Sử Việt lên sàn diễn Tết

VHO - Đề tài lịch sử luôn có sức hút đặc biệt với sân khấu Kịch, Cải lương, Hát bội… Thế nhưng trong thời gian qua, giới chuyên môn cũng như công chúng yêu nghệ thuật luôn trăn trở khi sàn diễn tràn ngập các tuồng tích ngoại lai. Để lấy lại niềm tin với khán giả, nhiều vở diễn mang đề tài sử Việt đã và đang được các sân khấu dàn dựng, tập luyện để trình làng trong mùa diễn Tết Giáp Thìn với nhiều hy vọng mở ra.

Sử Việt lên sàn diễn Tết - Anh 1

 Tạo hình ấn tượng của các nhân vật trong vở “Tình sử Thăng Long”

 Những tín hiệu vui

Không ít người xem đã quay lưng với sân khấu kịch bởi họ không biết đâu là hư cấu, đâu là “giải thiêng”, đâu là lịch sử, đâu là nghệ thuật... Thậm chí, nhiều người bức xúc khi ở một số tác phẩm, các vị anh hùng dân tộc, nhân vật lịch sử được tôn vinh lại bị xuyên tạc, bôi nhọ! Không thể để tình trạng này kéo dài, nhiều sân khấu đã mạnh tay đầu tư cho các vở diễn mang đề tài sử Việt trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Theo đó, dù tới mùng 6, 7 Tết Nguyên đán, vở Tình sử Thăng Long (biên kịch và đạo diễn Hoàng Hải) mới công diễn tại Nhà hát Bến Thành, nhưng ngay từ tháng 11-12.2023, không khí sàn tập đã nóng lên từng ngày. Bởi lẽ vở diễn lần này có sự “bắt tay” đầy ăn ý của NSND Hồng Vân và nghệ sĩ Kim Tử Long. Cả hai đã từng phối hợp dàn dựng thành công nhiều vở lịch sử như: Nỏ thần, Rạng ngọc Côn Sơn, Má hồng soi kiếm bạc… Thế nên, Tình sử Thăng Long được kỳ vọng sẽ tạo nên sự khác biệt trong làng sân khấu dịp Tết. Theo tiết lộ của ê kíp, vở diễn được phóng tác từ kịch bản Công chúa Ngọc Hân của cố tác giả Lưu Quang Vũ, hình tượng nàng công chúa đa tài, đa đoan sẽ được hiện lên sắc nét, có chiều sâu như một kỳ nữ văn võ song toàn.

Cũng trong tháng 2.2024, Nhà hát Kịch IDECAF sẽ công diễn vở kịch lịch sử Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Hoàng Duẩn); Trần Thủ Độ - Anh hùng và gian hùng (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt) và Nữ đại đế Mê Linh theo (tác giả: Vũ Minh - Bạch Long). Bên cạnh các vở sử Việt kể trên, Nhà hát Kịch IDECAF cũng phối hợp với Đồng Ấu Bạch Long dàn dựng vở Xuân về trên đất Thăng Long, được biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Nón Lá (Cung Văn hóa Lao động TP.HCM).

Không chỉ với kịch nói, sân khấu Cải lương, Hát bội cũng rộn ràng không kém với những vở diễn mang đề tài lịch sử. Cụ thể, vào ngày 27.1 vừa qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã chính thức công diễn vở Khúc tráng ca thành Gia Định nói về nhân vật anh hùng Võ Duy Ninh (tác giả: Phạm Văn Đằng, biên tập: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ). Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM cũng vừa phúc khảo xong vở Lê Đại Hành hoàng đế (tác giả: Đăng Minh, chuyển thể Hát bội: NSƯT Linh Hiền, đạo diễn: NSND Nguyễn Hoài Huệ), lấy dấu mốc khi Đinh Tiên Hoàng băng hà, ấu quân còn nhỏ tuổi, dẫn đến việc đất nước loạn lạc. Cùng với đó, một số vở diễn khác cũng đang được các sân khấu chuẩn bị và sắp cho “ra đời” trong thời gian tới.

Có thể thấy, sự xuất hiện các vở diễn mang đề tài lịch sử trong dịp Tết Nguyên đán 2024 là điều rất đáng mừng. Bởi lẽ, các ông bà bầu đã thật sự mạnh dạn khi đầu tư vào đề tài này, thay vì kịch tâm lý xã hội, hài kịch, kịch thiếu nhi… như mọi năm. Song song đó là tinh thần làm nghề say mê, nhiệt huyết, năng động, tích cực, chú trọng chất lượng của các nghệ sĩ lão làng cùng thế hệ trẻ để không phụ lòng tin yêu của khán giả.

Còn nhiều điều khó

Việc cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật mang đề tài lịch sử luôn là điều khó, không chỉ với các loại hình nghệ thuật truyền thống mà ngay cả phim ảnh hiện đại cũng rơi vào cảnh tương tự. Kịch bản Cải lương lịch sử mới sáng tác khan hiếm đến mức báo động, đòi hỏi các kịch bản cũ, đã nổi tiếng phải được đầu tư dàn dựng, tái dựng với phiên bản mới để thu hút công chúng, thay vì cứ diễn đi diễn lại một màu như đã từng. Qua câu chuyện nội dung là đến cái khó của hình ảnh, ngoài việc dàn diễn viên phải nhập vai tốt thì còn cần cảnh trí đẹp, âm nhạc, phục trang, kỹ thuật công nghệ đảm bảo để hỗ trợ diễn xuất.

Đặc biệt, phục trang đẹp là yếu tố thu hút khán giả đầu tiên và cũng là điều khiến họ không ngại rút “hầu bao” để được thưởng thức vở diễn. Có thể kể đến vở Tình sử Thăng Long, ngay từ khi công bố tạo hình các nhân vật với phần trang phục đẹp mắt, giới mộ điệu đã đứng ngồi không yên. Cho đến hiện tại, có thể nói đây là dự án sân khấu quy mô nhất trong mùa Tết Giáp Thìn 2024.

NSND Hồng Vân cho biết, phần phục trang chính là là điểm nhấn đặc biệt của vở: “Từ Ai tư vãn - Uẩn khúc Ngọc Hân, “phiên bản sinh viên” của Tình sử Thăng Long, chúng tôi đã hợp tác với thương hiệu Việt phục Hoa Niên. Họ là những người trẻ đam mê tìm hiểu và mong muốn đưa cổ phục Việt trở lại với đời sống. Lần đồng hành này yêu cầu lại càng cao hơn. Toàn bộ phục trang của Tình sử Thăng Long đều được may mới, vừa bám sát lịch sử, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ sân khấu”. Bên cạnh đó, theo NSND Hồng Vân, khó khăn nhất luôn phải nhắc đến là kinh phí, làm kịch lịch sử tốn kém hơn nhiều so với kịch hiện đại. Tuy nhiên, sân khấu không được đổ lỗi cho việc tốn kém để làm qua loa, mà phải làm sao để vừa đảm bảo tính đúng đắn về mặt sự kiện lịch sử, vừa phải đảm bảo độ hấp dẫn cho người xem về mặt nội dung lẫn hình ảnh. Dẫu khó là thế, nhưng các sân khấu đã, đang và vẫn nỗ lực cố gắng hết mình với từng vở diễn.

Song song niềm vui với sự “nở rộ” của các vở diễn mang đề tài lịch sử gần đây, thì việc học sinh khối THPT của The Dewey Schools (Hà Nội) triển khai ý tưởng tái hiện câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân dưới hình thức kịch sân khấu cũng là một điểm sáng. Được biết, điểm nhấn đặc biệt là kịch bản được chuyển thể và biểu diễn bằng tiếng Anh. Qua đó, các em mong muốn được góp phần mang sử Việt đến gần hơn với cộng đồng quốc tế tại trường, là các học sinh, phụ huynh và giáo viên đến từ 13 quốc gia trên thế giới. Hoạt động này không chỉ dừng lại ở việc các em được tiếp cận với những kiến thức lịch sử vốn khô khan trong sách trở nên trực quan, sinh động, dễ hiểu và dễ ghi nhớ hơn, thì các em còn được tiếp cận với loại hình kịch nói, qua đó dần dà tạo nên một lớp thế hệ thưởng thức nghệ thuật mới cho đất nước.

Có thể thấy, bất chấp khó khăn chung, hiện nhiều đơn vị nghệ thuật, trường học đã và đang thể hiện được sức sống mới với đa dạng loại hình trong mùa Tết Giáp Thìn. Đặc biệt, kịch sử Việt trở lại mạnh mẽ trên các sàn diễn không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị nội dung, tinh thần và tính nghệ thuật của các vở diễn, mà còn khơi gợi tinh thần yêu nước, tri ân các anh hùng lịch sử dân tộc nước nhà. Tuy nhiên, đơn vị cũng cần phải cẩn trọng và tôn trọng yếu tố lịch sử, bởi nếu làm không khéo thì sẽ “sai một li, đi một dặm”. 

BÁ TRƯỜNG

Ý kiến bạn đọc