Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Bồi đắp tài năng văn học

Thứ Tư 20/12/2017 | 10:19 GMT+7

VH-  Câu chuyện có đào tạo các tài năng văn học được không, đào tạo như thế nào, cần những yếu tố gì, thế nào là môi trường cho sự phát triển… không mới. Vấn đề là cuối cùng dựa vào bối cảnh, tùy thời kỳ mà có phương cách tạo môi trường nuôi dưỡng, kích thích khả năng sáng tạo của người viết.

Xoay quanh vấn đề này, hàng loạt ý kiến đã được các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nêu ra tại Hội thảo “Đào tạo tài năng sáng tác văn học” mới đây, do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức.

Trưởng thành qua đào tạo

Sáng tác văn học là cơ chế xuất sinh đặc biệt của tâm hồn, của cảm xúc, cảm hứng sáng tạo và biên độ của tưởng tượng. Nếu xét ở góc độ này thì không ai có thể đào tạo cảm xúc hay tài năng được. Theo nhà thơ Trần Quang Quý, cảm xúc là vốn tiền định của trời đất đã ban phát cho từng con người cụ thể để tạo sinh cảm hứng trước những hiện thực đời sống, tái hiện đời sống, tư tưởng trong hệ hình thẩm mỹ của mỗi cảm quan và cá tính sáng tạo văn học. Cho nên, đào tạo tài năng văn học trước tiên là cung cấp kiến thức khoa học và xã hội, về văn và nghề văn, những phương pháp tư duy phân tích, biện giải. Đó là công nghệ phụ trợ để tài năng văn chương phát triển. “Học chính là để những tài năng văn chương tìm được đường tới đích ngắn nhất, phát lộ thuận lợi nhất, sớm tìm được chính bản ngã của mình, cái tôi của mình, giọng điệu và thi pháp của riêng mình. Mà điều này là quan trọng bậc nhất của người sáng tác văn học”.

Trên nền tảng ấy, Trường Viết văn Nguyễn Du ra đời. Nhìn lại quá trình đào tạo gần 40 năm qua của Trường Viết văn Nguyễn Du và nay là Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa sẽ thấy, mỗi thời kỳ, mỗi sự thay đổi đều có tác động không nhỏ đến việc đào tạo viết văn cũng như thành quả của đội ngũ học viên. Hầu hết các học viên từ khóa 1 đến khóa 5, đặc biệt là khóa đầu sau khi ra trường đã trở thành những nhà văn, nhà thơ, nhà báo nòng cốt của văn học nước nhà. Sang các khóa 6, khóa 7 khi môi trường đào tạo đang bắt đầu có sự chuyển đổi và đến khóa 8 trở đi, Trường Viết văn Nguyễn Du trở thành khoa của Trường Đại học Văn hóa thì kết quả đào tạo cũng khác.

Học viên các khóa đầu trước khi vào trường đã trở thành những tác giả tên tuổi của văn chương thời ấy và họ đang tiếp tục sáng tác, để lại nhiều tác phẩm cho đời. Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, nhà văn Ngô Văn Giá nhận định: “Những năm đầu hình thành Trường Viết văn Nguyễn Du, nhiều thế hệ nhà văn đã trưởng thành từ cái nôi đào tạo đó. Nó cho họ chiếc chìa khóa để khám phá thế giới, con người và xã hội”.

 Thầy trò Khoa Viết văn - Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội trong chuyến thực tế tại Khu Di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh)

Nhiệt tâm vun xới

Goeth từng nói: “Thiên tài không phải là người không học ai nhưng không ai học được”. Không phải bất cứ ai qua đào tạo mới trở thành nhà văn, thế nhưng đào tạo viết văn vẫn luôn là một nhu cầu thực tiễn. Thế nhưng có một thực tế là hiện nay, viết văn không còn là ngành hot. Nhà thơ Đoàn Văn Mật, Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhận định: “Thời thế đã thay đổi, đời sống vật chất đã có tác động lớn đến mỗi thành viên trong xã hội. Không ít người gạt bỏ niềm đam mê văn chương để chuyển sang học một ngành khác để những mong ổn định đời sống sau này. Không chỉ ở ngành học viết văn mà ngay cả ở các tờ báo, tạp chí văn nghệ uy tín, từng là ước mơ làm việc của nhiều người trước đây thì nay cũng không còn là lựa chọn cho họ”.

Điều này đã tác động không nhỏ đến ngành đào tạo viết văn. Những năm gần đây, Khoa Viết văn - Báo chí phải rút từ 1 năm/lần tuyển xuống còn 2 năm/lần tuyển, nhưng số lượng học viên vẫn ít ỏi. Nhà văn Ngô Văn Giá phân tích: Việc đào tạo những người viết văn ngày càng khó bởi thứ nhất, do xu hướng vận động của xã hội, viết văn không được coi là một nghề mưu sinh. Thứ hai, do quan niệm viết văn cốt để nổi tiếng chứ không phải viết vì nhân tâm, vì xã hội; Bởi thế, không cần đào tạo cũng có thể viết văn và cũng nổi tiếng như thường, và sự nổi tiếng này phần lớn nhờ truyền thông. Thứ ba, do cơ sở đào tạo đánh mất dần sức hấp dẫn vốn có. Điều này do chế độ đầu tư, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đánh giá kiểm định, đội ngũ giáo viên… ngày càng mang xu hướng đại trà.

Trước thách thức đặt ra, “Dự án đào tạo tài năng văn chương trong lĩnh vực sáng tác văn học giai đoạn 2017 - 2030” được triển khai là tin vui đối với ngành đào tạo viết văn. Theo nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Đã gọi là nghề thì đều có mẹo mực, có kỹ thuật, phương cách của nghề. Không phải ai có giọng đều trở thành danh ca nhưng đều phải biết kỹ thuật thanh nhạc. Văn chương cũng vậy. Biểu hiện đời sống muôn đời vẫn thế nhưng lại chia ra các trường phái, các chủ nghĩa, tùy đó mà cách viết khác nhau. Đó là cái có thể dạy được. Tài năng thì không dạy được nhưng để kích thích phát triển tài năng thì có thể dạy được".

 

Với “Dự án đào tạo tài năng văn chương trong lĩnh vực sáng tác văn học giai đoạn 2017 - 2030”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cơ chế đặc biệt: Miễn học phí, ưu tiên chương trình, chế độ mời giảng, đi thực tế, thực tập, xuất bản, giao lưu…

Thư Ngọc

 

 

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top