Nhạc sĩ Hoàng Giác: Đã trôi về bóng ngày qua!

VH- Ngay từ thời mười tám đôi mươi, tôi đã không thích ồn ào sôi động mà lại mê những ca khúc tự sự nội tâm pha chút chất lãng mạn, nhất là cái chất lãng mạn trữ tình nhưng không quá đau khổ, không quá bi, chỉ man mác, đủ để con người ta phải cứ vấn vít, cứ cuốn suy nghĩ trôi theo lời hát. Tôi mê Ngày về của Hoàng Giác là vì những điều đó.

Nhạc sĩ Hoàng Giác: Đã trôi về bóng ngày qua! - Anh 1

“Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm...” sống trong hành trang tuổi thanh niên của tôi chỉ đơn giản là những đêm tĩnh lặng hay những buổi chiều rảnh rỗi ở trường nhạc, mấy đứa bạn cùng ngồi xúm nghe một đứa ôm cây đàn guitar cứ đủng đỉnh buông những lời ca của một niềm vui êm đềm sau những ngày biền biệt chia xa. Sau này, được nghe Ngày về trên rất nhiều sân khấu, qua nhiều giọng ca nổi tiếng và kể cả những giọng ca đầy chất nghệ sĩ nhưng hoạt động trong âm thầm không vướng vít những bận rộn của showbiz, tôi vẫn mê cái cách thưởng thức Ngày về trong một không gian nhỏ.
Vài năm trước, khi ca sĩ nhạc xưa Tuấn Hiệp còn ở Hà Nội và còn mở một phòng trà ở số 92 Trấn Vũ, anh đã biến nơi đây thành một tụ điểm sinh hoạt âm nhạc dành cho những nghệ sĩ đam mê. Tôi cũng tham dự thường xuyên những đêm nhạc ở đây với tư cách người dẫn chuyện. Những giọng ca đầy chất nghệ sĩ ngoài ông chủ phòng trà còn có Đức Long, Quỳnh Hoa, Tuyết Tuyết, Trọng Hùng... cùng với những Gửi gió cho mây ngàn bay, Thu quyến rũ, Gửi người em gái... (Đoàn Chuẩn – Từ Linh); Con thuyền không bến, Giọt mưa thu (Đặng Thế Phong); Dư âm (Nguyễn Văn Tý)... Ngày về của Hoàng Giác vẫn thường xuyên được vang lên với một giọng hát tự sự nội tâm, một cây đàn piano, một nhạc cụ gõ, một cây violon, đôi khi có thêm tiếng đàn guitar hawaii. Cộng thêm không gian là một con phố thơ mộng của Hà Nội trong một buổi tối của một ngày mùa thu, một ngày đông hay một ngày xuân man mác là đủ, là ra chất những bản tình ca trữ tình lãng mạn.
Nhạc sĩ Hoàng Giác sáng tác Ngày về vào năm 1946, trong tâm trạng của một người vì hoàn cảnh, vì thời cuộc mà phải chia xa tổ ấm. Ông viết nhân dịp đoàn tụ với gia đình. Trước đó một năm, năm 1945, Hoàng Giác sáng tác một nhạc phẩm rất nổi tiếng, nằm lòng trong trái tim những người yêu nhạc, đó là Mơ hoa. Mơ hoa được viết trên nhịp cha cha cha trẻ trung, sôi động, ca từ ngập tràn tình yêu đôi lứa: “Cô hái hoa tươi, hãy dừng bước chân, trên đường thầm xa, tôi nhắn cô em đôi lời...”. Một hình ảnh thật đẹp, cô gái trong ca khúc chắc cũng phải thật đẹp thì mới được chàng nhạc sĩ ví như những bông hoa. Đẹp tới mức tràn đầy xúc cảm để rồi tràn vào những câu hát ngập tràn yêu đương và tuổi trẻ như vậy. Tôi nhớ có lần trong một buổi diễn, ca sĩ Quỳnh Hoa đã chia sẻ, nhạc sĩ Hoàng Giác có một người vợ tuyệt đẹp, một giai nhân Hà thành. Và bà chính là cô gái trong nhạc phẩm Mơ hoa.

 

Nhạc sĩ tân nhạc Hoàng Giác hưởng thọ 94 tuổi 
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, con trai nhạc sĩ Hoàng Giác thông báo ngắn gọn: “Buổi tối 14.9.2017, nhạc sĩ Hoàng Giác đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 23h38 phút tại nhà riêng. Ông ra đi nhẹ nhàng và thanh thản, gửi lại gia đình và cuộc đời mà ông thương yêu vô vàn là hai hàng lệ vương bên khóe mắt”. 
Tang lễ nhạc sĩ sẽ được tổ chức lúc 9h30 ngày 20.9 tại Nhà tang lễ 125 Phùng Hưng, Hà Nội

Vậy nên, nếu biết câu chuyện tình yêu với một tuyệt sắc giai nhân Hà thành từ Mơ hoa (1945) với tâm trạng của một chàng nghệ sĩ trẻ phải sống xa gia đình, xa người vợ trẻ trong Ngày về (1946) sẽ càng “thấm” hơn vì sao Ngày về lại có sức lay động lòng người. Nhưng Hoàng Giác không chỉ có Mơ hoa, Ngày về, cùng với Lỡ cung đàn, ông còn có một ca khúc khác nữa, rất hay nhưng hầu như rất ít người biết đến. Ca khúc với những câu hát rất ám ảnh: “Cuộc đời còn nhiều lúc sắt se/ Tình đời gần còn có lúc xa/ Quên đi hình bóng ngày qua”. Có lẽ đó cũng là câu hát ám ảnh nhạc sĩ nhất nên ông đặt cho ca khúc cái tên Bóng ngày qua.


Dẫu không phổ biến rộng rãi nhưng hai danh ca hải ngoại Khánh Ly, Đức Huy từng thể hiện Bóng ngày qua. Ở trong nước, người đầu tiên thể hiện khi ca khúc được phổ biến là ca sĩ Quỳnh Hoa, một giọng ca đầy chất nghệ sĩ rất quen thuộc với người yêu dòng nhạc trữ tình lãng mạn ở Hà Nội nhiều năm qua. Quỳnh Hoa chia sẻ, năm 2003, khi thực hiện chương trình “Kí ức thời gian” trên VTV3, trong chương trình chân dung nhạc sĩ Hoàng Giác, nhạc sĩ Xuân Sơn đã chọn Bóng ngày qua hầu như đã không còn được biết đến ở trong nước để giới thiệu lại. Và Quỳnh Hoa chính là giọng ca may mắn được chọn thể hiện. Sau đó, năm 2008 khi thực hiện album Tango 09 Quỳnh Hoa đã tiếp tục thể hiện Bóng ngày qua.
Bản thu âm Quỳnh Hoa thể hiện trên nền điệu blue jazz mang hơi thở tươi mới hơn so với hai bản đã thu âm trước đó. Ngoài ý nghĩa nhân văn triết lý cuộc đời ở ca từ, phần âm nhạc có nhiều nốt thăng bất ngờ, ly điệu, không dễ hát dễ nhớ, nhưng đã nghe một lần là ám ảnh mãi bởi tính độc đáo, văn minh của giai điệu. Quỳnh Hoa chia sẻ: “Càng thể hiện Bóng ngày qua càng thấy kính trọng vị nhạc sĩ tài hoa mà khiêm tốn. Ca khúc viết trong tâm trạng cô đơn, mơ về một hình bóng ngày qua, một thời quá vãng vàng son nhưng lại không bi luỵ mà nhìn vào quá khứ vàng son ấy một cách than thản, nhẹ nhõm”.
Cùng là người Hà Nội, cùng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nên Quỳnh Hoa đều biết và chơi với hai người con trai của nhạc sĩ Hoàng Giác là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và Hoàng Kỳ. Từ đó mới có duyên được tiếp xúc với nhạc sĩ. Được nghe ông trò chuyện rất nhiều về âm nhạc, về các tác phẩm ông sáng tác, suy nghĩ của ông về cách thể hiện mỗi tác phẩm của mình. Ngoài đời, nhạc sĩ Hoàng Giác là một người hào hoa, khiêm tốn. Là một trong những nhạc sĩ sáng tác ca khúc tiêu biểu của dòng âm nhạc tiền chiến, là tác giả của những bản tình ca đi vào tâm hồn biết bao thế hệ người yêu nhạc Việt, vậy nhưng nhạc sĩ Hoàng Giác cho rằng đóng góp của ông cho âm nhạc nước nhà không có gì đáng kể. Nhạc sĩ Hoàng Giác sáng tác không nhiều, hơn 20 ca khúc, nhưng gắn cả cuộc đời với âm nhạc. Từng nhiều năm là giảng viên nhạc của Trường Sư phạm Nhạc họa Trung ương (nay là Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương), ngoài ra ông còn dạy đàn và đi biểu diễn với tư cách một ca sĩ.
“Kính trọng nhạc sĩ vô cùng”, Quỳnh Hoa thốt lên và chia sẻ tiếp: “Mãi đến khi ông đã ở độ tuổi 80 vậy mà khi đến nhà ông ở Hàng Bạc, Hà Nội, bên ngoài vẫn có một cái biển rất nhỏ: Nhận dạy đàn guitar”. 


                                                        Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long

Ý kiến bạn đọc