Vở cải lương "Vì nghĩa nước non": Tiếng lòng đồng cảm với bậc hiền nhân

VHO - Vở diễn Vì nghĩa nước non của Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt đã được giới làm nghề đánh giá là một trong những tác phẩm thành công trên mọi phương diện: Kịch bản chặt chẽ, chuyển thể cải lương mượt mà, dàn dựng chắc tay và tinh tế... Nhờ vậy, dàn nghệ sĩ đoàn Nghệ thuật truyền thống của Nhà hát đã có cơ hội thăng hoa và cháy hết mình với một tác phẩm khai thác đề tài lịch sử. Vở diễn là dự án do Bộ VHTTDL đặt hàng dàn dựng.

Vở cải lương

Vở diễn ghi dấu ấn bởi phong cách dàn dựng sang trọng

Vì nghĩa nước non tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, tác giả kịch bản Trần Hồng Vân, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi đã mang đến cho khán giả câu chuyện hấp dẫn về Công chúa An Tư thời nhà Trần. Khi Tổ quốc lâm nguy, nàng đã dũng cảm hy sinh bản thân để giúp cho anh là Thượng hoàng Trần Thánh Tông và cháu là vua Trần Nhân Tông chống lại quân xâm lược Nguyên Mông. Nàng tình nguyện làm cống vật cho Trấn Nam vương Thoát Hoan để thực hiện kế hoãn binh, tạo thời cơ cho hai vua Trần củng cố lực lượng rồi phản công đánh bại quân thù. Vở cải lương không chỉ tái hiện những tình tiết lịch sử mà còn thể hiện được lòng yêu nước và đức hy sinh cao đẹp của nàng công chúa đã khép lại tình riêng, dâng trọn cuộc đời cho sơn hà xã tắc.

Chia sẻ với Văn Hóa,  NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát đồng thời là đạo diễn vở cho biết: Vở diễn là câu chuyện về công chúa An Tư, một trong hai công chúa nổi tiếng nhất trong lịch sử thời nhà Trần với cuộc hôn nhân mang tính trọng đại vì đất nước. Trong sử sách, tư liệu về An Tư công chúa không nhiều, nàng chỉ được nhắc đến với cuộc hôn nhân nhằm thực hiện kế hoãn binh với Thoát Hoan, viên tướng chỉ huy quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ 2. An Tư công chúa là con gái út của vua Trần Thái Tông, em gái vua Trần Thánh Tông và là cô ruột của vua Trần Nhân Tông. Đều là hai nàng công chúa được đưa đi hòa thân nhưng có lẽ số phận của An Tư công chúa thống khổ hơn rất nhiều so với Huyền Trân. Nếu như công chúa Huyền Trân được đưa đến Chiêm Thành lấy vua Chế Mân trong hòa bình theo hôn ước của hai nước, được phong làm hoàng phi thì An Tư được đưa đến làm phi của Thoát Hoan chỉ là một kế sách của vua Trần Thánh Tông khi Đại Việt gặp khó khăn trong buổi đầu kháng chiến. Để cứu đất nước trong lúc an nguy, công chúa An Tư đã hy sinh bản thân mình để làm cống vật kìm hãm chân quân giặc. Nàng đã được mang gả cho Thoát Hoan và ở trong lòng quân giặc, An Tư công chúa đã bí mật gửi tin tức về tình hình quân Nguyên cho nhà Trần biết để tìm cách phản kích…Đặc biệt hơn, khi nhà Trần phản công mạnh mẽ, An Tư công chúa đã biến mình thành ngọn lửa sống để dẫn đường cho quân nhà Trần biết chỗ ở của Thoát Hoan mà đến tấn công khiến cho Thoát Hoan phải trốn trong ống đồng về nước… "Là một đạo diễn nữ thiên hướng muốn tôn vinh sự hi sinh của những người phụ nữ. Dẫu ở thời đại nào cũng có những anh hùng liệt nữ biết quên mình, hi sinh. Khi xây dựng hình tượng An Tư công chúa tôi có nhiều đồng cảm khi thấy bà chịu nhiều thiệt thòi. Giữa lúc đất nước rối ren bởi giặc xâm lăng, bà là thân con gái đã dám đứng ra nhận trọng trách hi sinh tình riêng để bước vào hang hùm lấy tướng giặc. Tôi và các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam muốn gửi gắm một tiếng nói đồng cảm, chia sẻ với bậc hiền nhân”, đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai bộc bạch.

Vở cải lương

Vở diễn quy tụ những giọng ca tài năng của sân khấu cải lương

Cũng kịch bản này, nữ đạo diễn đã thành công khi dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Chèo Hà Nội với vở diễn Trung trinh liệt nữ (HCV Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V/2022 và hàng loạt giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc). Câu chuyện lịch sử hấp dẫn qua ngôn ngữ cải lương, cộng thêm tài năng của dàn diễn viên nổi trội cả thanh và sắc của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã đưa tới cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, lúc xúc động nghẹn ngào, khi lại dâng lên những tràng vỗ tay kéo dài bởi giọng hát quá ngọt ngào, sâu lắng của Thùy Dung trong vai Công chúa An Tư, Lê Trung Tuấn trong vai Trần Thông, NSƯT Mạnh Hùng trong vai Thoát Hoan, NSƯT Hồng Hạnh trong vai Cốt Đãi Tam, Văn Thuận vai Vua Trần Thái Tông...

Có thể thấy, từ hình tượng Công chúa An Tư, dàn nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thêm một lần khẳng định sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương. Đặc biệt, nữ nghệ sĩ Thùy Dung, một trong những gương mặt xuất sắc đại diện cho ngành VHTTDL tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc 2023 vừa qua, đã góp phần không nhỏ khi tạo dựng thành công hình tượng nàng An Tư tài sắc vẹn toàn. Thùy Dung đã phát huy tốt những ưu thế từ nhan sắc, giọng ca hay và phong cách diễn cải lương hiện đại, tươi mới. Những phân cảnh xúc động khi Công chúa An Tư thanh khiết bị dày vò bởi tên tướng Thoát Hoan hay cảnh An Tư tự đốt mình để trở thành ngọn đuốc sống rực lửa soi đường cho quân nhà Trần truy đuổi giặc ngoại xâm đều được cô thể hiện vô cùng xuất sắc...

Vở cải lương

Hình ảnh Công chúa An Tư tự đốt mình để trở thành ngọn đuốc sống vô cùng xúc động

Thời điểm tập vở đúng vào lúc mùa hè Hà Nội nắng nóng cao điểm, nhưng các nghệ sĩ của Nhà hát đã cùng nhau vượt khó, ngày 3 buổi vừa ca, vừa lăn lộn trên sàn diễn giữa thời tiết khắc nghiệt... Một số nghệ sĩ đã bị phù nề và xơ thanh đới như NSƯT Mạnh Hùng đã phải bơm thuốc kháng sinh trực tiếp vào họng để có thể cân đối được giọng hát cho thật chuẩn. NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát chia sẻ: “Nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là cải lương đang gặp muôn vàn những khó khăn. Nhà hát chưa có nhà hát riêng, chế độ đãi ngộ và lương nghệ sĩ quá thấp, nhưng rất may mắn là ai cũng quyết tâm trụ lại với nghề, cống hiến như những con tằm rút ruột nhả tơ. Chúng tôi tự hào vì Nhà hát vẫn giữ được dàn nghệ sĩ tài năng vừa giỏi nghề, vừa tâm huyết”.

Bằng vở diễn mới xoay quanh quãng đời đặc biệt của An Tư Công chúa, những nghệ sĩ mong muốn chia sẻ đam mê cải lương với khán giả và khẳng định không lùi bước trước sự khó khăn của nghệ thuật dân tộc trong bối cảnh mới.

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc