Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Tranh dân gian Việt Nam: Một cuốn sách hấp dẫn

Thứ Sáu 23/02/2018 | 09:03 GMT+7

VH- Cuốn sách Tranh dân gian Việt Nam của Maurice Durand vừa ra mắt bạn đọc vào dịp Tết Nguyên đán này là một công trình rất có ý nghĩa, gợi cho chúng ta nhớ về truyền thống dân tộc, góp vào tủ sách như một bông hoa, mừng xuân Mậu Tuất.

Sách vốn được viết bằng tiếng Pháp đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp xuất bản lần đầu tiên vào năm 1960 và tái bản vào năm 2011 do GS Philippe Papin và con trai của tác giả là Marcus Durand biên soạn, bổ sung, sửa chữa.

Ấn bản Việt ngữ do Nguyễn Thị Hiệp và Olivier Tssier dịch và giới thiệu, là công trình hợp tác giữa Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp và Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM. Bộ sưu tập gồm hơn 400 bức tranh dân gian được Maurice Durand trực tiếp sưu tầmở Hà Nội và các vùng phụ cận vào những năm 40-50 của thế kỷ XX. Bản Việt ngữ đầu tiên này có một điểm mới là có thêm lời bạt của chính con trai tác giả. Marcus Durand kể những kỷ niệm xúc động về tuổi thơ gắn với tranh dân gian ở Hà Nội khi ông thường được phụ thân dẫn đi cùng để mua từng tấm tranh dân gian bày bán trong các cửa hàng hoặc bán dạo trên phố phường Hà Nội. Căn phòng nhỏ của cậu bé Marcus thuở ấy tràn ngập tranh gà, lợn, chuột mèo…

Công trình gồm phần nghiên cứu, văn bản truyện, tranh minh họa và lời bình kèm theo mỗi bức tranh. Ngoài phần dẫn nhập, sách có năm mục lớn:

Cuộc sống thường nhật và nhịp độ thiên nhiên; Tôn giáo tín ngưỡng; Tranh minh họa lịch sử; Văn học Trung Quốc và Văn học Việt Nam.

Phần dẫn nhập là một nghiên cứu chuyên sâu về quá trình làm tranh, về ý nghĩa, giá trị của từng loại tranh và về sự kết hợp các biểu tượng hội họa trong tranh dân gian. Tác giả phân tích, bình giải từng loại tranh, giải thích các mật ngữ, biểu tượng ẩn chứa qua mỗi hình ảnh. Các phần tiếp theo là những bức tranh kèm theo lời bình về cuộc sống thường ngày của người Việt ở nông thôn như các hoạt động nông nghiệp, những phong tục tập quán xưa, từ các tôn giáo lớn như Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo đến tín ngưỡng dân gian như đạo Mẫu, tranh minh họa về các giai đoạn lịch sử từ thời dựng nước đến tận thời hậu thuộc địa. Phần tiếp theo là bộ tranh minh họa kèm tiểu sử của các nhân vật lịch sử nổi tiếng Trung Quốc gần gũi với văn hóa Việt Nam. Phần cuối cùng bao gồm những bộ tranh đơn, tranh đôi, tranh tứ bình minh họa nhân vật liên quan đến những tác phẩm kinh điển của Trung Quốc và Việt Nam như Tam quốc Diễn Nghĩa, Tây du ký, Truyện Kiều, Thạch Sanh, Phạm Công Cúc Hoa, Lưu Bình Dương Lễ… Riêng phần truyện Nôm Việt Nam còn có nhiều đoạn trích nguyên bản chữ Nôm.

Ấn bản Việt ngữ Tranh dân gian ngoài ý nghĩa khoa học dành cho các nhà nghiên cứu chuyên ngành, nó còn là một công cụ giáo dục văn hóa cần thiết trong tủ sách của mỗi gia đình. Bởi vì đây là một tư liệu chứa đựng nhiều kiến thức phong phú, đa dạng và đáng tin cậy về nền hội họa dân gian, về lịch sử, văn học, văn hóa truyền thống đặc thù của dân tộc Việt Nam.

HUỲNH TIẾN HIỀN (Vigneux sur Sein, Pháp)

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top