Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Đừng “mắc nợ” thêm với tiếng Việt

Thứ Tư 16/11/2016 | 14:38 GMT+7

VH- Không ít ví dụ sinh động đã được các chuyên gia ngôn ngữ, văn học đưa ra để minh chứng cho thực tế “bớt trong sáng” của tiếng Việt ngày nay, đặc biệt trên các phương tiện truyền thông. Không chỉ “lổn nhổn” tiếng Tây - ta, nhiều bài viết còn khiến người đọc hoang mang, không hiểu nổi đâu là chuẩn mực của ngôn ngữ quốc gia.

Tại Hội thảo quốc gia “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do VOV tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, sự xáo trộn và thiếu những đường biên phân định giữa làm mới, phát triển tiếng Việt với những biểu hiện dễ dãi, quá đà, quá lố trong sử dụng ngôn ngữ đã và đang khiến thế hệ hôm nay ngày càng thêm “mắc nợ” với tiếng Việt, tài sản vô giá của dân tộc. 
 Hết “trên cả tuyệt vời” đến “bá đạo", "vãi”…
Trăn trở “Tiếng Việt đang đi đâu, về đâu? của nhà báo lão thành Phan Quang có lẽ cũng không chỉ của riêng ông, khi yêu cầu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đang đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. “Tại sao phải là “tái trồng” chứ không phải “trồng lại”, “trồng mới” những cây cà phê, cây cao su cằn cỗi? Những từ “cận nghèo”, “tái nghèo”, “tái lấp mặt đường”… từ đâu xuất hiện? Các ngành thể thao, du lịch, kinh tế, thương mại, ngân hàng… có cần dùng nhiều đến thế tiếng Anh, Mỹ trong công việc hằng ngày? Những thuật ngữ về kinh tế, thương mại, pháp luật… thời hội nhập, sử dụng như thế nào cho phù hợp thông lệ quốc tế, tiện ích mà vẫn không ảnh hưởng đến bản sắc ngôn ngữ quốc gia?...”, hàng loạt câu hỏi được nhà báo Phan Quang đặt ra như những cảnh báo đáng lo ngại trước thực tế “xê dịch” thiếu kiểm soát của tiếng Việt.
GS.TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) cũng đưa ra những dẫn chứng về cách dùng ngôn ngữ mới trên các phương tiện truyền thông, đáng chú ý là sự “hào phóng” của người viết dẫn đến không ít thông tin sai lệch, thổi phồng, bóp méo ở nhiều bài báo. “Chưa bao giờ từ “tuyệt vời” được sử dụng với tần số cao như hiện nay. Tiếng Việt trước kia có ba từ chỉ mức độ cao thường được sử dụng là “rất, quá , lắm”, còn bây giờ lại thêm “ cực, cực kỳ”. Rồi “trên cả tuyệt vời, bá đạo, vãi”… Hoặc, nếu theo truyền thống thì “vua, vương, hoàng hậu” mỗi thời chỉ có một nhưng nay lại còn có “vua bóng đá, nữ hoàng nhạc nhẹ, ông hoàng nhạc Pop…”, GS.TS Nguyễn Văn Khang nêu.
Hay với cách sử dụng đầy “linh hoạt” với chữ “tặc”, vốn có nghĩa Hán Việt là kẻ cắp, kẻ trộm và chỉ xuất hiện trong từ mượn nguyên khối ở tiếng Việt là “hải tặc”, nay có hàng loạt “biến thể” như “cát tặc, game tặc, cẩu tặc, sưa tặc, đinh tặc… “Cứ đà đó, theo dự đoán của tôi, hoàn toàn có thể có cả… “tình tặc”…”, ông Khang hài hước.
Đáng lo ngại là những cách sử dụng tùy tiện, dễ dãi đó không chỉ có trong ngôn ngữ thường ngày mà còn như một sự định hướng khi chúng đàng hoàng xuất hiện ngay trong nhiều bài báo, chương trình truyền hình. Chẳng khó khăn để tìm kiếm những bài viết, thậm chí ngay từ tít bài đã lẫn lộn nửa Tây, nửa ta. Các từ , cụm từ như “hot boy, hot girl, PR, MC, catwalk, designer…” tràn lan trong nhiều bài báo, bất chấp độc giả có hiểu và chấp nhận hay không.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Khang, tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông hiện đang có sự “xung đột” giữa những biến thể ổn định. Đã có Ý lại có Italia; đã có Mạc- Tư- Khoa lại có Mát- xcơ-va, Moscow; ông bố là Kim Nhật Thành nhưng con trai lại là Kim Châng In/ Kim Jong Il/Kim Jong- il mà không gọi Kim Chính Nhật. Đối với từ ngữ mượn, đã có Thế vận hội lại có Olympic, đã có dưỡng khí lại có cả ôxy…
PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng cảnh báo trước thực tế lớp trẻ, kể cả nhân viên văn phòng và một số người đã ở tuổi trưởng thành sử dụng tùy tiện ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói trên mạng xã hội, trong “thế giới ảo” vào mọi tình huống của cuộc sống hằng ngày. “Chê” thành “cá chê”, “Chào em” thành “2 e!”, “Chính xác” thành “9xac”. Ông Phạm Văn Tình cho rằng, nếu cứ đà tùy tiện như vậy kéo dài có thể khiến nhiều người gặp khó khăn trước những yêu cầu tưởng chừng rất sơ đẳng là viết đúng chính tả, đặt câu đúng ngữ pháp.
“Thời trang, phá cách” làm suy yếu tiếng Việt
Không ít bài báo giật tít, dùng từ ngữ mạnh nhưng hoàn toàn không đúng, thậm chí sai lệch với tính chất của sự việc. GS. TS Nguyễn Văn Khang bày tỏ lo ngại trước xu hướng sử dụng ngôn ngữ “thời trang, phá cách” của nhiều người viết báo đang dẫn đến nguy cơ làm suy yếu tiếng Việt trên truyền thông. Theo ông, những người làm truyền thông luôn phải đứng trước sự lựa chọn không đơn giản, đó là chọn ngôn từ cũ, cách viết cũ, mô hình giao tiếp quen thuộc, tuy an toàn nhưng lại gây cảm giác sáo mòn, bảo thủ và ngược lại, sáng tạo ngôn từ mới thì dễ bị coi là dùng sai, thậm chí bị quy chụp là “làm hỏng tiếng Việt”.
Nhiều chuyên gia ngôn ngữ cũng thẳng thắn, không ít nhà báo, phóng viên coi việc sử dụng ngoại ngữ trong bài viết là cách để thể hiện “trình độ”, phô diễn khả năng, đẳng cấp. Tâm lý sính ngoại, pha trộn Anh- Việt khiến nhiều bài báo, nhiều chương trình truyền hình trở nên lố bịch. PGS.TS Nguyễn Trường Lịch, Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội cho rằng, “việc làm mới tiếng Việt không đúng lúc, đúng chỗ , chẳng khác nào đã làm nhem nhuốc tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ”. PGS.TS Nguyễn Thành Lợi (Tạp chí Người làm báo) lại gọi ngôn ngữ mà giới trẻ sử dụng để giao tiếp hiện nay là “ngôn ngữ thời a còng”, và dù bao biện như thế nào thì hiện tượng này vẫn ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt. Nhiều ý kiến cũng khẳng định, nếu không có những giải pháp phòng ngừa, hạn chế và kịp thời khắc phục thì nguy cơ sẽ còn có nhiều hơn nữa những hành vi sai trái, “mắc nợ” với tài sản vô giá của dân tộc là tiếng Việt.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, TGĐ Đài TNVN, tính thông dụng đòi hỏi ngôn ngữ báo chí phải sử dụng từ ngữ, cách viết câu, diễn đạt sao cho dễ hiểu, gần với ngôn ngữ đời thường. Cách viết “hàn lâm” kinh viện sẽ rất khó đi vào công chúng rộng rãi. Nhiều từ mới trong thời kỳ đất nước ta đổi mới, hội nhập có ngữ liệu thu thập được chủ yếu qua kênh báo chí. Trong thực tế, một khối lượng từ vựng không nhỏ được bổ sung qua giao tiếp thường ngày và được báo chí ghi lại, phản ánh chân thực, sống động. Ở góc độ đó, báo chí như một người “thư ký” âm thầm và trung thực ghi nhận những đổi thay của cuộc sống, trong đó có ngôn ngữ.
Nhưng cũng theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, bên cạnh những đóng góp của báo chí vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển tiếng Việt thì trong những năm qua còn có nhiều vấn đề liên quan đến ngôn ngữ báo chí khiến dư luận lo lắng. Những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí, truyền thông sẽ tác động tiêu cực, nhanh chóng và rộng khắp đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ, nhiều khi thành hiệu ứng lan truyền. Trước thực tế này, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, tư vấn việc sử dụng tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, cần hoàn thiện luật pháp, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt để tiến tới xây dựng bộ luật tiếng Việt. Bên cạnh khen thưởng những tập thể, cá nhân nỗ lực trong công tác này cũng cần chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh những hành vi sai trái, lệch lạc.


Phương Anh
 

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top