Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Cách “trả nợ đời” đẹp đẽ của những nghệ sĩ mày râu

Thứ Sáu 14/12/2018 | 09:39 GMT+7

VHO- “Cũng thật lạ, khi ba ông Tam Đa đương đại Tam tấu trong những “Khoảng lặng” của tâm hồn thì sự hoà điệu sung mãn giàu Ngũ cung, Ngũ sắc, Ngũ hành của Phạm Luận, Vi Kiến Thành và Hoàng Phượng Vỹ, tình cờ cũng là một cách trả nợ đời đẹp đẽ trước sau của cánh nghệ sĩ mày râu...", họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn đã giới thiệu cho triển lãm “Khoảng lặng” của ba họa sĩ Phạm Luận, Vi Kiến Thành và Hoàng Phượng Vỹ.

 Tác phẩm tranh sơn dầu trên vải “Ngày thường” của họa sĩ Phạm Luận

 “Khoảng lặng” diễn ra từ 23 - 30.12.2018 tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật - Nhiếp ảnh (29 Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Yêu cuộc sống qua từng khoảng lặng

Gương mặt đầu tiên, Phạm Luận được biết đến như là một họa sĩ của Nắng, các tác phẩm sơn dầu trong không gian sáng tạo nghệ thuật của anh luôn là nắng, là ánh sáng rực rỡ của miền nhiệt đới. Người xem như muốn bước chân vào không gian hội họa của Luận để được thưởng thức, hít thở không khí lãng mạn của chủ nghĩa Ấn tượng.

Xuất hiện dày đặc trong những năm qua với vai trò Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), họa sĩ Vi Kiến Thành luôn dành cho mình những khoảng lặng riêng tư để thoả niềm yêu hội họa. Là người nhu nhuần và kín đáo, luôn tìm cách giấu mình, họa sĩ Vi Kiến Thành như con ốc thỉnh thoảng chui ra khỏi vỏ rồi nhẹ nhàng trườn lên mặt vóc để lặng lẽ làm sơn mài.

Hoàng Phượng Vỹ, ngay từ những bức minh họa báo chí đầu tiên khi chuyển từ người thơ sang vẽ tranh đã có được phong cách tạo hình riêng không trộn lẫn. Rồi cùng với rượu, Hoàng Phượng Vỹ lang thang hoan ca trong thế giới hội họa của mình.

Lời tựa triển lãm hội họa “Khoảng lặng” cũng dành nhiều mỹ từ cho cuộc chơi nghệ thuật đầy tình tứ này. Ba họa sĩ Luận, Thành, Vỹ từ những buổi gặp gỡ định kỳ và ngẫu hứng hằng tháng để giao lưu với nhau, chia sẻ những câu chuyện vui chẳng liên quan gì đến nghệ thuật, chẳng liên quan gì đến thế sự. Bởi cả ba người xác định gặp nhau để làm cho nhau vui và để thêm yêu cuộc sống, yêu nghề vẽ. Vì mỗi người đều có con đường riêng của mình trong sáng tạo nghệ thuật.

Rồi từ chuyến đi lên Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang để thoả thích ngắm nhìn mây núi nơi địa đầu Tổ quốc, ý định làm triển lãm “Khoảng lặng” của cả ba đã ra đời.

Lặng lẽ và miệt mài sáng tác, tranh của họa sĩ Cục trưởng đã hiện diện trong các bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Toà nhà Quốc hội và nhiều sưu tập tư nhân khác. Cũng từng triển lãm tại các nước Anh, Italia, Đức, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan..., nhưng họa sĩ Vi Kiến Thành chỉ thủng thẳng nói về “Khoảng lặng” của mình: “Tại triển lãm này tôi bày toàn tranh sơn mài. Những cuộc trước, hầu hết là sơn dầu. Sau triển lãm cá nhân từ năm 1995 cho đến nay tôi chỉ thường tham gia các triển lãm nhóm, triển lãm chung...”.

Dưới góc nhìn của họa sĩ Lương Xuân Đoàn, diện mạo đời thường, diện mạo nghệ thuật của anh nghệ sĩ quan chức ở triển lãm hiện lên trong những sắc màu lay động người xem tranh: “Mang nghiệp phận khó bỏ nhưng Giời thương, Vi Kiến Thành âm thầm hoá giải cái nhịp đôi nghiệt ngã kia với tâm hồn yên ả như mặt Lụa trong rồi lặng lẽ vùi hình, ủ sắc đến mềm lòng ở chất liệu sơn mài. Khi Đẹp và Buồn lúc chiều hôm sớm mai luôn cầm giữ những giây khắc vô thức thường ngày, ông thả giọng hồn nhiên giữa hoa cỏ cây mây và cùng cái tai lạ đi tìm con mắt khác đọc vị cuộc đời. Bình tâm bước chậm dù đến muộn, tranh sơn mài Vi Kiến Thành đang khẽ khàng gọi ra một thổ ngữ riêng, ấm áp và lay động những khát khao đi tìm Đẹp của bất kỳ ai ở mọi miền đất nước”.

Tác phẩm tranh sơn mài “Học thêu” của họa sĩ Vi Kiến Thành

Nhẹ nhõm vẫy vùng trên từng bức họa

“Khoảng lặng dù chỉ là món quà bình dị, thảnh thơi của ba ông Tam Đa Tam tấu khi ngày cũ, năm cũ chưa qua nhưng những con mắt mới, con mắt khác mà Phạm Luận, Vi Kiến Thành và Hoàng Phượng Vỹ vừa khai mở nơi bức họa đã lẳng lặng gọi giấc mơ xa, giấc mơ xanh cho những thập niên đầu thế kỷ nhiều ước vọng của người Việt đương đại”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn viết.

Cùng với những lay động qua ngôn ngữ sơn mài của họa sĩ Vi Kiến Thành, “duyên nắng” của Phạm Luận dù còn lưu luyến Phố như ngày nào nhưng hôm nay, họa sĩ đã cho người xem yêu hơn một Hà Nội vào đêm với con trăng xanh xoay đĩa màu lạ, một Hà Nội Trẻ của các cậu bé cô bé tuổi Teen bên Hồ Gươm, một Hà Nội tìm về miền ký ức với khoảnh khắc Giao thừa thuở ấy, hay nét đẹp xưa của người đàn bà bán muối dọc con phố vắng tươi đỏ màu cờ sáng mùng một đầu năm. Trong xúc cảm nặng tình với dân thôn bản hạt chốn Thượng ngàn và chàng trai trẻ ngư dân của biển miền Trung, Phạm Luận đã mở trang mới cho con mắt mới tới bờ hiện thực.

Phạm Luận đã tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1991. Trong triển lãm cá nhân lần 2 năm 1994, ông có dịp gặp gỡ Chủ Gallerie Lã Vọng và họ đã mời ông trưng bày triển lãm cá nhân tại Hồng Kông vào cuối năm 1994. Đây là triển lãm đầu tiên của Phạm Luận ở nước ngoài. Từ đó đến nay, họa sĩ đã có nhiều triển lãm cá nhân tại Hồng Kông, New York, London, Tokyo, Singapore... Ông có tranh trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Nhà Quốc hội. Tranh Phạm Luận cũng đã được sưu tập bởi Hoàng tử Andrew (Công tước xứ York) và nhiều nhà sưu tập tranh quốc tế.

Hoàng Phượng Vỹ, qua góc nhìn lãng đãng của họa sĩ Lương Xuân Đoàn lại hiện lên như thế này: Tươi mới con mắt thơ không có tuổi giàu nhạc cảm dân gian đương đại, Hoàng Phượng Vỹ ngả nghiêng say theo đĩa màu đa sắc, đa cảm, đa đoan mà vẫn trong trẻo thơ ngây như thiên sứ chỉ muốn xoá hình giấu tiếng khi nhất mực bảo trọng cái Đẹp tôn thiêng vẫn đang còn nơi góc khuất của con người trần thế. Vỹ đã vẽ như kẻ được duyên, càng say càng tỉnh. Và Vỹ đã cười như đời cười trong nước mắt để màu tươi tự do bay lượn cùng muôn vật tìm vui cho cõi nhân gian.

Trong hành trang nghệ thuật của mình, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ đã từng mở các triển lãm cá nhân “Tuổi thơ” tại Quê Gallery (Hà Nội) năm 2005, “Trở về” tại Hồng Kông năm 2004, triển lãm cá nhân tại Gallery 555 (Bangkok, Thái Lan) năm 2002. Hoàng Phượng Vỹ cũng tham gia các triển lãm “Giải thưởng Nghệ thuật ASEAN” năm 1998, Triển lãm nhóm ở Việt Nam, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore... 

 HOÀNG VY

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top