Lê Văn Thảo trong mắt bạn nghề, bạn đọc

Lê Văn Thảo trong mắt bạn nghề, bạn đọc

VH- Vào bưng biền từ lúc tuổi nhỏ ở vùng hạ miền Đông Nam Bộ cùng với gia đình trong cuộc kháng chiến (1945-1954), nửa chừng về thành (thị xã Long Xuyên, An Giang) để theo học bậc trung học, chàng thanh niên Dương Ngọc Huy (tên khai sinh của nhà văn Lê Văn Thảo) sau khi tốt nghiệp Tú tài 2 đã khăn gói lên đường rời quê tạm An Giang để lên Sài Gòn làm chàng sinh viên khoa Toán Lý, Trường Đại học Khoa học Sài Gòn.

Năm 1962, khi nhận được tin nhắn của người cha là nhà giáo Dương Văn Diêu (cán bộ giáo dục tập kết, trở về Nam khá sớm, lúc đó đang là Trưởng Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục) từ trong rừng Tây Ninh gởi ra, anh đã thoát ly thành phố, rời xa ánh đèn phố thị, bước vào cuộc chiến đấu mới với nhiều cam go và thử thách.
Lên rừng, chàng thanh niên phố thị Dương Ngọc Huy, bằng vốn học vấn của mình lại tiếp bước con đường của cha, làm chàng giáo trẻ trong những làng giải phóng vừa mới hình thành trong chiến khu. Khi lực lượng giải phóng bắt đầu phát triển mạnh với những đơn vị cấp trung đoàn, sư đoàn chủ lực được hình thành trên khắp chiến trường miền Đông, thì chàng thầy giáo trẻ đã sớm rời bục giảng để theo bước những đơn vị chủ lực Miền tham gia các chiến dịch phản công và tiến công. Anh trở thành người viết văn trẻ của lực lượng viết văn giải phóng đang dần hình thành khi có sự trở về của các nhà văn tập kết như Nguyễn Thi, Anh Đức, Thanh Giang, Võ Trần Nhã... Có thể nói văn nghiệp của nhà văn Lê Văn Thảo khởi đi từ những năm tháng nhọc nhằn trong những ngày hành quân chiến đấu cùng quân chủ lực giải phóng khi các đơn vị ấy hình thành trong nửa cuối năm 1965 bằng những bút ký chiến tranh mang đậm không khí chiến trường. Những chuyến đi không ngừng nghỉ suốt những cánh rừng miền Đông và ruộng đồng miền Đồng Tháp không những chỉ tạo thêm sự vững vàng của chàng thanh niên phố thị giữa bưng biền kháng chiến mà còn là nguồn tư liệu vô tận để khi đất nước hoà bình thống nhất, những trang văn về cuộc sống và chiến đấu của con người trong chiến tranh được hình thành ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Có thể nói, trong hơn 10 năm đi và viết trong vùng giải phóng và ngay trên các chiến trường sôi động, kể cả chiến trường đô thị Sài Gòn năm 1968, đã biến Lê Văn Thảo thành nhà văn có nhiều kỷ niệm và kinh nghiệm chiến trường nhất trong các nhà văn từ trong rừng ra.
Sau tháng 4.1975, trên cương vị mới là cán bộ biên tập văn xuôi tuần báo Văn nghệ giải phóng rồi tuần báo Văn nghệ TP.HCM, bên cạnh những trang viết của chính mình, nhà văn còn là người với đôi mắt tinh đời và một tấm lòng không đố kỵ đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều cây bút trẻ trong vùng mới giải phóng bằng việc thường xuyên giới thiệu những tác phẩm đầu tay của họ cho công chúng độc giả. Có thể nói, tuần báo Văn nghệ TP.HCM trong những năm tháng cuối thập niên 70 và cả thập niên 80 thế kỷ XX chính là vườn ươm, là nơi tạo giống để hình thành nên đội ngũ những người viết trẻ sau năm 1975 ở vùng đất phương Nam đầy nắng gió nầy.

Nhà văn Lê Văn Thảo, tác giả đoạt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng như Con đường xuyên rừng; Ông Cá Hô; Cơn giông; Lên núi thả mây; Con mèo… đã ra đi ở tuổi 77 tại nhàriêng ởTP.HCM sáng 21.10. 
Lễ truy điệu nhàvăn Lê Văn Thảo diễn ra lúc 6 giờ vàđộng quan lúc 6 giờ 30 sáng qua 23.10, an táng tại nghĩa trang TP.HCM (Thủ Đức).

Là một nhà văn có tâm hồn tươi trẻ, lại chịu xông xáo vào những nơi mũi nhọn của cuộc sống mới, anh thường xuyên tham gia tổ chức những chuyến đi thực tế về nông thôn, biên giới, hải đảo. Chính những chuyến đi đó là cơ hội để anh gần gũi thêm với các bạn viết trẻ, gợi ý những đề tài và truyền đạt những kinh nghiệm nghề nghiệp viết lách với những người mới vào nghề.

Đến lúc nghỉ hưu, bằng sự tín nhiệm của những người trong nghề, anh lại được bầu làm lãnh đạo của Hội Nhà văn TP.HCM hai nhiệm kỳ liền và một kỳ làm Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Chức sắc đối với nhà văn là chuyện phải có để có cớ làm việc chứ chẳng phải là chuyện để hưởng lợi lộc gì nên những chuyến đi, liên tiếp những chuyến đi là niềm mong mỏi lớn nhất của nhà văn. Như ông đã từng tâm sự trong suy nghĩ về nghề văn: Bản tính chậm lụt, chuyện trước mắt không mấy khi kịp hiểu ra, thường viết về những kỷ niệm, những hồi ức xưa cũ... Sợ chốn cao sang giới quan chức quyền quý; dành sức viết về những người bình thường, những người có số phận hẩm hiu bất hạnh. Tình đồng đội đồng chí là đề tài yêu thích. Cố tránh sự tô vẽ, làm dáng. Tránh ồn ào, giáo huấn. Viết giản dị, gần gũi với nhân dân quần chúng, dành nhiều khoảng trống cho người đọc, đó là phương châm...
Có lẽ từ phương châm nầy, nên nhìn lại, có thể ông là người đi nhiều, viết ít. Trong sự nghiệp hơn 50 năm cầm bút viết văn của ông (kể từ năm 1965, khi ông bắt đầu tham gia các chiến dịch của quân giải phóng với tư cách người làm văn nghệ) thì 10 tập truyện ngắn không dày và năm tiểu thuyết mỏng là cái gia sản khá khiêm nhường. Nhưng kể từ tập truyện ngắn Đêm Tháp Mười được xuất bản năm 1972 bởi nhà xuất bản Văn nghệ giải phóng, là cái vốn căn bản để ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1975, thì tập truyện ngắn cuối cùng Nhỏ con, có chịu thôi đi không? (tập truyện thứ 10, xuất bản năm 2016 bởi Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ) quả là chẳng nhiều nhặn gì. Ông được xem là người viết truyện ngắn có phong cách riêng bởi cái chất Nam Bộ và kiểu tư duy thực tế, cộng thêm cách dẫn dắt ngẫu hứng cũng làm cho người đọc thêm những bất ngờ thú vị.
Có thể nói, ông là nhà văn của truyện ngắn mà Ông Cá Hô là một truyện ngắn nổi bật, nhưng tiểu thuyết mới là những thành tựu đáng ghi nhận của ông. Chỉ với 5 tiểu thuyết được công bố thôi mà ông đã hai lần được trao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là tiểu thuyết Một ngày và một đời (năm 1998) và tiểu thuyết Cơn giông (năm 2003). Cuốn đầu là sự chiêm nghiệm của con người sau chiến tranh về một thời kỳ ác liệt - chiến dịch Mậu Thân năm 1968 ở Sài Gòn và cuốn sau là cuộc sống và con người hậu chiến ở một vùng miền Tây Nam Bộ sau năm 1975.
Ghi nhận những công lao đóng góp của ông trong nền văn học nước nhà, năm 2007 ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và 5 năm sau (2012) là Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng về lĩnh vực trên.
Dù với danh hiệu gì, nhà văn Lê Văn Thảo trong mắt những người trong nghề và bạn đọc là nhà văn luôn trăn trở với thân phận con người, trong chiến tranh và cả trong hoà bình, mà tình đồng đội, nghĩa đồng bào là mối tình lớn nhất mà ông có được trong những năm tháng nhọc nhằn của cuộc đời người viết văn luôn ưu thời mẫn thế.


Phạm Sỹ Sáu
Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM
Đêm 22.10.2016 

Ý kiến bạn đọc