Buýt đường thủy “tiếp sức” du lịch đường sông

VH- Với chiều dài đường sông khoảng 1.000 km, đặc biệt là truyền thống của Sài Gòn 300 năm “trên bến dưới thuyền” và các di tích lịch sử văn hóa tạo ra lợi thế riêng và tiềm năng lớn để TP.HCM phát triển du lịch đường sông. Tuy nhiên, sự phát triển của loại hình du lịch này vẫn còn “khiêm tốn”. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, trong đó do hệ thống vận tải hành khách công cộng đường thủy, hệ thống cầu tàu, bến bãi, nhà chờ còn thiếu và yếu.

Mới đây, dự án “Tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy tại TP.HCM – Saigon Water Bus” đầu tiên của TP.HCM đã hạ thủy kỹ thuật và chạy thử nghiệm, dự kiến đầu tháng 10 tới sẽ chính thức phục vụ người dân và du khách. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - đơn vị đầu tư, thi công tuyến buýt thủy nói trên cho biết, được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2015 theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành), chính thức được triển khai thực hiện từ tháng 5.2017. Trong giai đoạn đầu của dự án có hai tuyến, mỗi tàu/tuyến được thiết kế có sức chứa 80 chỗ ngồi. Tuyến số một hoạt động từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến Linh Đông (quận Thủ Đức) với chiều dài 10,8 km. Tuyến số hai dài 10,3 km theo lộ trình từ Bạch Đằng (quận 1) đến Lò Gốm (quận 6).
Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải, TP.HCM sẽ phát triển nhiều phương thức vận tải công cộng mới, trong đó giao thông công cộng đường thủy là một trong những lựa chọn tất yếu. Tuy nhiên, để loại hình giao thông công cộng này phát huy được vai trò tác dụng trong đời sống xã hội thì còn nhiều việc phải làm, và cần có thời gian. Bởi theo ông Toản, đây là mô hình vận chuyển hành khách công cộng mới chưa từng có trong tiền lệ, do đó, để người dân có thói quen sử dụng phương tiện vận tải công cộng đường thủy, có thể sẽ gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư, đặc biệt là chi phí quản lý vận hành còn rất cao, yêu cầu về kỹ thuật an toàn trong vận hành đòi hỏi phải có sự đầu tư đầy trách nhiệm. Trên hết, phát triển loại hình giao thông công cộng đường thủy cần hướng đến văn hóa cộng đồng với giá trị của Sài Gòn 300 năm “trên bến dưới thuyền”, hài hòa với cảnh quan đô thị của thành phố.
Theo đánh giá của ngành GTVT và Du lịch TP.HCM, việc vận hành hai tuyến buýt thủy không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thuận lợi hơn, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, mà còn thúc đẩy phát triển du lịch đường sông, vốn chưa được khai thác hiệu quả. Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường chia sẻ, để giao thông công cộng đường thủy phát triển được như kỳ vọng, cần có tầm nhìn dài hạn trong thu hút đầu tư, đóng mới phương tiện, hoàn thiện hệ thống bến và các cầu tàu, nhà chờ đảm bảo an toàn cho du khách…
Một trong những hành khách đã có chuyến trải nghiệm thực tế trên tuyến buýt thủy đầu tiên của TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Phong (sinh sống ở quận 7) nhìn nhận, để hấp dẫn du khách và công chúng tham gia loại hình giao thông này, chủ đầu tư nên trang bị thêm các tiện ích như chỗ để hành lý cho du khách, tăng mức đảm bảo an toàn cho người già và trẻ em mỗi khi lên - xuống tàu. Đồng thời trên mỗi tàu cần thiết kế không gian thông thoáng cho du khách được ngắm cảnh thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, cũng cần cải thiện môi trường và cảnh quan đô thị trên các tuyến đường thủy, nhất là những tuyến nội đô.

Hoàng Quân

Ý kiến bạn đọc