Âm nhạc bứt phá khỏi biên giới: "Xuất khẩu" nghệ sĩ, "nhập khẩu" fan

VHO - Sự tăng trưởng của ngành âm nhạc kỹ thuật số đã được phản ánh chân thực qua sự đa dạng của sản phẩm nghệ thuật, dịch vụ phái sinh, kèm theo các hoạt động hỗ trợ sản xuất, phân phối và vận hành. Tất cả đã giúp định hình một thế hệ mới trên các nền tảng số tại Việt Nam với rất nhiều nghệ sĩ tài năng, hình thức trình diễn phong phú và nội dung âm nhạc độc đáo.

Âm nhạc bứt phá khỏi biên giới: 

 Pháo là đại diện Gen Z Việt trình diễn tại Asia Song Festival 2023 (Hàn Quốc). Nguồn: Facebook nghệ sĩ

Điều này đồng thời cũng được cộng hưởng bởi sự đón nhận nhiệt tình từ người hâm mộ, càng làm cho thị trường nhạc Việt trở nên sôi động. “Chìa khóa dẫn lối thành công cho âm nhạc là bứt phá khỏi giới hạn biên giới”, TS Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên Trường ĐH RMIT Việt Nam nhận định về thị trường âm nhạc số trong một nghiên cứu mới đây do ông và các cộng sự thực hiện.

Âm nhạc truyền thống “nhường sân” cho nhạc kỹ thuật số

Theo khảo sát, số lượng người dùng và doanh thu từ dịch vụ nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh, đồng hành với sự gia tăng của thị trường toàn cầu, trong đó, khoảng một nửa số người dùng Internet thưởng thức âm nhạc và video trên các nền tảng trực tuyến. Đến năm 2027, dự báo thị trường phát nhạc trực tuyến tại Việt Nam sẽ đạt mức 72,4 triệu USD.

Cách vận hành thị trường âm nhạc truyền thống đã lùi bước để nhường sân lại cho những thay đổi của thị trường âm nhạc kỹ thuật số. Dịch vụ phát nhạc trực tuyến đã trở nên phổ biến và thống trị thị trường âm nhạc toàn cầu về doanh thu. Sự tiện lợi, giá cả phải chăng, các tính năng cá nhân hóa của dịch vụ phát nhạc trực tuyến đã mang đến cho những người yêu âm nhạc quyền truy cập nhanh chóng vào kho thư viện bài hát phong phú của các nghệ sĩ mà họ quan tâm. Điều này giúp hình thành sự thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu thụ âm nhạc hằng ngày của họ.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Trưởng Bộ phận Knowledge & Insights tại Adtima, “Trong khi phương tiện truyền thông truyền thống có thể sụt giảm giá trị doanh thu toàn cầu, các lĩnh vực số như streaming sẽ chứng kiến sự tăng trưởng tích cực trong thời gian gần. Đó là lý do vì sao quảng cáo toàn cầu đang trên đà phát triển mạnh mẽ và phù hợp với sự biến đổi số của ngành công nghiệp. Bằng cách đóng góp vào doanh thu của ngành âm nhạc và hỗ trợ thương hiệu đạt được mục tiêu tiếp thị của họ, các dịch vụ phát nhạc trực tuyến được hỗ trợ bởi quảng cáo sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong những năm sắp tới”.

Âm nhạc Việt hiện đang có sức ảnh hưởng đến âm nhạc thế giới hơn bao giờ hết. Nhờ sự phát triển của các nền tảng nhạc số và mạng xã hội, nhiều bản hit Việt trở thành hiện tượng toàn cầu. Trong đó có thể kể đến See tình của Hoàng Thùy Linh; Hai phút hơn của Pháo đã gắn kết khán giả toàn thế giới bằng âm nhạc bắt tai và dance challenge (thử thách điệu nhảy) gây nghiện. Nhờ những ca khúc này, nhạc Việt được tiếp cận, biết đến và yêu thích rộng rãi hơn, giúp đất nước trở thành một điểm mốc thú vị trên bản đồ âm nhạc toàn cầu.

