Điện ảnh, kịch nói tưng bừng sáng đèn mùa Tết

VHO - Chưa có mùa Tết nào như năm nay, hoạt động Kịch nói, Điện ảnh lại xôm tụ như vậy. Nếu như Điện ảnh phục vụ khán giả đến 4 bộ phim thì kịch nói cũng có hàng chục vở diễn. Điều này cho thấy sức lao động mạnh mẽ của các nghệ sĩ, nhà sản xuất; đồng thời công chúng cũng có cơ hội được thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật và đưa ra lựa chọn phù hợp với sở thích cá nhân…

Điện ảnh, kịch nói tưng bừng sáng đèn mùa Tết - Anh 1

 Phim Tết “Sáng đèn” xoay quanh câu chuyện về thịnh - suy, giao thời của Cải lương và những gánh hát lưu diễn khắp miền Tây

Phim Tết không nhiều màu sắc nhưng có thông điệp

Rạp Tết năm nay phục vụ khán giả 4 bộ phim: Mai, Gặp lại chị bầu, Sáng đèn Trà, bắt đầu từ Mùng 1 Tết Nguyên đán. Nhìn chung, các tác phẩm có sự đầu tư về tuyến nhân vật, bối cảnh, tạo cảm xúc cho người xem. Màu sắc chung trong đa số tác phẩm là sự hoài niệm, hồi tưởng, chạm vào trái tim người xem với những buồn vui lẫn lộn cùng nhân vật. Câu chuyện của Gặp lại chị bầu có yếu tố xuyên không, đưa khán giả về thời điểm năm 1997. Còn phim Sáng đèn lấy bối cảnh thập niên 90 đến đầu những năm 2000, kể về gánh hát cải lương Viễn Phương. Bối cảnh trong Mai được thiết kế gợi nhớ về nhiều thập niên trước, tạo hình nhân vật theo lối xưa. Phim Trà nói về những mảng xám trong cuộc sống hôn nhân với chuyện tình tay ba; nhân vật “trà xanh” được xây dựng nhiều nét giống với hình ảnh Lolita kinh điển của điện ảnh Mỹ năm 1997.

Nói như vậy, dường như các phim trùng hợp với cách tiếp cận theo lối xưa, mang tâm lý phù hợp với “gu” của lớp khán giả trưởng thành, trung niên… Các phim không có nhiều đột phá, không có đề tài mới nhưng đổi lại cách thể hiện chắc tay, có câu chuyện và thông điệp, có yếu tố bất ngờ và pha chút hài hước, cũng có những điều khiến người xem rơi nước mắt.

Cả 4 phim Tết năm nay không có diễn viên mới, nhưng người xem nhìn thấy một vài sự “lột xác” tưởng chừng đã định hình phong cách trong vài phim trước đó của họ. Sau thành công trong Nhà bà Nữ, Uyển Ân trong Mai gây bất ngờ khi vào vai một người đồng tính nữ với tính cách cứng rắn, mạnh mẽ khác xa với hình ảnh nữ tính ngày nào trong Nhà bà Nữ.

Với Gặp lại chị bầu, người xem ngạc nhiên khi thấy Diệu Nhi thoát khỏi hình tượng “lầy lội” quen thuộc. Trong tạo hình đặc trưng thời thập niên 90, cô hóa thân thành một thiếu nữ dịu dàng, bí ẩn, điềm tĩnh nhưng khi làm mẹ rất quyết liệt, cứng rắn. Nhiều phân đoạn, cô khiến người xem khóc, cười cùng nhân vật. Bạch Công Khanh và Lê Phương vào vai đào, kép của đoàn hát trong Sáng đèn, cả hai lần đầu trổ tài hát Cải lương ngọt lịm trên phim, ngoài ra, động tác vũ đạo của họ cũng khá đẹp mắt. Còn trong Trà, các diễn viên được bàn tay đạo diễn Lê Hoàng biến hóa cũng có những hóa thân mới mẻ hơn, song sự cách tân vẫn tạo được dễ chịu, “đồng thuận” từ khán giả…

Điện ảnh, kịch nói tưng bừng sáng đèn mùa Tết - Anh 2

Poster vở ca kịch “Tình sử Thăng Long”

Đa dạng màu sắc kịch Tết

Mùa Tết này, giới sân khấu và khán giả đều khá bất ngờ khi có đến gần 15 đơn vị nghệ thuật ra quân và đầu tư dàn dựng gần chạm đến con số 30 vở diễn, gấp đôi mùa Tết trước. Số lượng tác phẩm cũng đa dạng nội dung, chủ đề, chứ không chỉ có kịch hài. Các sân khấu kín lịch diễn từ Mùng 1 đến Mùng 9, hầu hết hai suất/ngày.

