Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Văn chương khơi dậy sự thấu cảm

Thứ Tư 24/01/2018 | 10:47 GMT+7

VH- Văn chương mang đến cho ta thế giới của những con người mà sự khác biệt của họ là tấm gương để đối chiếu với chính mình, để khơi dậy những phẩm chất tốt thay vì bị hòa lẫn vào kẻ khác.

 Văn chương nói với ta điều gì về kẻ khác

Đây là quan điểm được TS Trần Ngọc Hiếu - khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ra tại tọa đàm “Văn chương nói với ta điều gì về kẻ khác?”. Qua lăng kính của văn học, khái niệm thấu cảm được soi chiếu dưới một góc nhìn mới, đa chiều hơn, sâu sắc hơn.

Nơi văn học và thấu cảm gặp nhau

“Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết hay, bạn quên đi quốc tịch của nhân vật. Bạn quên đi tôn giáo của nhân vật ấy. Bạn quên đi màu da của anh ta hay cô ta. Bạn chỉ hiểu con người. Bạn hiểu đây là một con người, cũng như chính chúng ta thôi. Và vì thế đọc những tiểu thuyết vĩ đại có thể tái tạo chúng ta trở thành những con người tử tế hơn nhiều”, Alaa Al Aswany đã viết như vậy trong bài báo “Văn chương khơi dậy sự cảm thông như thế nào?” để thấy rằng từ trước đến nay, văn chương luôn mang đến cho chúng ta thế giới của những con người khác. Với tất cả sự khác biệt của “họ”, chúng ta đối chiếu với sự hiện diện của bản thân để khơi dậy những phẩm chất tốt thay vì bị hòa lẫn. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của sự thấu cảm, cũng là nơi văn học và sự thấu cảm gặp nhau.

Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) đã cho ta thấy trong xã hội luôn có một bộ phận bị dạt ra ngoài. Để đồng cảm, cần phải nhìn họ ở khoảng cách gần và nỗ lực nhận ra thế giới bên trong con người. “Xét đến cùng, ý nghĩa của sự thấu cảm kẻ khác chính là hiểu được chính mình. Nghệ thuật, văn chương trao cho ta hình ảnh về một kẻ lạ, nhưng mời gọi ta cùng nghĩ về kẻ ấy, từ đó, mà nhận ra nhiều điều khác bấy lâu đóng kín nhận thức hay cảm xúc của chúng ta về con người”, TS Trần Ngọc Hiếu nói.

Sứ mệnh của ngôn từ

Người ta nói rằng chủ nghĩa tình cảm đã mở đường cho con người sống thật với phần yếu đuối của mình, khi phần con người cá nhân được thức tỉnh, người ta nhìn nhận con người một cách uyển chuyển hơn.

“Muốn qua văn học mà thấu cảm thì văn học sẽ mở ra cho chúng ta rất nhiều thứ”. TS Trần Ngọc Hiếu cho rằng đó cũng chính là sức mạnh và sứ mệnh của văn chương. Nhu cầu hiểu về thế giới bên trong của con người là vô hạn. Thông qua hình tượng nhân vật khác nhau, bao gồm những hoàn cảnh, số phận cắc cớ, éo le nhất, văn học muốn nói rằng bao nhiêu kết luận về con người, bao nhiêu định nghĩa về con người thì ta vẫn có thể tìm ra được những tiền lệ nằm ngoài định nghĩa, quy luận ấy. Như chàng Đam San (sử thi Tây Nguyên), đang cóquyền lực, giàu có… nhưng tại sao lại đi săn Nữ thần Mặt trời? Với người Tây Nguyên, đó lại là biểu tượng anh hùng kỳ vĩ. Như lão Santiago (Ông già và biển cả, Hemingway), đương đầu với đàn cá dữ biết rằng đó là một cuộc chiến không hề cân sức… Hay nhân vật Chương trong tác phẩm Con gái thủy thần (Nguyễn Huy Thiệp) đi tìm Mẹ Cả, một hành trình đã biết trước thất bại ngay từ đầu...

Như vậy, ngôn từ của văn học đã làm được sứ mệnh cao cả của nó là đưa ra một gợi mở giúp con người giải phóng dần sức nặng trong cuộc sống. Thông qua sự đồng cảm với nhân vật, con người hiểu hơn về cuộc sống xung quanh, lấy đó để soi chiếu bản thân mình rõ hơn. “Ta biết văn chương là hư cấu nhưng vẫn có được đồng cảm thực sự. Logic ở chỗ, bằng cách đọc, ta đã được giao tiếp với một thế giới khác, tiếp xúc với bên ngoài. Cái làm cho người ta đồng cảm là khi tiếp xúc, người ta nhận ra không chỉ nhân vật có điểm giống mình mà nhận ra những khả năng mà rất có thể nó chưa được hiện thực hóa ở bản thân mình”, TS Trần Ngọc Hiếu nhận định. n

 Cách dạy văn hiện nay thường nói đến nhân vật điển hình cho một giai cấp, cho một loại người nhưng những thứ đó không bao giờ gây hấp dẫn mà chỉ tạo thói quen phân loại con người. Mọi khung phân loại đều làm đơn giản hóa con người. Đó không phải chủ đích của văn học. Văn chương khơi gợi sự đồng cảm đa dạng hơn rất nhiều, quan trọng nhất là hướng tới thừa nhận những yếu tố bên trong con người.

 TS Trần Ngọc Hiếu

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top