Học hỏi từ hội chợ sách quốc tế

VH- Làm thế nào để hình ảnh cũng như xuất bản của Việt Nam được chú ý nhiều hơn nữa thông qua các hoạt động trên thế giới. Thay vì chỉ mua bản quyền thì xuất bản trong nước có cơ hội bán nội dung nhiều hơn cho đối tác?

Học hỏi từ hội chợ sách quốc tế - Anh 1

 Xuất khẩu xuất bản phẩm đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và hợp sức

 Xung quanh vấn đề này, bà Claudia Kaiser, Phó chủ tịch Hội sách quốc tế Frankfurt đã có buổi trao đổi với các đơn vị xuất bản của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm cũng như chuẩn bị về việc giao dịch bản quyền trong năm 2018 tại Hội chợ Frankfurt.

Nhiều năm nay, đại diện cho xuất bản Việt Nam đã tham gia các hội chợ sách quốc tế tổ chức tại Đức, Trung Quốc… thế nhưng các hoạt động này mới chỉ diễn ra một chiều. Tức là chúng ta chỉ dừng lại ở việc mua bản quyền mà chưa có chiều ngược lại. Nguyên nhân được chỉ ra nhiều nhưng cái chính là xuất bản trong nước vẫn chưa đủ năng lực và kinh phí để có thể song hành với các đơn vị xuất bản của thế giới. Điều này đòi hỏi không chỉ sự chuyên nghiệp mà còn phải có sự giúp sức từ chính cơ quan nhà nước. Khó khăn này không phải các đơn vị làm sách không nhận ra, mà từ lâu nay việc chọn ra cuốn sách hay, chất lượng đã khó, kinh phí cho dịch thuật, chuyển ngữ là vấn đề khiến cho các đơn vị gặp nhiều khó khăn.

Bà Claudia Kaiser người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản và hội chợ quốc tế đã có những chia sẻ: Hội sách Frankfurt có quy mô lớn nhất thế giới về lĩnh vực xuất bản. Mỗi năm, Hội chợ sách sẽ mời một quốc gia làm khách mời và giới thiệu hình ảnh, văn hóa, xã hội, con người, du lịch, xuất bản của nước đó được giới thiệu và tập trung bán bản quyền ra thế giới. Việt Nam dù gần đây có các NXB tham gia vào hội chợ này nhưng theo bà Claudia thì số lượng sách, nhà sách của Việt Nam ở hội chợ quốc tế còn quá ít. Việt Nam cần đẩy mạnh mang hình ảnh, đất nước con người thông qua các hoạt động xuất bản phẩm ra nước ngoài nhiều hơn”.

Theo bà Claudia thì thời gian qua, các NXB Việt Nam chủ yếu đi mua bản quyền chứ không phải đi bán nội dung cho đối tác. Đây cũng là điểm yếu của xuất bản Việt Nam khi chiều xuất khẩu đang tỉ lệ nghịch với nhập. Điều này đòi hỏi các NXB Việt Nam cần chuẩn bị kĩ lưỡng hơn nữa để tham gia vào các hội chợ sao cho có hiệu quả. Muốn vậy, bà Claudia cho rằng: Trước khi tham gia Frankfurt, các NXB nên suy nghĩ tham gia để làm gì, mua bản quyền hay bán nội dung cho đối tác, tìm hiểu người hỗ trợ đầu tư để tham gia. Bởi ở Đức hay các nước có xuất bản phát triển, chính phủ là nơi hỗ trợ các chương trình phát triển văn hóa đọc. Ở Đức có quỹ dịch sách tiếng Đức ra nước ngoài. Đức cũng hỗ trợ hội thảo, hội nghị sách của Đức tại nước ngoài, đầu tư web giới thiệu những hoạt động về sách, giới thiệu sách ở nước ngoài…

Đây là những điều mà ở Việt Nam vẫn còn yếu và thiếu. Phần lớn các đơn vị xuất bản vẫn phải tự lực cánh sinh. Trong đó, khó khăn nhất, theo các đơn vị xuất bản, là kinh phí cho dịch thuật. Bởi muốn giới thiệu, chào hàng cho đối tác bắt buộc phải chuyển ngữ, dịch thuật qua tiếng Anh.

Theo bà Claudia thì Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá sách, phát triển thói quen đọc sách qua việc lập nên các đường sách, phố sách… nhưng sách Việt ra nước ngoài lại quá ít ỏi. Các bạn cần giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt thông qua các xuất bản phẩm ra nước ngoài nhiều hơn.

H.Trần

 

Ý kiến bạn đọc