Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Văn học một thời để nhớ: Bây giờ ai viết về nông thôn?

Thứ Hai 26/02/2018 | 09:43 GMT+7

VH- Trong văn học Việt Nam, viết về nông nghiệp, nông thôn là một đề tài lớn, với sự góp mặt của nhiều tác giả và không ít tác phẩm. Tuy nhiên vì nhiều lý do, hiện nay đề tài này ít được những người cầm bút chú ý.

 Cổng làng cổ Đường Lâm – Hà Nội; ảnh minh họa

Việt Nam từ bao đời vẫn là một đất nước nông nghiệp và nông dân là lực lượng chiếm số đông. Bởi vậy, những trang viết về nông dân, nông thôn không còn xa lạ với nhiều bạn đọc. Bởi, trong văn học Việt đã có nhiều truyện ngắn hay viết về nông thôn, như: Chí Phèo, Lão Hạc (Nam Cao), Cái hom giỏ, Vợ chồng ông lão chăn vịt (Vũ Thị Thường), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), Thời xa vắng (Lê Lựu)... Sau này, nhiều truyện ngắn của các tác giả Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Ngọc Tư... được bạn đọc đón nhận. Bởi vậy, cũng hợp lý khi có ý kiến cho rằng, hầu như không có nhà văn nổi tiếng nào của thế kỷ XX lại không viết về nông thôn, lấy đời sống nông thôn làm cảm hứng sáng tạo.

Theo nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Đề tài nông nghiệp và nông thôn là một trong những đề tài lớn của văn học Việt”. Tuy nhiên, sau thời kỳ “được mùa” của văn học viết về nông nghiệp, nông thôn, gần đây, mảng đề tài này dường như thưa vắng hơn. Nhà văn Vân Thảo được biết tới gần đây với tiểu thuyết Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: “Trước kia, Cái sân gạch của Đào Vũ nói về thời kỳ hợp tác xã, hay sau này có nhiều đề tài nông thôn sâu sắc, nhiều tác phẩm lớn viết về đề tài này. Bây giờ đọng lại tác phẩm nông thôn, nông dân thực chất ít. Lớp trẻ bây giờ hình như không muốn đi vào lĩnh vực này, họ tập trung vào xung đột xã hội, các vấn đề của đời sống hiện nay, dễ viết hơn. Còn nông thôn, tìm vấn đề để viết bây giờ không dễ, bởi người nông dân không giống với các tầng lớp khác, họ không nổi bật, sinh hoạt thường ngày dung dị; tác giả làm sao phản ánh được tâm hồn của người nông dân với đất nước, với xã hội, thể hiện được cái “chất” của nông dân là điều khó”.

Đồng tình với ý kiến trên, nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng: Đề tài về nông nghiệp nông thôn hiện nay ít người viết, có lẽ vì nó không hấp dẫn bằng đề tài khác, ví dụ đề tài thành phố dễ viết hơn. Hiện thực cuộc sống ở nông thôn sinh động, nhưng rất ngốn tài liệu, muốn viết, tác giả phải đi thực tế nhiều, không thể tưởng tượng mà viết được. Tuy nhiên, văn học về nông thôn ít người viết, nhưng đã viết thì viết rất hay. Quan hệ giữa những người nông dân hôm nay, đổi mới trong tư duy mọi người ở nông thôn vẫn được một số tác giả viết rất sinh động, chi tiết.

“Khuynh hướng chung trong văn học hiện nay, người có tay nghề cũng muốn viết, nhưng sách có bán được hay không, đề tài ấy có hấp dẫn hay không là điều phải suy nghĩ. Và sự vắng bóng của đề tài nông nghiệp, nông thôn trong văn học, và mở rộng sang cả điện ảnh, khiến đại bộ phận nông dân hiện nay không được thừa hưởng văn hóa nói về mình, mà đang thừa hưởng những thứ có lẽ rất xa lạ với họ, những thứ của xã hội đô thị: lừa lọc, ngoại tình..., trong khi đó, phong tục của nông dân khác”, nhà văn Vân Thảo nhận định.

Để có thêm nhiều tác phẩm văn học hay, hấp dẫn, thể hiện văn hóa, đời sống đậm bản sắc của người nông dân và sự chuyển mình nhanh chóng của nông thôn hiện nay, cần sự nỗ lực, tâm huyết của các nhà văn với đề tài này. Bên cạnh nỗ lực của các tác giả, cần có nhiều cuộc thi viết về nông nghiệp, nông dân nông thôn và Nhà nước cần có hỗ trợ về in ấn cho những tác phẩm chất lượng cao để các tác phẩm về đề tài này được lan tỏa mạnh mẽ, đến được với bạn đọc.

Hiểu Minh

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top