TS Long cho biết: “Thế hệ nghệ sĩ trẻ cũng đang định hình lại tương lai của nhạc Việt trong những năm gần đây. Các tác phẩm âm nhạc của họ thể hiện rõ lối tư duy sáng tạo, đổi mới và phóng khoáng, cũng như “cái tâm” làm nghề không hề kém cạnh những bậc tiền bối đi trước. Không chỉ thế, họ còn xuất sắc thể hiện sự linh hoạt và tính đa nhiệm của mình thông qua việc đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò khác nhau như ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất, đồng thời định nghĩa lại về giới hạn của một hình mẫu nghệ sĩ truyền thống”.

Nhờ tư duy âm nhạc bài bản và định hướng phát triển toàn diện, nhiều nghệ sĩ Việt đã bắt đầu tạo dựng được mối quan hệ hợp tác nổi bật với nghệ sĩ nước ngoài hoặc công ty âm nhạc đa quốc gia để đưa các sản phẩm vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, tạo dấu ấn nổi bật trên thị trường quốc tế. Theo TS Long, “các nghệ sĩ đã góp phần thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa nền âm nhạc Việt Nam, đóng vai trò như những đại sứ - kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài nước”.

Âm nhạc bứt phá khỏi biên giới: 

 Quang Hùng Master D là nghệ sĩ Việt được ưu ái xuất hiện trên đường phố Thái Lan nhờ sức chi khủng của fan. Nguồn: Facebook nghệ sĩ

Thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa nền âm nhạc Việt

Chuyên gia nhận định: “Việc xây dựng các fandom (cộng đồng người hâm mộ) ở nước ngoài trước đây chỉ gói gọn ở các nền âm nhạc phát triển như US-UK, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên trong năm qua, âm nhạc Việt cũng đã tạo được điểm nhấn trong mắt cộng đồng yêu nhạc quốc tế. Bên cạnh các dự án hợp tác xuyên biên giới, nhiều nghệ sĩ có thêm điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động, xây dựng thành công sự nghiệp ở các thị trường ngoại. Đi kèm theo đó là sự xuất hiện của các fandom ở nước ngoài - đồng hành và ủng hộ nghệ sĩ Việt trong quá trình họ hoạt động ở những vùng đất mới”.

Nổi bật nhất là sự phát triển rõ rệt của fandom Chi Pu tại Trung Quốc sau thành công ở chương trình Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng. Không chỉ có cơ hội trình diễn tại những sân khấu quy mô hoành tráng ở xứ sở tỉ dân như Đại nhạc hội thanh niên châu Á 2023, Đêm hội TMALL, sự kiện chào năm mới của Đài Hồ Nam và các chương trình truyền hình, hình ảnh Chi Pu còn phủ sóng khắp các đường phố, trang mạng xã hội của Trung Quốc nhờ fan chi tiền quảng bá.

Một trường hợp nổi bật khác là Quang Hùng Master D - chủ nhân bản hit Dễ đến dễ đi trên các nền tảng video ngắn. Mặc dù có khởi điểm khiêm tốn, nhưng Dễ đến dễ đi đã giúp Quang Hùng Master D trở thành hiện tượng ở thị trường Thái Lan. Chàng ca sĩ cũng thường xuyên ra các sản phẩm âm nhạc, nội dung bằng tiếng Thái dành tặng cho fan. Được săn đón ở xứ sở Chùa Vàng như ngôi sao hạng A, fan Thái mạnh tay chi tiền cho các món quà tặng Quang Hùng, săn vé gặp thần tượng và đặt biển quảng cáo quy mô khủng tại các trung tâm thương mại và khắp đường phố. Bên cạnh đó, ca khúc của Quang Hùng cũng được dân mạng Trung Quốc yêu thích và tạo nhiều bản cover.

“Các dự án hợp tác âm nhạc quốc tế và mở rộng thị trường hoạt động không chỉ mang lại lợi ích cho sự nghiệp của nghệ sĩ mà còn góp phần quảng bá văn hóa - âm nhạc Việt ra sân chơi toàn cầu. Về lâu dài, đây sẽ là hướng phát triển mũi nhọn của nhóm nghệ sĩ trẻ có tư duy sáng tạo, đổi mới và có định hướng phát triển dài hạn. Năm 2024 được kỳ vọng là năm bùng nổ của nhạc Việt trên sân chơi toàn cầu, sẵn sàng chinh phục khán giả vượt xa mọi đường biên địa lý”, TS Long nhận định. 

BÌNH THỦY

Ý kiến bạn đọc