Thách thức của ngành dệt may xuất khẩu khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực

VHO- Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) hay hay EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU) bên cạnh việc mang lại những lợi thế như thuế quan giảm, đa dạng hóa thị trường thì việc doanh nghiệp phải đáp ứng được quy tắc về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… đặc biệt là quy tắc xuất xứ nguyên liệu đầu vào đang là thách thức cho ngành dệt may xuất khẩu.

Nhằm cập nhật những quy định về quy tắc xuất xứ trong ngành dệt may xuất khẩu, Trung tâm Thông tin  công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo Ngành dệt may chủ động đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh mới” thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực, 77% dòng thuế trong ngành hàng dệt may sẽ về 0%, nhưng để hưởng ưu đãi này thì doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo trên 50% giá trị sản phẩm có có nguyên tắc xuất xứ, từ vải, sợi, cắt trở đi. Đây là một thách thức vì đa số nguyên liệu dệt may của Việt Nam đều nhập từ các nước không phải thành viên của các Hiệp định.

Thách thức của ngành dệt may xuất khẩu khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực - Anh 1

Bà Trịnh Thị Thu Hiền chia sẻ tại hội thảo

 Trước vấn đề này, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - khẳng định, để hàng hóa được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, bắt buộc hàng hóa đó phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến vấn đề này. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may là 11,25 triệu USD nhưng chỉ có 7,53 triệu USD từ sản phẩm có giấy chứng nhận quy tắc xuất xứ (C/O); 8 tháng đầu năm 2019 tỷ lệ này lần lượt là 7.92 và 5,21 triệu USD.

“Với mỗi thị trường, mỗi FTA sẽ có những điều kiện khác nhau. Do đó, doanh nghiệp phải tích cực tìm hiểu thông tin, kịp thời cập nhật các ưu đãi mà sản phẩm dệt may Việt Nam được hưởng để áp dụng đạt hiệu quả nhất.  Ví dụ việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc có thể áp dụng Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) hoặc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam  – Hàn Quốc (VKFTA). Vì vậy doanh nghiệp nên xem xét ưu đãi và yêu cầu đi kèm nào phù hợp và có lợi hơn cho doanh nghiệp để áp dụng”, bà Trịnh Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, ngày càng có nhiều quốc gia tham gia các FTA và doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược trong việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để có thể tận dụng “quy tắc xuất xứ cộng gộp” khi hưởng ưu đãi, như nhập khẩu nguyên liệu từ các nước thành viên Hiệp định. Ví doanh nghiệp Việt Nam có thể nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Hàn Quốc, gia công tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường EU mà vẫn đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa vì cả Việt Nam và Hàn Quốc đều có FTA với EU.

NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc