Chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế trong đào tạo mỹ thuật thời đại 4.0

VHO - Sáng nay 30.8, Hội thảo khoa học quốc tế “Đào tạo mỹ thuật trong thời đại 4.0” do Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM tổ chức nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày thành lập Trường Vẽ Gia Định - Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM (1913-2023) đã diễn ra tại Không gian nghệ thuật Nhà trường.

Chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế trong đào tạo mỹ thuật thời đại 4.0 - Anh 1

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nghệ sĩ,… trong nước và quốc tế. Ảnh: ANH MINH

PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, Hội thảo khoa học “Đào tạo mỹ thuật trong thời đại 4.0” nhằm điểm lại những chặng đường lịch sử và phát triển của Nhà trường thời gian qua; ghi nhận vai trò của Nhà trường đối với sự nghiệp đào tạo và phát triển mỹ thuật của nước nhà; trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề liên quan công tác đào tạo, hoạt động mỹ thuật trong và ngoài nước.

Đây còn là diễn đàn học thuật để các nhà khoa học, chuyên gia, nghệ sĩ, các nghiên cứu sinh, học viên trình bày, thảo luận ý kiến xoay quanh về những kết quả đạt được của Nhà trường trong suốt thời gian vừa qua, cũng như nhận định thách thức, khó khăn trong thời gian tới, qua đó cùng nhau đề xuất định hướng, kế hoạch phát triển, tiếp nối truyền thống vẻ vang trong hơn 100 năm qua của Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung xoay quanh: Vấn đề đào tạo mỹ thuật tại Việt Nam và trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; những kinh nghiệm trong công tác quản lý, hợp tác đào tạo tại các cơ sở, tổ chức giáo dục, đào tạo mỹ thuật tại Việt Nam và trên thế giới… Đặc biệt là ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học đối với đào tạo mỹ thuật; tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong đào tạo mỹ thuật, tăng cường hợp tác giữa các trường; sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp (trong nước và quốc tế) trong đào tạo mỹ thuật ứng dụng…

Theo PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật TP.HCM, nhìn từ góc độ văn hóa học kết hợp giáo dục học, các trường đại học trong đó gồm cả Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM có thể xem là những “tiểu văn hóa” của văn hóa giáo dục quốc gia cũng như văn hóa giáo dục của cả cộng đồng thế giới. Việc xây dựng và phát triển văn hóa đại học ở đây do vậy nhất thiết phải đề cao “tính chất mở” với nghĩa đó là quá trình không ngừng đẩy mạnh “giao lưu và tiếp biến văn hóa” nhằm làm cho sự nghiệp phát triển văn hóa - giáo dục của mỗi trường là quá trình không ngừng năng động tiếp thu cái mới để liên tục biến đổi về chất theo hướng ngày càng tiến bộ theo kịp với nhu cầu cuộc sống và ngang tầm thời đại. 

Chia sẻ kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế trong đào tạo mỹ thuật thời đại 4.0 - Anh 2

Các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của con người trong công tác đào tạo cũng như sáng tạo nghệ thuật

PGS.TS Vichaya Win Mukdamanee, Trưởng khoa Hội họa Điêu khắc và Nghệ thuật Đồ họa, Đại học Silpakorn, Thái Lan nhấn mạnh, Đại học Silpakorn, Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM hay các trường đào tạo nghệ thuật trên thế giới, đều lấy nghệ thuật và giữ gìn di sản văn hóa là mục tiêu đào tạo, sau đó kết nối với các ngành nghệ thuật khác để cùng nhau phát triển. “Trong thời điểm hiện nay, nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng chịu ảnh hưởng lớn từ trí tuệ nhân tạo, thế nhưng không thể phủ nhận vai trò của con người, của nghệ sĩ trong việc kết nối cộng đồng và sáng tạo nghệ thuật…”, chuyên gia cho biết. 

TS Đặng Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đào tạo trình độ đại học mỹ thuật theo kiểu tinh hoa các ngành năng khiếu đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo như: Xu thế xã hội hóa giáo dục, cạnh tranh giữa các trường đại học về năng lực quản trị, đổi mới sáng tạo, môi trường giảng dạy khơi gợi được tiềm năng sáng tạo của sinh viên, vừa giữ được bản sắc riêng đồng thời đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Việt Nam đang cùng các nước đang bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những ảnh hưởng và tác động làm trong đời sống kinh tế và xã hội. Sự xuất hiện của các công nghệ mới làm thay đổi nền tảng sản xuất dịch vụ, đặt ra những yêu cầu đối với các trường đại học tại Việt Nam nói chung và Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM nói riêng trong việc đào tạo nguồn nhân lực mỹ thuật theo nhu cầu mới của thời đại. Điều này đòi hỏi nhà trường phải không ngừng thích ứng để đổi mới hình thức và nội dung tổ chức đào tạo, đặc biệt là việc đào tạo nghệ thuật thị giác và nghệ thuật ứng dụng theo tiếp cận học tập từ định hướng và gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong xu hướng quốc tế hóa giáo dục đại học. 

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc