Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Tri kỷ của danh họa Bùi Xuân Phái nhận Giải thưởng Lớn

Thứ Sáu 31/08/2018 | 10:18 GMT+7

VH- Xấp xỉ gần 100 tuổi, chống gậy và lưng còng gập, người bạn tri kỷ của danh họa Bùi Xuân Phái, ông Nguyễn Bá Đạm đã đón nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội trong hệ thống Giải thưởng mang tên người bạn của mình: Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Lễ trao giải lần thứ 11 - năm 2018 đã được Báo Thể thao và Văn hóa và Quỹ Bùi Xuân Phái vừa mới tổ chức tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Bá Đạm và bà Nguyễn Thị Sính, phu nhân cố danh họa Bùi Xuân Phái

 Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch HĐGK Giải thưởng Bùi Xuân Phái cho biết, hạng mục Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm nay đã xướng tên ông Nguyễn Bá Đạm, con người cả đời thầm lặng để yêu Hà Nội. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhân chứng sống của đất văn vật kinh kỳ, người đã cống hiến cả cuộc đời cho văn hóa, lối sống Thủ đô.

Giải thưởng cho tình yêu thầm lặng

Sinh năm 1922 ở làng Mọc, Giáp Nhất (Hà Nội), nguyên là giáo viên dạy Sử trường Phan Đình Phùng, Nguyễn Bá Đạm là bạn tri kỷ tri âm của họa sĩ Bùi Xuân Phái, là bạn tâm giao của ba danh họa khác trong bộ tứ huyền thoại này: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng. Ông cũng chính là “người mẫu” của danh họa Bùi Xuân Phái trong 242 ký họa chân dung.

Ngoài dạy học, ông Nguyễn Bá Đạm còn đam mê sưu tầm cổ vật, nhiều nhất là tiền cổ, được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”. Ngoài tiền cổ, ông còn có thú sưu tầm những kỷ vật phong phú về các văn nghệ sĩ.

Ở tuổi rất cao (96 tuổi), ông Nguyễn Bá Đạm vẫn mẫn tiệp và tiếp tục miệt mài sáng tác. Hai cuốn sách Thuở ấy Hà Nội, Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối TK19-20 của ông được bạn đọc và giới nghiên cứu về Hà Nội thích thú vì lối viết giản dị, ngắn gọn nhưng chứa đựng rất nhiều chuyện về Thủ đô ít người được biết. Hiện ông đang gấp rút hoàn thiện bản thảo tập Hà Nội xưa kia, dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm. Đồng thời, ông Đạm còn dự định giữa năm sau sẽ in cuốn Những chuyện chưa kể về các danh họa Hà Nội, trong đó tập trung bút lực cho bộ tứ huyền thoại Nghiêm, Liên, Sáng, Phái...

“Có thể công chúng chưa biết nhiều về Nguyễn Bá Đạm với những công việc thầm lặng đó, nhưng ai biết ông đều rất ấn tượng về một “tâm hồn Hà Nội” thâm trầm, sâu sắc, với lối sống giản dị, nề nếp, lại không kém phần tao nhã, thanh lịch trong thú đam mê sưu tầm đồ cổ và giao du đầy trọng thị với các danh sĩ Hà Nội. Tâm hồn Hà Nội ấy luôn trân trọng tới từng nét văn hóa của Thủ đô, lặng thầm viết ra những cuốn sách không to lớn, đồ sộ, nhưng sử dụng rất nhiều ký ức, trải nghiệm của bản thân, để rồi với thời gian, sẽ thành ký ức của cả cộng đồng...”, nhà thơ Bằng Việt chia sẻ.

 PGS Nguyễn Văn Huy nhận Giải thưởng Ý tưởng

PGS Nguyễn Văn Huy nhận Giải thưởng Ý tưởng

Một chú ý khác trong các hạng mục Giải thưởng được trao tặng năm nay là Giải Ý tưởng được trao cho “Đề xuất bảo tồn phát huy di chỉ Vườn Chuối của PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học”. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực của các nhà khoa học trong việc bảo tồn, lưu giữ bằng chứng lịch sử của Hà Nội có niên đại 3.000 tuổi.

PGS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Tôi rất xúc động và bất ngờ được trao giải thưởng đặc biệt này. Qua đây chúng tôi mong muốn giữ gìn những bằng chứng lịch sử có 3.000 tuổi ở Vườn Chuối nằm tại thôn Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức Hà Nội, bởi đây vừa là nơi cư trú vừa là bằng chứng hiếm hoi về những cư dân đầu tiên của Hà Nội”.

Theo phác họa của PGS Huy, dựa trên các di chỉ được giữ nguyên hoặc tổ chức bảo tồn sau khi khai quật, công viên di sản Vườn Chuối sẽ là quần thể kết hợp cây xanh với những ngôi nhà nhỏ nhưng hiện đại, trưng bày một cách hấp dẫn về dấu tích cư dân đầu tiên của Hà Nội. Địa điểm này sẽ trở thành một nơi sinh hoạt văn hoá mở cho du khách cũng như cộng đồng cư dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Huy, với một tầm nhìn xa hơn nữa, khu vực công viên di sản Vườn Chuối có thể xúc tiến để trở thành một điểm du lịch gắn liền với những thiết chế văn hoá đã hình thành ở thôn Lai Xá, như Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Gallery ảnh nghệ thuật Nguyễn Anh Tuấn cùng với các di sản văn hoá sống động ở làng Lai Xá.

Năm nay, BTC cũng trao cho 2 giải Việc làm, đó là: Việc xây dựng “Phố bích họa Phùng Hưng” do UBND quận Hoàn Kiếm và Korea Foundation, UN-Habitat phối hợp thực hiện; việc hiến tặng 2 mỏ neo cổ nhiều giá trị cho Bảo tàng Hà Nội của ông Quách Văn Định. Đây là những việc làm thiết thực, thể hiện tâm huyết dành cho Hà Nội hướng tới cộng đồng. Phố bích họa Phùng Hưng cũng từng được nhận giải thưởng Cảnh quan châu Á- giải thưởng dành cho những dự án tạo dựng không gian công cộng sáng tạo.

Ở hạng mục giải Tác phẩm, hai giải thưởng được trao cho Tập thơ “Ta còn em” của nhà thơ Phan Vũ và phim “Mon Hanoi” (Hà Nội của tôi) của cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam - Jean Noel Poiriter. 

 PHƯƠNG ANH

 

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top