Sân khấu Trương Hùng Minh của diễn viên Minh Nhí diễn các vở Truy lùng thái tử, Lẹ lẹ trễ phà và Lụa máu. Sân khấu kịch Thiên Đăng có các vở Ngũ quý tương phùng, Nội tình của ngoại tình, Duyên thệ, Ngôi nhà trong mây. Đặc biệt, Sân khấu Hồng Vân có vở Tình sử Thăng Long diễn ra trong hai ngày Mùng 6, Mùng 7 tại Nhà hát Bến Thành đang được nhiều khán giả chờ đợi. Ngoài vở này, Hồng Vân còn có hài kịch Hậu cung ngoại truyện. Sân khấu Hoàng Thái Thanh có Lạc ở đáy sông Lồng sắt đều có sự tìm kiếm đề tài và cách thể hiện khá độc đáo…

Sân khấu Thế Giới Trẻ khai thác “trai đẹp” trong vở Mỹ vị nam vương, tâm tình người đồng tính trong Bóng đàn ông. Ngoài ra, sân khấu này còn có các vở Ở đây ai tỉnh, Tâm ma, Chuyện tình Bangkok. Sân khấu truyền thông Khang trình làng gương mặt đạo diễn mới là nghệ sĩ Hoài Linh với kịch Xuân... dữ chưa?… Sân khấu Idecaf (đổi tên thành Nhà hát kịch Idecaf) mặc dù có những xáo trộn nội bộ và “thay máu” diễn viên nhưng vẫn sáng đèn thường xuyên. Đặc biệt, nhiều điểm diễn mới như Nhà hát Thanh Niên, Nhà hát Nụ Cười, Nhà hát Rồng Vàng… ra đời, vì thế số lượng kịch mới Idecaf mang đến mùa Tết năm nay lên tới 7, 8 vở, trong đó có các vở như Tấm Cám đại chiến, Vàng ơi là vàng (Nhà hát kịch Idecaf), Đại hội yêu quái - 7 con yêu nhền nhện (Nhà hát Thanh Niên).

Sân khấu kịch Tết cho thiếu nhi được đánh giá là sôi động nhất trong những năm qua. Bắt đà năm trước, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (5B) tiếp tục tung ra sản phẩm phục vụ khán giả nhí như Thế giới đồ chơi và câu chuyện Chú bé rồng với sự tham gia của kép Cải lương Võ Minh Lâm; Đại náo Long cung; Bộ lạc nanh trắng. Sân khấu kịch Quốc Thảo ngoài kịch người lớn cũng từng bước gây dựng kịch thiếu nhi với Vùng đất diệu kỳ để diễn trong Tết. Đặc biệt, sân khấu kịch mới toanh Ban Mai sẽ xuyên suốt Tết phục vụ khán giả vở kịch Rago - Hành trình đầu tiên; vở diễn quy tụ nhiều nghệ sĩ sân khấu tên tuổi như Trịnh Kim Chi, Hữu Quốc, Phi Phụng, Phương Bình, Quách Ngọc Tuyên…

Điện ảnh, kịch nói tưng bừng sáng đèn mùa Tết - Anh 3

Sân khấu kịch mới toanh Ban Mai sẽ xuyên suốt Tết phục vụ khán giả vở kịch thiếu nhi “Rago - Hành trình đầu tiên”

Sử Việt làm mới sân khấu

Nếu như thời gian qua, giới làm nghề và cả khán giả bày tỏ lo lắng khi thấy sân khấu bị lấn át bởi các tuồng tích không thuần Việt, dẫn đến việc phai nhạt lịch sử - văn hóa dân tộc, thì tín hiệu vui là thời gian gần đây, đặc biệt trong dịp Tết này, nhiều tác phẩm mới ra mắt có nội dung, đề tài sử Việt đồng thời chứa đựng những thông điệp thời sự. Với cách dàn dựng đầy mới lạ, hấp dẫn, hứa hẹn sẽ mang đến cho giới mộ điệu màu sắc tươi mới trong dịp xuân mới Giáp Thìn.

Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM vừa phúc khảo vở Lê Đại Hành Hoàng đế (tác giả: Đăng Minh, chuyển thể Hát bội: NSƯT Linh Hiền, đạo diễn: NSND Nguyễn Hoài Huệ). Trước đó, nhà hát cũng đã phúc khảo vở Anh hùng (tác giả: Vương Huyền Cơ, chuyển thể Hát bội: NSND Hữu Danh, đạo diễn: Hoàng Vũ), nói về Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Đáng chú ý, đoàn Đồng Ấu Bạch Long đã đầu tư vở Xuân về trên đất Thăng Long với kịch bản được NS Bạch Long viết từ ý tưởng vở Thanh gươm nữ tướng, ngợi ca nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân. NS Bạch Long đã thêm nội dung, tạo đất diễn cho các nghệ sĩ, diễn viên trẻ trong các vai anh hùng thời Tây Sơn.

Ngay từ sớm, Dự án ca kịch sử Việt Tình sử Thăng Long (đạo diễn: Hoàng Hải) được cảm tác từ kịch thơ Công chúa Ngọc Hân (tác giả Lưu Quang Vũ), của Sân khấu kịch Hồng Vân và Công ty giải trí Kim Tử Long hợp tác thực hiện đã thu hút sự quan tâm của khán giả yêu kịch Tết. Vở quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Trinh Trinh, NS Hoàng Sơn, NS Bình Tinh... Chia sẻ về vở diễn thuộc một địa hạt khá mới mẻ là ca - kịch, NSƯT Kim Tử Long thổ lộ, anh không ngại vì các vở sử Việt trước đây anh dàn dựng đều được khán giả đón nhận nhiệt tình. Trước đó, ở lĩnh vực Cải lương, Kim Tử Long đã thực hiện một số vở sử Việt như Rạng ngọc Côn Sơn, Má hồng soi kiếm bạc…

Trao đổi với Văn Hóa, soạn giả Hoàng Song Việt cho biết, dù chưa có dịp xem tất cả các vở diễn mùa Tết năm nay, nhưng số lượng tác phẩm được đầu tư dàn dựng công phu đã cho thấy không khí sân khấu rất xôm tụ. Những vở diễn không chỉ để phục vụ khán giả những ngày Tết mà còn kỳ vọng sẽ thu hút người xem đến rạp sau đó nữa. 

 THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc