Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

"Bất tử với Thăng Long"- lan tỏa giá trị cao đẹp về lòng yêu nước, tinh thần người Hà Nội

Thứ Sáu 23/09/2022 | 13:49 GMT+7

VHO- Với Bất tử với Thăng Long dàn dựng cho Đoàn cải lương truyền thống Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai lại ghi thêm dấu ấn với khán giả và đồng nghiệp về phong cách dàn dựng riêng. Kể câu chuyện lịch sử bằng sự giản dị, khai thác triệt để các ưu thế đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật cải lương, thêm một lần nữa sân khấu cải lương lại khẳng định nếu làm hay thì đề tài lịch sử khán giả vẫn “phải lòng”.

Quan Tổng đốc Nguyễn Tri Phương được xây dựng rất gần gũi, giản dị

Bất tử với Thăng Long (tác giả Nguyễn Sĩ Chức, chuyển thể cải lương: Nguyễn Đình Tư, đạo diễn: NSNS Hoàng Quỳnh Mai) đã xây dựng thành công nhân vật Nguyễn Tri Phương là một đại danh tướng nhà Nguyễn đã có công dẹp giặc Pháp khắp nơi từ Nam chí Bắc, trong đó chiến công tiêu biểu của ông là cuộc kháng cự chống Pháp quyết liệt để giữ thành Hà Nội khi vâng lệnh triều đình nhà Nguyễn ra Hà Nội làm tổng đốc. Đại danh tướng Nguyễn Tri Phương là một người có đức, có tài, được nhân dân tôn vinh, kính phục. Mặc dù trong cuộc đời làm tướng xông pha trận mạc của ông có lúc thành, lúc bại nhưng ông vẫn bình tĩnh, vững vàng ý chí, tinh thần của một vị tướng danh giá, tin cậy của nhân dân và triều đình. Ông là một vị đại thần thanh liêm, thẳng thắn, đối với ông "chức vị là tạm thời mà tình người là vĩnh viễn".  Trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, khi thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị quân Pháp bắt giữ nhưng ông đã cự tuyệt hợp tác và hy sinh tại Thăng Long, Hà Nội. Vở diễn đã làm sáng đẹp nhân vật Nguyễn Tri Phương trong lịch sử không chỉ là một bậc minh quân mà còn biết gìn giữ, bảo vệ và sống chết vì Hà Nội. Điều đáng khâm phục hơn cả là không chỉ Nguyễn Tri Phương mà vợ ông, con trai ông, con dâu ông (công chúa Đồng Xuân) cũng đều hết lòng hết dạ hi sinh tình riêng vì đất nước, tuẫn tiết cho Hà Nội. 

“Quan tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ là một chức quan nhỏ thời của cụ nhưng tôi vô cùng tâm đắc trước câu chuyện của cụ, đặc biệt là từ góc nhìn của ngày hôm nay thì sự hi sinh cho Hà Nội của gia đình Nguyễn Tri Phương là điều vô cùng khâm phục. Tôi muốn góp một nén tâm nhang kính dâng lên bậc tiền nhân và làm rõ hơn hình ảnh của một vị quan yêu nước của dân tộc Việt”, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, đồng thời là đạo diễn vở, NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ. Có rất nhiều những câu thoại vô cùng xúc động, bộc lộ quan điểm và tư tưởng của Nguyễn Tri Phương: “Ta đến nơi đây không phải chỉ ngồi trên chiếc ghế này hưởng lợi cho riêng mình mà ta chỉ muốn cùng với muôn dân gìn giữ và bảo vệ cho Hà Nội”, “Người đời mai sau có nhớ về ta thì đừng nhớ về một tổng dốc của Hà Thành mà hãy nhớ ta là 1 người dân bình thường dám sống và chết cho Hà Nội”… Đạo diễn đã tìm ra chìa khoá để giải mã cho một nhân vật lịch sử bằng chính thiết kế mỹ thuật cho sân khấu, chị chỉ dùng duy nhất một biểu tượng chiếc ghế của quan tổng đốc Nguyễn Tri Phương, chiếc ghế ấy lúc được người dân đẩy trở thành một con thuyền như sức mạnh của người dân hay có lúc lại trở thành một cảnh Hồ Tây đêm trăng vô cùng lãng mạn.  

Vở diễn đã tạo nhiều "đất" thể hiện cho nghệ sĩ 

Bất tử với Thăng Long cũng thể hiện rõ quan niệm làm nghệ thuật và phong cách dàn dựng rất riêng của nữ đạo diễn đó là sử dụng nhiều phần ca và hát, ngay cả hành động và tình huống kịch cũng được đưa vào phần hát trình diễn của nghệ sĩ biểu diễn. “Ngay cả những người làm nghệ thuật cải lương cũng tranh cãi rất nhiều xem nên tiết chế hát ca bằng hành động và thoại vào cho vở diễn hay không. Quan điểm của tôi là cải lương, bộ môn kịch hát dân tộc nên thế mạnh vẫn là ca hát, cần phải phát huy và bảo tồn âm nhạc cải lương. Bản thân âm nhạc cải lương với những làn điệu bài bản phong phú đã chất chứa cảm xúc, xung đột mâu thuẫn cũng như hành động kịch. Vì vậy, tôi mong muốn nghệ sĩ của mình phải hát thật nhiều bởi đó là ưu thế của diễn viên cải lương”, NSND Hoàng Quỳnh Mai bày tỏ. 

Cảnh Hồ Tây trên sân khấu rất trữ tình

Điều quan trọng đối với một người đạo diễn đó là tìm ra một hình thức thể hiện phù hợp cho mỗi vở diễn. Với cách xử lý làm đậm phần âm nhạc và ca, dàn nghệ sĩ của Đoàn cải lương truyền thống Nhà hát Cải lương Việt Nam có nhiều đất để thể hiện tài năng đặc biệt.  Đặc biệt nghệ sĩ Nguyễn Văn Thuân đã rất cố gắng để tạo nên thần thái cho hình tượng quan tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương. 

 Cách khai thác đề tài lịch sử, lối dàn dựng kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và đương đại, khả năng diễn và ca rất tốt của dàn nghệ sĩ, chắc chắn những vở diễn về đề tài lịch sử như Bất tử với Thăng Long sẽ được khán giả yêu quý đón nhận.

ĐÀO ANH; ảnh: ANH LƯƠNG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top