Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Văn giới  Hà Nội, một năm nhìn lại

Thứ Hai 24/12/2018 | 10:16 GMT+7

VHO- Năm 2018, năm thứ hai hoạt động của Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội (Hội NVHN) khóa XII; vẫn là năm vô cùng khó khăn cho hoạt động của hơn 600 hội viên do cơ chế hoạt động không độc lập. Nhưng về cơ bản, Ban chấp hành Hội NVHN là một tập thể dân chủ, tôn trọng sự khác biệt, thống nhất hành động và gắn kết với hội viên bằng tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề.

 Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Nguyễn Thị Thu Huệ trao giải thưởng cho tác giả đoạt giải

 Trong năm 2018, Hội vẫn duy trì được kế hoạch công tác đã đề ra, tổ chức các buổi tọa đàm văn học, các chuyên đề mở rộng hàng tháng cho các hội viên, nhằm cung cấp các thông tin về tình hình văn hóa và đời sống xã hội, trao đổi thông tin và nghiệp vụ sáng tác, các vấn đề mà các nhà văn quan tâm. Có những chuyên đề rất bổ ích như: Vấn đề biến đổi khí hậu, lún sụt ở đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề tụt đáy các dòng sông (do khai thác cát và biến động dòng chảy) gây lở đất hoặc thiếu nước, làm nhiều dòng sông chết như sông Đáy, sông Nhuệ… ở Hà Nội.

Xuân 2018, lần đầu tiên Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tốt Ngày thơ Việt Nam, rằm Nguyên Tiêu tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; phối hợp với Khoa Viết văn - Báo chí của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội mở lớp bồi dưỡng Sáng tác và Thẩm bình văn học ngắn hạn rất thành công. Cũng trong dịp này, Hội vận động xã hội hóa tổ chức thành công đêm thơ, nhạc phổ thơ trong Hội chợ sách Hà Nội (sân Hoàng thành) và chào mừng 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Đặc biệt, Hội đóng góp thêm ngân sách để tổ chức trại viết cho 30 nhà văn, trong 15 ngày tại Nhà sáng tác Tam Đảo. Những chuyến đi thực tế ngắn ngày được tổ chức là dịp để các Hội viên chia sẻ kinh nghiệm sáng tác. Hiện Hội đang cải tiến và chạy thể nghiệm Trang tin tổng hợp (online): nhavanhanoi.vn để sang năm 2019 có thể xin phép chính thức hoạt động.

Công tác kết nạp hội viên hằng năm cũng thường được người trong giới ở Hà Nội quan tâm. Hội NVHN đã xem xét, bỏ phiếu kết nạp được 34 hội viên mới (8 hội viên Văn xuôi, 23 hội viên Thơ, 2 hội viên Văn học dịch, 1 hội viên Lý luận phê bình), trong đó có 3 hội viên mới, đã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (Phan Đình Minh, Như Bình, Cầm Sơn). Nhưng hội viên mới luôn “khan hiếm” các tác giả trẻ, hầu hết các hội viên kết nạp năm nay là lớp nhà văn đã 60, 70 tuổi; chỉ có 6 nhà văn thuộc thế hệ 7 X. Đây là một băn khoăn lớn cho đội ngũ sáng tác văn học Thủ đô, bất kỳ nền văn học nào cũng trông đợi vào lớp trẻ. Lớp trẻ là đội ngũ những người kế cận, là tương lai của văn học Thủ đô. Nhưng lớp trẻ ngày nay ít hào hứng với văn học và không mặn mà “lĩnh” trách nhiệm ngòi bút sáng tạo với thành phố của mình. Điều đó cũng thể hiện ngay trong các buổi tọa đàm hoặc nói chuyện chuyên đề hàng tháng của Hội, chủ yếu là các nhà văn thế hệ 60, 70… tuổi tham gia, thế hệ 7 X trở ra hầu như vắng bóng.

Tình hình sáng tác văn học và tác phẩm văn học vẫn là mối quan tâm hàng đầu của giới văn học và sáng tác văn học Hà Nội, văn học cả nước. Không ít người hỏi, có phải phong trào sáng tác quần chúng thì đi lên, sáng tác “chuyên” thì ngày càng đi xuống chăng? Đó là câu hỏi khó trả lời và cũng buồn lòng cho những ai thực sự quan tâm đến tình hình sáng tác văn học hiện nay, trong đó giải thưởng văn học hàng năm bao giờ cũng được trông đợi nhất, và là một kênh để đo đếm tình hình sáng tác, chất lượng nghệ thuật của tác phẩm văn học.

Năm 2018, Hội đồng Văn xuôi đã đọc 14 cuốn sách, sàng lọc và tập trung

 vào những cuốn sách nổi trội hơn: Ngày mai sương muối, tiểu thuyết của Trương Tư Tần Quỳnh; Cuộc cờ, tiểu thuyết của Phạm Quang Long; Chuyện ngõ nghèo, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh; Thời tôi sống (tác giả không xác định thể loại) của Trần Mai Hạnh. Nhưng sau nhiều cân nhắc, với những lý do khác nhau, Hội đồng Văn xuôi không tiến cử cuốn nào vào vòng chung khảo. Hội đồng Lý luận phê bình, sau khi đọc kỹ cũng không tiến cử tác phẩm nào. Hội đồng thơ, đọc sàng lọc 50 tập thơ gửi dự giải và tiến cử hai tập thơ khá hơn cả: Thức cùng sen trắng của Bế Kim Loan, Chấm nhỏ của Lê Nguyễn Yên Phong ; Hội đồng Văn học dịch tiến cử hai cuốn tiểu thuyết nước ngoài: Diệt vong của Thomas Bernhard, do Hoàng Đăng Lãnh dịch (tác giả dịch đang sống ở Đức); Chốn cô độc của linh hồn, của Yiyun Li, do Khánh Trang dịch.

Và thật đáng tiếc, sau một năm chờ đợi, giải thưởng Văn học của Hội NVHN lại chỉ có tiểu thuyết Diệt Vong (Văn học dịch) được trao giải thưởng chính thức. Ban chấp hành cũng nhất trí trao giải Thành tựu Văn học trọn đời cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Nhìn lại một năm, trong điều kiện tài chính phụ thuộc và vô cùng khó khăn, Hội cần có một tài khoản riêng để mở rộng hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu xã hội để có ngân sách tăng cường hoạt động, đầu tư và hỗ trợ cho sáng tác, in ấn những tác phẩm văn học có chất lượng nghệ thuật cao nhưng cũng chưa được phép, lại càng trở nên bí bách hơn. Dù vậy, sau một năm công tác, mỗi thành viên các Hội đồng nghệ thuật, Ban chấp hành đều đã nhiệt thành, làm tròn trách nhiệm công tác của mình. Có những việc thành công ngoài dự kiến của Hội. Nhưng điều đáng quan tâm nhất, về phát triển Hội, là làm thế nào để có nhiều tác giả trẻ, sung sức tăng cường cho đội ngũ của mình; về văn học, làm thế nào để có nhiều tác phẩm có chất lượng tốt viết về Hà Nội, viết về cuộc sống, con người hiện nay. 

 Nhà thơ TRẦN QUANG QUÝ, Phó Chủ tịch thường trực - Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Hà Nội

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top