Triển lãm hội họa “Giờ thứ 9” của nhóm họa sĩ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

VHO - Triển lãm "Giờ thứ 9" (G9) của nhóm họa sĩ đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bày hơn 70 tác phẩm, phục vụ công chúng đến ngày 29.10, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Triển lãm hội họa “Giờ thứ 9” của nhóm họa sĩ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Anh 1

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM Trần Thanh Bình tặng hoa cho các họa sĩ tại buổi khai mạc triển lãm

Nhóm ba họa sĩ gồm Nguyễn Duy Nhựt, Nguyễn Đức và Nguyễn Thành Nhân là ba người bạn cùng trang lứa, cùng học ở Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM rồi cùng về công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hiện ba họa sĩ đều là thành viên hội đồng nghệ thuật của Bảo tàng. Tuy “cùng” nhiều thứ như thế, nhưng trong đời sống và trong nghệ thuật, họ là những cá tính hoàn toàn khác nhau. 

Chạm vào hội họa Lập thể, Nguyễn Duy Nhựt nhận thấy tạng mình hợp ngôn ngữ hội họa mạnh mẽ này, với cách nhìn, cách nghĩ mới phóng khoáng tự do, đầy biến thiên khác lạ so với những thứ đã học, đã biết trước đó... Thế nhưng, Nguyễn Duy Nhựt đã không dừng lại ở thứ Lập thể kinh điển, vốn chỉ chú trọng đến cấu trúc tạo hình, sự mô tả diễn ra trên bề mặt. Với ngôn ngữ hội họa khúc chiết và màu sắc từ rung cảm của nghệ sĩ, không lệ thuộc thiên nhiên thực tế, cũng không bận tâm đến không gian và đã có rất nhiều danh họa như những ngọn núi khổng lồ, Nhựt đã tìm đến sự kết hợp với nghệ thuật biểu hiện, tìm đến với không gian siêu thực, không gian ý niệm, sự cách điệu dân gian. . .  kết hợp nhiều để tạo nên một thứ tranh rất khác, nhiều chiều, mở ra nhiều hướng rộng, nhấn nhá rất sâu được vào chi tiết và đặc biệt nuôi dưỡng được thứ cảm xúc ẩn khuất khí lực Phương Đông, với vẻ đẹp dường như chuyển động, tùy định về không gian, lung linh lấp lánh trong màu sắc, khoan nhặt về tạo hình, hết sức thăng hoa ngẫu hứng. 

Tranh Nguyễn Đức thì luôn là sự trong trẻo, với cách nhìn hình màu vững chãi tự tin của người được đào tạo bài bản, Đức cắt gọt thoải mái trong ngôn ngữ tạo hình của mình. Tranh của Đức là sự kết hợp ngọt ngào về màu sắc, tổng thể như sự soi chiếu lung linh nhiều mặt đời sống đô thị tươi mới xung quanh, với vẻ đẹp hiện đại của con người cảnh vật. Qua cái nhìn trìu mến, Đức không chỉ mô tả đời sống, mà còn mạnh bạo cho hình ảnh đời sống như ký ức đọng lại trên các mảnh gương trong, cắt chúng rời ra, rồi đặt lại đâu đó trong tranh, tạo không gian khúc xạ một cách tài ba ngẫu hứng, rất độc đáo.

Triển lãm hội họa “Giờ thứ 9” của nhóm họa sĩ Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Anh 2

Khách tham quan xem triển lãm tại Bảo tàng vào sáng nay 25.10

Xem tranh Nguyễn Thành Nhân đợt này, ta chợt nghĩ, con người này cầm bút lên vẽ như trong tâm thế vô tư vô ưu, hình như vẽ chỉ là hành động hoàn toàn tự nhiên vô thức ngay thời điểm ấy, vẽ như chỉ để mà vẽ, thanh thản buông lòng trong cõi mộng du. Nhưng sự lãng mạn yêu đời là luôn có thật trong lòng người nghệ sĩ, để thậm chí khi nhìn một sợi dây điện trên xe máy của anh bạn đồng nghiệp, Nhân cũng nghĩ nó như một “đường tơ “kết nối rất nhiều nhân duyên, cảm xúc để có thể đưa nó vào tranh, rồi vẽ loạt tranh cho triển lãm…
 
Với triển lãm G9, nghệ thuật được thể hiện như một khu vườn của "sự thật". Các nghệ sĩ tại Bảo tàng Mỹ thuật đã dành thời gian để phát triển những "sự thật" cá nhân của riêng họ và muốn chúng ta trải nghiệm chúng thông qua triển lãm G9. Những điều họ suy nghĩ thật, họ tin thật và họ làm thật. Thời gian và kinh nghiệm đã làm cho những "sự thật" này trở nên chín muối và chân thành trong các tác phẩm. Triển lãm G9 mang đến một không gian cho tình yêu thật sự đối với nghệ thuật, nơi các hoạ sĩ bỏ qua xung đột và ganh đua xã hội để theo đuổi "sự thật" của họ, niềm tin vào giá trị đẹp và tinh thần thân thiện.

Họa sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chia sẻ: Nguyễn Duy Nhựt, Nguyễn Đức và Nguyễn Thành Nhân là ba họa sĩ đang công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Trong quá trình làm nhiệm vụ, các họa sĩ đã thể hiện được năng lực chuyên môn, đóng góp những giá trị nhất định cho việc phát triển của Bảo tàng và hoạt động mỹ thuật khu vực.

Trong dịp triển lãm lần này, các họa sĩ gửi đến cho công chúng những thông điệp tích cực trong việc cân bằng giữa cuộc sống, việc làm và niềm đam mê nghệ thuật. “Triển lãm “Giờ thứ 9” không chỉ thể hiện được năng lực làm việc của đội ngũ họa sĩ tại Bảo tàng, mà đó còn là cơ hội kết nối và giao lưu học thuật giữa các nghệ sĩ và những đơn vị cùng ngành, góp phần vào việc xây dựng và củng cố vai trò của Bảo tàng trong diện mạo của mỹ thuật phía Nam nói riêng và mỹ thuật Việt Nam nói chung”, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc