Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Viện Mỹ thuật 60 năm thành tựu và thách thức mới

Thứ Bảy 10/12/2022 | 14:25 GMT+7

VHO- Toạ đàm Viện Mỹ thuật  60 năm thành tựu và thách thức mới đã được Viện Mỹ thuật (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) tổ chức ngày 9.12 tại Hà Nội nhân kỷ niệm 60 năm thành lập.

Tại Toạ đàm Viện Mỹ thuật  60 năm thành tựu và thách thức

Nhìn lại chặng đường 60 năm hình thành và phát triển của Viện Mỹ thuật (1962- 2022), theo TS. Đặng Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Viện Mỹ thuật có chức năng nghiên cứu khoa học về mỹ thuật Việt Nam, nghiên cứu cơ bản về mỹ thuật cổ truyền, mỹ thuật hiện đại, mỹ thuật ứng dụng và xây dựng hệ thống tư liệu về Mỹ thuật Việt Nam. Xuyên suốt một chặng đường từ những ngày đầu thành lập, phát triển đến hôm nay, những người sáng lập và đội ngũ cán bộ thời kỳ nền móng của Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ cùng nhiều thế hệ đã say mê miệt mài, tích cực trong công tác nghiên cứu lý luận phê bình Mỹ thuật Việt Nam.

Năm 1962, Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ được thành lập, là tiền thân của Viện Mỹ thuật và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngày nay. Đây là cơ quan nghiên cứu chuyên ngành nghệ thuật duy nhất thuộc Bộ Văn hóa. Chức năng và nhiệm vụ của Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ khi ấy bao gồm nghiên cứu mỹ thuật, xây dựng viện Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia, thu thập tư liệu mỹ thuật, đẩy mạnh giao lưu với nước ngoài. Họa sĩ - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung, Viện trưởng đầu tiên đã đặt nền móng cho nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam, ông đã chỉ đạo trực tiếp trong công tác nghiên cứu của Viện và đào tạo, xây dựng được một đội ngũ nghiên cứu mỹ thuật xuất sắc thế hệ đầu tiên. Ông cũng là người sáng lập ra Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

PGS.TS Trần Lâm Biền cùng các nhà nghiên cứu của Viện trong một chuyến điền dã

Thời kỳ đầu của Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ, họa sĩ - nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Cung đã cùng các cán bộ viện đã tiến hành nghiên cứu thực địa, nghiên cứu thư tịch, tư liệu và triển khai các công tác nghiên cứu khoa học về mỹ thuật. Đội ngũ các nhà nghiên cứu trẻ khi ấy của Viện được phân bổ theo 4 nội dung chính: Phần nghệ thuật tiền sử; Phần nghệ thuật trang trí của các dân tộc; Phần nghệ thuật phong kiến; Phần nghệ thuật thủ công mỹ nghệ dân gian truyền thống.

 Ngày 24. 6.1966, Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ đã chính thức giới thiệu, khánh thành Viện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1971, Viện Mỹ thuật - Mỹ nghệ chính thức tách thành hai đơn vị độc lập là Ban Mỹ thuật thuộc Viện Nghệ thuật, trực thuộc Bộ Văn hóa và Viện Bảo tàng Mỹ thuật. Năm 1981, Ban Mỹ thuật thuộc Viện Nghệ thuật được tách thành Viện nghiên cứu Mỹ thuật thuộc Bộ Văn hóa. Đến tháng 4.1986, Viện Mỹ thuật lập thêm Ban Mỹ thuật ứng dụng chuyên nghiên cứu các vấn đề về mỹ thuật ứng dụng.

Hoạt động nghiên cứu điền dã của các cán bộ Viện Mỹ thuật

 Kể từ khi thành lập 1962- 2012, Viện Mỹ thuật luôn duy trì ba chương trình cơ bản: Điều tra; sưu tầm thông tin tư liệu; nghiên cứu phê bình lịch sử mỹ thuật. Các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, điều tra, thu thập tư liệu nhằm xây dựng và bổ sung liên tục nguồn tư liệu về mỹ thuật cổ, mỹ thuật hiện đại và đương đại. Các chuyến đi khảo sát điền dã di tích cũng như các cuộc điều tra xã hội học bám sát các hoạt động sáng tác mỹ thuật được thực hiện. Do đó, khối lượng tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu do đội ngũ nghiên cứu viên nhiều thế hệ thu thập lưu giữ rất phong phú, có giá trị khoa học và nghiên cứu.

Đến năm 2015, khi toàn bộ Viện Mỹ thuật chuyển cơ sở vật chất, đổi địa điểm làm việc từ 32 Hào Nam về Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, thì hoạt động của đội ngũ nghiên cứu viên được quy định bởi quy mô Trường, nên tính chất Viện đã có nhiều thay đổi.

