kể ta nghe - khi cuốn sách ra đời - Anh 1

Diễn giả Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ tại buổi giao lưu

Giải thưởng sáng tác truyện đồng thoại ENEOS & MOGU - Đóa hoa đồng thoại là cuộc thi sáng tác truyện dành cho thiếu nhi được Tập đoàn ENEOS khởi xướng tại Nhật Bản kể từ năm 1970. Tại Việt Nam, cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 do công ty TNHH ENEOS Việt Nam và Công ty TNHH Quỹ Bắc Cầu tổ chức, với mong muốn đóng góp vào nền văn học thiếu nhi Việt Nam những tác phẩm ý nghĩa và cùng lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng.

Giải thưởng sáng tác truyện Đóa hoa đồng thoại được tài trợ bởi công ty TNHH ENEOS Việt Nam (ENEV), dưới sự bảo trợ truyền thông của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và sự đồng hành của NXB Kim Đồng.

Kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi đã thu hút đông đảo các tác giả ở mọi lứa tuổi quan tâm và tham gia, số lượng thí sinh và chất lượng bài thi cũng tăng lên đáng kể qua từng năm. Năm 2023 là năm thứ sáu Đóa hoa đồng thoại được phát động với mong muốn có thể tìm thêm được nhiều tác giả, nhà văn Việt Nam sáng tác những câu chuyện cho chính trẻ em Việt Nam đọc.

Chương trình “Bút kể ta nghe - khi cuốn sách ra đời” nằm trong khuôn khổ Giải thưởng sáng tác truyện Đóa hoa đồng thoại, với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, chuyên gia văn học, xuất bản… giúp các tác giả quan tâm đến cuộc thi có nhiều góc nhìn mới và hiểu hơn về hành trình ra đời của một cuốn sách.

Bút kể ta nghe - khi cuốn sách ra đời - Anh 2

Đông đảo tác giả nhí đã đến buổi giao lưu, chia sẻ hành trình viết và xuất bản sách của NXB Kim Đồng

Buổi giao lưu có sự góp mặt của bà Katsu Megumi, CEO Công ty TNHH More Production Việt Nam, đại diện BTC cuộc thi Đóa hoa đồng thoại, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng biên tập NXB Kim Đồng và TS. Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh, Founder dự án Sách ơi mở ra.

Khái quát về quy trình biên tập và xuất bản một cuốn sách, cụ thể là từ một truyện ngắn chuyển thể thành một sách tranh, Tổng biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết, từ một tác phẩm truyện ngắn, biên tập viên cùng hoạ sĩ và các tác giả sẽ ngồi lại với nhau để thay đổi nội dung lời thoại và trao đổi về phần hình vẽ minh họa sao cho việc chuyển thể được mượt mà và hiệu quả nhất.

Công việc đầu tiên cần phải làm đó là biên tập lời cho quyển sách tranh. “Khi chuẩn bị chuyển tác phẩm truyện ngắn thành truyện tranh, sẽ có rất nhiều phần lời, phần mô tả trong truyện tranh được thay thế bằng hình ảnh. Vì vậy, cần phải biên tập lại lời thoại, thậm chí là cắt bớt đi để phù hợp với nội dung mà tác giả muốn truyền tải qua hình vẽ”, bà Liên nói.

Bút kể ta nghe - khi cuốn sách ra đời - Anh 3

Các tác giả nhỏ tuổi tập trung sáng tác truyện ngắn trong buổi giao lưu

Bà Liên cho biết thêm: “Truyện chữ hay có xu hướng thiên về kể và miêu tả nhưng khi xuất bản thành sách tranh, để câu chuyện sinh động và hấp dẫn hơn thì chúng ta cần phải tăng các cuộc đối thoại trong truyện để làm nổi bật tính cách, cá tính nhân vật mà không cần dùng đến quá nhiều lời văn mô tả. Khi sang truyện tranh, tất cả những phần miêu tả sẽ được thể hiện hết qua tranh vẽ”.

Diễn giả Vũ Thị Quỳnh Liên chia sẻ thêm rằng, sau khi hoàn thành bước biên tập lời, họa sĩ sẽ làm việc cùng tác giả và nhà biên tập để trao đổi về phân cảnh, phân trang. Từ đó gửi bản phác thảo thiết kế nhân vật, phác thảo nội dung truyện ngắn thành sách tranh cho tác giả, nhà biên tập góp ý, chỉnh sửa.

