Lại phát hiện Hải Phòng có thêm bộ tượng kệch cỡm: "Không còn gì để nói !"

VH- Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn (Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam) bức xúc: “Không còn gì để nói!”. Là ông nhắc đến bộ tượng dị hợm với những hình thù kỳ quái, mô phỏng những bức tượng thần Hy Lạp ở một công viên tại Đồ Sơn, Hải Phòng đang khiến dư luận bức xúc trong mấy ngày qua.

Lại phát hiện Hải Phòng có thêm bộ tượng kệch cỡm: 

 Hình tượng hai vị thần được tạo hình cuồn cuộn như… “mì tôm” khiến người xem không khỏi phì cười

 Đường nét, tạo hình lại thô thiển không kém gì bộ tượng 12 con giáp đã khiến dư luận ồn ào khoảng đôi ba tháng trước, bộ tượng này cũng khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao ở những điểm đến du lịch thu hút đông đảo du khách, doanh nghiệp lại có thể thản nhiên phơi bày những thứ "rác văn hóa", thảm họa về tạo hình đến vậy?

Xúc phạm biểu tượng chuẩn mực

Đồ Sơn (Hải Phòng) thêm một lần dậy sóng dư luận chỉ trong một thời gian ngắn cũng bởi những cụm tượng mà đáng ra, chúng phải là thành tố nghệ thuật để làm đẹp những không gian văn hóa công cộng, phục vụ phát triển du lịch. Sau 12 con giáp, loạt tượng điêu khắc mô tả các vị thần trong Thần thoại Hy Lạp cùng những nhân vật hoạt hình đặt tại không gian công viên Hòn Dáu đang khiến dư luận được phen nữa ôm bụng mà cười. Không chỉ bởi những bức tượng này có tạo hình khác xa phiên bản gốc mà còn bởi những đường nét, hình khối vô cùng kỳ dị, chẳng thấy ở đâu. Nếu như trong phiên bản gốc, những bức tượng thần Hy Lạp đã được các nhà điêu khắc châu Âu tạo hình bằng các đường nét chuẩn mực, kể cả trang phục và khuôn mặt đều hiện lên nét hài hòa, thanh tú thì ở những “phiên bản lỗi” này, loạt tượng thần Hy Lạp lại khá dị hợm, vừa cứng nhắc, vừa rúm ró, tỉ lệ thiếu cân đối trầm trọng.

Đáng chú ý, trong số này có hai pho tượng nam thần, có lẽ được các nghệ nhân dự định tạo hình với tư thế đối xứng nhằm phô diễn cơ bắp cuồn cuộn và thân hình cường tráng. Thế nhưng nực cười khi sức mạnh của hai vị thần này lại được lột tả hơi… quá, khiến người xem không cảm nhận được nét đẹp hình thể chuẩn mực, trái lại còn phải phì cười bởi những đường nét cơ bắp nhấp nhô, nom chẳng khác gì gói… mì tôm (!).

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn không khỏi ngán ngẩm khi được hỏi về bình phẩm của ông trước loạt tượng đang khiến dư luận xôn xao này. “Cẩu thả! Không thể chấp nhận!”, họa sĩ nói. Theo ông, tượng những vị thần trong sử tích kinh điển của Thần thoại Hy Lạp là những biểu tượng tạo hình có kiến trúc chuẩn mực, thường được đặt trước những công trình kiến trúc châu Âu để trang trí và tạo điểm nhấn. Những bức tượng này thường được các nghệ nhân, nhà điêu khắc có tay nghề cao chăm chút tỉ mỉ, dày công chế tác, sao cho mỗi tác phẩm đều được tạo tác đẹp và tinh tế nhất.

Nhà phê bình mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cũng chia sẻ: “Tượng Hy Lạp được sáng tác theo lối tả thực mà người Việt khó mà theo được, nhất là thợ đá dân gian…”.

Có lẽ vậy mà những bức tượng “phiên bản lỗi” ở Đồ Sơn đã khiến cho du khách không thể nín cười bởi những hình thù dị hợm, khó tả mà theo họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn: “Đó là một kiểu biến tướng nguy hiểm, không được phép chấp nhận. Chưa kể, đó cũng là một kiểu xúc phạm thô thiển về bản quyền sáng tạo những chuẩn mực nghệ thuật mà các nghệ nhân châu Âu đã vất vả, dày công xây dựng”.

Lại phát hiện Hải Phòng có thêm bộ tượng kệch cỡm: 

 Rúm ró hình hài của các pho tượng

Rác thải văn hóa không thể ngang nhiên tồn tại

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn bức xúc: “Cần chấm dứt ngay những kiểu tượng kinh dị như thế này. Tượng thần Hy Lạp được sáng tác theo ngôn ngữ cổ điển, hàn lâm chứ không phải những hình hài rúm ró khiến người xem không thể nhận ra nguyên tác”.

Sau bộ tượng 12 con giáp, những bức tượng mô phỏng tượng thần Hy Lạp kiểu kỳ quái này khiến các chuyên gia đặt câu hỏi, phải chăng các nhà quản lý văn hóa ở Hải Phòng đã buông lỏng, hoặc “nới tay”, để mặc các doanh nghiệp tùy tiện phá hỏng những không gian văn hóa công cộng như vậy? Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, các cơ quan chức năng ở Hải Phòng thậm chí còn phải chịu trách nhiệm trước công luận khi để xảy ra và kéo dài những hiện tượng phản cảm nói trên. Ở góc độ thẩm mỹ, chúng đã phá hỏng hoàn toàn những giá trị chuẩn mực trong thưởng thức không gian nghệ thuật công cộng của công chúng, đặc biệt là thị hiếu thẩm mỹ của các đối tượng trẻ…”, vẫn họa sĩ Lương Xuân Đoàn.

Trong câu chuyện này, các chuyên gia văn hóa, điêu khắc, mỹ thuật cũng lo lắng khi ông chủ doanh nghiệp ở Hòn Dáu công khai thừa nhận, những bức tượng “độc nhất vô nhị” vốn đã được bày công khai đến cả chục năm. Nếu không xử lý dứt điểm thì liệu sẽ còn có bao nhiêu kiểu tùy tiện ứng xử với không gian văn hóa công cộng như thế này nảy sinh? 

 Chế tài xử lý những “biến tướng” nghệ thuật như ở Hòn Dáu dường như đang trống rỗng. Hành lang pháp lý hiện có chưa có các quy định điều chỉnh những tiêu cực nảy sinh như vậy. Cũng như nạn tranh giả, những biến tướng đến mức thành thảm họa ở các khu sinh hoạt văn hóa công cộng khiến người ta chỉ ra được mà không làm gì được. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp, đại gia lại “cậy” có hầu bao, bất chấp cả sự phản đối của dư luận để “lưu hành” những “siêu phẩm” kỳ dị, phi thẩm mỹ.

Nhưng dù thế nào cũng không thể coi việc này như một “sự đã rồi” để làm lơ, không xử lý được.

(Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn)

 

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc