THƠ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA THƠ ĐƯƠNG ĐẠI: Đối thoại thi ca

VH- “Từ xưa đến nay, chưa bao giờ người mê thơ ở nước ta lại đông như bây giờ. Số người được tôn vinh là nhà thơ ước tính tới hàng chục vạn”. Đó là những chia sẻ của không ít các nhà thơ, nhà văn tại cuộc Hội thảo “Thơ và những vấn đề của thơ đương đại” do Hội Nhà văn VN tổ chức sáng ngày 27.2.

THƠ VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA THƠ ĐƯƠNG ĐẠI: Đối thoại thi ca - Anh 1

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, năm 2017 đi qua, có dư luận cho rằng thi ca đang mất mùa vì giải thưởng Hội Nhà văn VN năm nay không có thơ, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội không trao cho thơ và Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM cũng không có giải thưởng chính thức cho thơ, chỉ có tặng thưởng cho mấy tập thơ, nhưng sau đó có tập lại bị kiện vì có dấu hiệu đạo thơ.

Nhà thơ ngày nay được chuẩn bị khá đầy đủ, thuận lợi cả về học vấn và môi trường sáng tạo. Nhưng để vượt lên mặt bằng văn học khá cao ấy, để khẳng định một phong cách mới mang dấu ấn tài năng của một tác giả lớn, để trở thành những đỉnh cao văn chương thì lại là chuyện không đơn giản. Vì thế, để có được bước đột phá mới trong sáng tạo thi ca là một thử thách lớn với những người cầm bút hôm nay, nhất là thế hệ các nhà văn trẻ. Có thể nói sự xuất hiện của các cây bút trong những năm gần đây đã làm cho diễn đàn thơ trẻ có thêm luồng sinh khí mới. Bước đầu, những tác giả trẻ này với những bút pháp đang tìm tòi này đang thể hiện một khuynh hướng mới trong thi ca. Nhưng liệu khuynh hướng tìm tòi này có thể trở thành một trào lưu, một phong cách mới ghi được dấu ấn riêng trong sự phát triển của thơ VN đương đại hay không thì vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.

“Tôi có cảm giác, một số tác giả thơ trẻ hiện nay đang coi trọng, đề cao việc tìm kiếm cái lạ và biểu đạt cái người khác chưa dám nói tới hoặc né tránh. Dù vậy, hãy còn đó những khoảng trống lặng lẽ trong thơ ca. Có thể kể đến một trong những nhược điểm lớn của khá nhiều người viết hôm nay là thơ của họ thường quay lại với đời sống cần lao, khó nhọc, lấm láp, cay cực của người dân ở những miền quê nghèo khó. Giữa bộn về cuộc sống, tiếng thơ về nhịp đập thành thị xem chừng đang nổi trội hơn những thanh bình, yên ả của đời sống nông thôn…

Đã lâu, ngôi vườn thơ ca gióng lên nhiều tiếng chuông về sự đổi mới, cách tân các thi pháp. Vẻ bề ngoài của nhan sắc thơ đây đó có cải biến, đổi thay nhưng cái “hồn cốt thơ”, cái nội dung ẩn chứa sau cái bề ngoài của nhan sắc thơ vẫn là một bài toán khó. Nhà thơ Thanh Thảo khẳng định, trong khi nhiều nhà thơ hăng hái cách tân hình thức thì lại rất quanh quẩn về nội dung. Bây giờ, gần như không còn những đề tài cấm kỵ trong thơ như trước đây thì xem ra, thơ tình quanh quẩn lại lên ngôi, trong khi dòng thơ thế sự giảm hẳn.

Thơ Việt là bức tranh nhiều màu sắc, phản ánh những cố gắng tìm tòi không ngừng của nhà thơ. Thơ Việt đang chuyển động. Theo nhà thơ Vương Trọng, hàng ngàn tập thơ xuất bản mỗi năm nhưng hầu hết chỉ nói nỗi riêng của nhà thơ chứ mấy bài nói chuyện lớn của đất nước. Nhiều người than rằng ngày nay bạn đọc ngoảnh mặt với thơ, mà không đặt vấn đề rằng nhà thơ đã quan tâm đúng điều bạn đọc quan tâm chưa? Bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam Đất nước mình ngộ lắm phải không anh, được triệu người tìm đọc, bàn tán, họa lại… đâu phải do nghệ thuật siêu việt, cái chính là nói đúng điều người ta suy nghĩ, thì bạn đọc vẫn quan tâm.

Thế hệ thơ mới phải tìm cho mình con đường đi để thiết lập những giá trị về nghệ thuật thi ca hiện đại, chỉ có thế mới thật sự có được những gương mặt thơ mới tiêu biểu, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền văn học đương đại. Nhưng đổi mới thơ không có nghĩa là tiến đến một thứ thơ không mang lại gì cho chúng ta ngoài sự mù mờ, rắc rối đến nỗi không cắt nghĩa nổi một cảm xúc, không khắc họa được hình ảnh để từđó xây dựng nên một cách sáng rõ và nhân bản hơn những hiện tượng nằm trong phạm trù ý thức và vô thức của mỗi cá thể sống. Lẽ thế có nhà thơ bộc trực chỉ thẳng rằng, thơ ca là phương tiện để hiểu biết và chung sống giữa những con người thuộc các thế hệ khác nhau. Vậy nên thơ ca không bao giờ là hành trình đơn phương giữa những con người, mặc dù nó luôn phải tự dấn thân cô đơn trong sáng tạo. Sứ mệnh của thơ ca có lẽ phải hướng đến cuộc đối thoại của con người với thời đại của họ.

Nhà thơ Mai Nam Thắng chiếu rọi trong ngồn ngộn những thi phẩm đa thanh, đa sắc, để dẫn ra những câu thơ hay, những tứ thơ độc đáo về tình yêu, nỗi đau, nỗi buồn, sự cô đơn bản thể... Cho rằng đó là sự dễ dãi của thơ ca, nhà thơ mang áo lính này vẫn mỏi mòn trông đợi những bài thơ, tập thơ thực sự đem đến những nỗi niềm lớn, những chia sẻ tha nhân, những quan tâm thấm đẫm tâm can của đông đảo cộng đồng. Và tìm kiếm những cảm hứng mang tính công dân, liên quan đến số phận dân tộc, đời sống nhân dân... thì lại càng hiếm. Đó là điều đáng tiếc của thơ trẻ hôm nay. Thơ ca phải thấm đẫm tinh thần dân tộc và mang tính nhân loại sâu sắc thì mới có sức sống và có đất sống. Điều đó đòi hỏi nhà thơ trước hết phải là một công dân trách nhiệm. Và đất nước, cộng đồng phải là mối quan tâm lớn nhất của nhà thơ. 

 ​Có một thực tế ai cũng nhận ra trong quá trình xuất bản thơ những năm gầy đây, thơ hay quá ít, mà thơ dở lại quá nhiều. Trong khi đó, số người làm đơn xin ra nhập Hội Nhà văn VN ở trung ương và các tỉnh, thành ngày một đông đảo, hùng hậu. Có thể nói người làm thơ hôm nay quá nhiều, tình trạng in thơ ở các nhà xuất bản đang ở tình trạng “lạm phát thơ dở”, bùng nổ thơ dở nên thơ không bán được và chủ yếu thơ in ra là để giao đãi, tặng nhau.​(Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến)

 

 THANH NGỌC - PHÚC NGHỆ

Ý kiến bạn đọc