“Bước biên tập họa và lời là quá trình mất nhiều thời gian nhất vì thường có sự tranh luận, thậm chí bất đồng quan điểm giữa tác giả và hoạ sĩ. Lúc này, biên tập hoạ cùng với nhà xuất bản sẽ là người đứng giữa và cân bằng các yếu tố đó. Cuối cùng, sau rất nhiều trao đổi và chỉnh sửa, họa sĩ sẽ hoàn thiện bản thảo và hoàn tất in ấn sách tranh, bắt đầu truyền thông và phát hành đến độc giả”, bà Liên cho biết.

Bút kể ta nghe - khi cuốn sách ra đời - Anh 4

Chương trình “Bút kể ta nghe- khi cuốn sách ra đời” nằm trong khuôn khổ Giải thưởng sáng tác truyện Đóa hoa đồng thoại

Tại buổi giao lưu “Bút kể ta nghe- khi cuốn sách ra đời”, người tham dự còn được lắng nghe những trải nghiệm và chia sẻ của TS.Nguyễn Thị Ngọc Minh về hành trình viết nên một tác phẩm. Tác giả cuốn sách Nuôi dưỡng một người đọc tí hon tâm sự, để trả lời cho câu hỏi làm thế nào để “tìm thấy” một câu chuyện, việc hình thành một ý tưởng trong đầu là bước vô cùng quan trọng để từ đó làm cơ sở xây dựng nhân vật, bối cảnh, cốt truyện cụ thể.

“Tác giả cần phải tự đặt câu hỏi: Nhân vật của mình có điểm gì khác so với cùng một nhân vật tương tự trong những câu chuyện mà mình đã từng đọc? Nhân vật cần phải có một tính cách, một hình dáng, suy nghĩ, cảm xúc, thậm chí một số phận mới lạ, độc đáo. Bởi khi đọc một tác phẩm nào đó, cái mà độc giả ấn tượng và đọng lại chính là sự khác biệt của nhân vật mà tác giả xây dựng trong tác phẩm. Từ cái khác biệt, ta thổi hồn vào nhân vật của mình để câu chuyện thêm sống động, thân thuộc.”

Để truyền cảm hứng sáng tác cho các tác giả, đặc biệt là các tác giả “nhí” tham dự tại sự kiện, TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh khuyến khích các bạn nhỏ mạnh dạn viết lên những câu chuyện, những nhân vật thân thuộc xung quanh cuộc sống thường nhật của mình. Mỗi câu chuyện đều cần một giọng điệu, một điểm nhìn riêng và một ngôi kể phù hợp. Dưới ngòi bút của người viết, việc xây dựng cốt truyện gắn với những suy ngẫm, thông điệp gửi gắm trong tác phẩm sẽ giúp câu chuyện sẽ dần hiện lên không những sinh động, khác biệt mà còn trở nên gần gũi, sâu sắc hơn trong tâm trí độc giả.

Bút kể ta nghe - khi cuốn sách ra đời - Anh 5

Các tác giả “nhí” chụp ảnh lưu niệm cùng tác phẩm của mình

Buổi chia sẻ “Bút kể ta nghe- khi cuốn sách ra đời” thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tham dự. Đặc biệt là các tác giả nhỏ tuổi được phụ huynh đưa đến để lắng nghe những chia sẻ về hành trình xuất bản một cuốn sách và trải nghiệm các hoạt động thú vị tại đây. Bên cạnh buổi giao lưu và hướng dẫn sáng tác đến từ diễn giả, người tham dự còn được tham gia Minigame và thực hành sáng tác truyện ngắn của riêng mình trong thời gian quy định. BTC sẽ chấm điểm, liên hệ và tặng quà cho các tác giả có tác phẩm nổi bật và xuất sắc nhất sau chương trình.

Sau buổi giao lưu, em Nguyễn Minh Hồng (12 tuổi) hào hứng chia sẻ: “Em có niềm đam mê rất lớn với văn học. Ước mơ sau này của em là trở thành một nhà văn và được xuất bản thật nhiều tác phẩm do mình tự viết. Đây là lần đầu tiên em tham gia một cuộc thi viết truyện nên còn nhiều lo lắng và bỡ ngỡ. Những chia sẻ của diễn giả đã giúp em có thêm sự tự tin, động lực và rất nhiều cảm hứng để sáng tác sách truyện cho mọi người đọc”.

PHƯƠNG LINH

Ý kiến bạn đọc