 Trong 60 năm, Viện Mỹ thuật đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu có giá trị. Song song với các hoạt động công bố khoa học là các công trình, sách, đặc san, tạp chí được in ấn. Viện còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu học thuật như hội thảo, tọa đàm, có thể kể đến các  hội thảo, toạ đàm tiêu biểu như: Hình thức và chất liệu trong nghệ thuật đương đại; Sa Pa một số vấn đề nghiên cứu liên quan; Điêu khắc ngoài trời Việt Nam hiện đại; 20 năm Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới; Bản sắc Hà Nội trong văn hóa nghệ thuật thế kỷ XX, Kỷ niệm 104 năm ngày sinh Tô Ngọc Vân và 60 năm khai giảng khóa kỹ thuật kháng chiến, Mỹ Thuật thời Lý; Nghệ thuật đương đại và vai trò của người nghệ sĩ trong xã hội, Không gian văn hóa đình làng châu thổ Bắc Bộ - Vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản…

Khảo sát lấy tư liệu tại bãi đá cổ Sa Pa

Nhìn chung, từ năm 1962 đến nay, Viện Mỹ thuật đã xây dựng được hệ thống dữ liệu phong phú về mỹ thuật Việt Nam từ thời kỳ tiền sử đến hiện đại bao gồm: Tư liệu bài viết, bài dịch, bản vẽ, bản rập, các công trình nghiên cứu, nhiều ấn phẩm đã xuất bản… hiện lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Thư viện của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. “Đây là những hệ thống tư liệu mỹ thuật quý giá phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu nghệ thuật trong số đó nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học với mỹ thuật, là những tư liệu tham khảo mang tính nền tảng trong nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam và trong công tác học tập, đào tạo về Mỹ thuật...”, theo TS. Đặng Thị Phong Lan.

“Để danh đi với thực”, TS. Phạm Trung đặt tiêu đề cho tham luận của mình. Đồng thời đề cập đến nhiều khó khăn, thách thức mới đối với hoạt động của Viện Mỹ thuật trong bối cảnh hiện nay. Ông Trung nêu, việc kết hợp nghiên cứu và giảng dạy là một xu thế chung của các đại học trên thế giới hiện nay, nhưng trong trường hợp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Viện Mỹ thuật, để tạo được hiệu quả cao của sự liên kết thì quan hệ giữa Trường và Viện cần được xác định rõ ràng hơn, liên quan đến sự thay đổi mạnh mẽ, sâu sắc nếp dạy và chương trình học của trường. “Trong tình trạng xuống cấp chung của các ngành nghiên cứu phê bình văn hoá, không riêng gì Viện Mỹ thuật mà cả ngành Phê bình của Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng sa sút, ở địa hạt một cơ quan nghiên cứu, chỉ có cách chấn hưng lại công việc bằng kỷ luật lao động và tổ chức lại tinh thần nghiên cứu khoa học…”., theo TS. Phạm Trung.

Nghiên cứu viên của Viện tìm hiểu về hoa văn trên trang phục

Ths. Nguyễn Mai Loan đặt câu hỏi “Nghiên cứu, phê bình mỹ thuật sẽ ra sao?” khi đề cập đến những thách thức đang đặt ra đối với hoạt động của một đơn vị có bề dày hoạt động 6 thập kỷ. Theo Ths. Mai Loan, nghiên cứu mỹ thuật là một nghề  được cho là vất vả, phê bình mỹ thuật cũng như vậy. Niềm say mê không thôi chưa đủ để tạo ra một nhà phê bình mỹ thuật mà nó thực sự phụ thuộc vào cả môi trường tạo ra chúng. “Kỷ niệm Viện Mỹ thuật tròn 60 năm, hy vọng sẽ có giải pháp cho vấn đề nghiên cứu mỹ thuật của Viện Mỹ thuật, cũng như khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình Mỹ thuật của Đại học Mỹ thuật Việt Nam…”, Th.s Mai Loan  đề cập.

TS. Đặng Thị Phong Lan cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nghiên cứu mỹ thuật đã và đang mở rộng không gian hoạt động với nhiều đòi hỏi khắt khe của xã hội… Để Viện Mỹ thuật thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu lý luận và lịch sử nghệ thuật tạo hình Việt Nam, rất cần sự quan tâm về các chính sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học từ các cấp quản lý. “Hi vọng với đội ngũ nghiên cứu viên trẻ có trình độ, yêu nghề, với sự quan tâm sâu sát chỉ đạo và những chính sách thiết thực đến quy mô, cơ chế, hình thức hoạt động nghiên cứu khoa học về mỹ thuật gắn kết với đào tạo, sẽ tạo ra những bước phát triển tiếp theo, gắn bó với nền tảng nghiên cứu và truyền thống của các thế hệ cán bộ, nhà nghiên cứu, họa sĩ đã dày công vun đắp, xứng đáng với thành tựu của 60 năm xây dựng và phát triển của Viện Mỹ thuật", bà Lan nhấn mạnh.

BẢO PHƯƠNG; ảnh: VIỆN MỸ THUẬT CUNG CẤP

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top