Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Hành trình Sài Gòn đi qua thương đau với ký ức hình ảnh

Thứ Sáu 15/04/2022 | 09:39 GMT+7

VHO-  Sách ảnh Sài Gòn Covid-19 gồm 155 tác phẩm được chọn lọc từ hơn 6.000 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong sẽchính thức ra mắt với triển lãm cùng tên vào tối 15.4, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Trước đó, năm 2020, Trần Thế Phong đã ra mắt sách ảnh Sài Gòn Covid-19 và tổ chức triển lãm ảnh tại Đường Sách TP.

Cuốn sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021) chứa 155 tác phẩm ảnh được chụp trong vòng 5 tháng từ tháng 6 đến tháng 11.2021. So với một Sài Gòn thanh bình, khác lạ trong sách ảnh Sài Gòn Covid-19 năm 2020, ở cuốn thứ hai, Trần Thế Phong ghi lại hành trình đi qua thương đau của thành phố. Chắc chắn, theo nhìn nhận và sự quan sát của từng cá nhân, có thể, cuốn sách ảnh sẽkhông thể đầy đủ mọi hoạt động đã diễn ra trên địa bàn thành phố nhưng về cơ bản, những diễn biến chính đều được Thế Phong ghi lại. Đó là thành phố vắng vẻ, chỉ có những chiếc xe cứu thương hộc tốc từ đường lớn cho tới ngõ nhỏ hun hút sâu. Đó là những hộp cơm nghĩa tình được bày trên phố. Đó là hình ảnh của lực lượng y tế, quân đội, dân quân, thanh niên tình nguyện, đội thiện nguyện... đang cùng nhau làm tốt nhất có thể vai trò của mình, những mong cứu người, kịp thời hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, san sẻ yêu thương để cùng dìu nhau qua đoạn khó của đời người.

Trần Thế Phong cho biết sự thương vong, mất mát anh chứng kiến trong hành trình rong ruổi suốt 5 tháng ròng không ít. Có những ảnh lột tả trực diện nỗi đau thương có thể cứa lòng, thắt tim người xem nhưng anh xin giữ những bức ảnh đó cho riêng mình. Sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021) vẫn có nhiều khoảnh khắc lay động cảm xúc nhưng chúng không quá bi lụy, không đào sâu đau thương của người đã khuất và gia đình họ.

“Tôi muốn chạm vào cảm xúc của người xem một cách vừa đủ, nghĩa là từng bức ảnh vẫn cho thấy đau thương thật nhưng chúng không quá nặng nề đến mức gây ám ảnh. Dịch Covid-19 đã dần được kiểm soát và đây là thời điểm gần tròn một năm Sài Gòn trải qua năm tháng khốn cùng của đau thương nhưng lấp lánh tình thương. Đây là dịp để mọi người nhìn lại một lần nữa những gì đã trải qua, để nguyện cầu cho những người không may rời cõi tạm được thanh thản, để người ở lại nén nỗi đau mà bước tiếp hành trình sống của mình. Thành phố và lòng người đang dần hồi sinh, đó là điều may mắn”, nhiếp ảnh gia Thế Phong chia sẻ.

Sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (2021) không đơn thuần tập hợp hình ảnh, tái hiện hành trình tác nghiệp đặc biệt của Trần Thế Phong mà đây là thành quả tâm huyết được trưng bày đẹp mắt với dụng ý nghệ thuật về sắp đặt, bố cục. Trong 155 bức ảnh, nhiều tác phẩm được đưa về màu đen trắng, ở một số nhóm chủ đề cần độ lắng về cảm xúc. Anh để ra nhiều khoảng trắng như khoảng nghỉ của thị giác để tiếp sau đó, người xem đi đến trải nghiệm nặng đô hơn. Đây cũng là cuốn sách ảnh “nhiều chữ nhất” của nhiếp ảnh gia Thế Phong bởi trong đó, anh đưa vào những chia sẻ thật tâm của các cá nhân đang công tác tại ngành nghề, họ có những trải nghiệm khác nhau trong cao điểm dịch tại Sài Gòn từ bác sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia, cô con gái không may có ba mẹ qua đời vì Covid-19…

T.TRANG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top