PC Khánh Hòa: Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình điện

VHO - Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt ngày càng tăng cao của người dân, trong những năm qua PC Khánh Hòa đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng một số công trình nguồn điện, lưới điện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói chung và địa bàn TP. Nha Trang nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, PC Khánh Hòa gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện các quy định, thủ tục, thời gian để xin cấp phép thi công cho một số công trình, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các công trình xây dựng trạm biến áp phân phối, mương cáp ngầm…

PC Khánh Hòa: Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình điện - ảnh 1

Quảng cảnh buổi làm việc

Năm 2019, PC Khánh Hòa dự kiến đầu tư trên địa bàn TP. Nha Trang với kế hoạch vốn là trên 158 tỉ đồng với quy mô dự kiến: cải tạo và xây dựng mới 29 km đường dây trung áp, 16,66 km đường dây hạ áp và 87 trạm biến áp với tổng dung lượng 36,36 MVA.

Tuy nhiên, việc khó khăn trong giải phóng mặt bằng cùng với các thủ tục đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công các công trình đầu tư xây dựng của Công ty; một số công trình không thể triển khai thi công để tăng cường khả năng cung cấp điện, đáp ứng công suất tại một số khu vực, dẫn đến quá tải, gây mất điện cục bộ và có khả năng lan rộng nếu không được giải quyết kịp thời.

Trước tình hình đó, PC Khánh Hòa đã có buổi làm việc với UBND TP. Nha Trang, xin ý kiến lãnh đạo Thành phố, chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện nhằm giải tỏa các vướng mắc trong quá trình triển khai các công trình điện của Công ty trên địa bàn.

Với quy định việc đào, lấp lòng đường, hè phố trong đô thị chỉ được thực hiện khi đã hết thời gian bảo hành công trình hạ tầng (vỉa hè: 2 năm; lòng đường: 5 năm). Theo đó, trên tuyến đường mới xây dựng, còn trong thời gian bảo hành, PC Khánh Hòa không được phép thi công đào móng trụ điện, đào mương cáp ngầm. Trong khi đó, tại các khu vực này phụ tải điện thường phát triển rất nhanh đòi hỏi lưới điện phải phát triển kịp thời nếu không muốn xảy ra tình trạng quá tải.

Một số tuyến đường trong thành phố, nhiều vị trí không có lề đường, hoặc một số vị trí vẫn thuộc đất người dân, nên trong quá trình thi công, Công ty gặp vướng mắc trong quá trình thỏa thuận vì hộ dân yêu cầu đền bù đất quá cao.

Việc xây dựng công trình điện nhằm giải quyết việc cấp điện cho cộng đồng, chống quá tải lưới điện. Tuy nhiên, tại một số khu vực khi đơn vị thi công triển khai xây dựng trạm biến áp hoặc đào móng dựng trụ điện thì địa phương và các hộ dân phản đối vì cho rằng vỉa hè “chật hẹp”, vướng mặt bằng kinh doanh hoặc yêu cầu thay đổi kết cấu trạm biến áp, với lý do trạm biến áp đặt trên cột thép chiếm nhiều diện tích vỉa hè, không hợp mỹ quan đô thị thành phố, trong khi nhu cầu cấp điện cho địa phương là hết sức cấp bách, cần thiết.

PC Khánh Hòa: Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình điện - ảnh 2

PC Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn trong thi công mặt bằng các công trình điện

Ngoài ra, PC Khánh Hòa còn gặp nhiều khó khăn trong công tác hỗ trợ, thoả thuận đền bù với người dân bị ảnh hưởng về đất, cây cối, hoa màu trên tuyến. Một số hộ dân không chấp thuận chi phí hỗ trợ đền bù về đất, cây cối, hoa màu theo đơn giá của tỉnh ban hành; do đó, phải thỏa thuận trực tiếp hoặc theo giá thị trường. Tuy nhiên, giá mà người dân nêu ra thường rất cao. Có trường hợp, hộ dân không đồng ý việc thỏa thuận hỗ trợ đền bù (đối với đất) kể cả có chính quyền địa phương vận động hoặc Công ty không thể liên lạc được với chủ hộ do tình trạng sang nhượng đất qua nhiều người.

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND TP.Nha Trang đã chỉ đạo cho các đơn vị, ban, ngành, các phòng, ban chuyên môn, chính quyền địa phương các cấp phải có sự phối hợp tốt trong việc quản lý hạ tầng. Các quy định, quy chế của thành phố trước đây không còn phù hợp thì phải bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

UBND TP. Nha Trang cũng chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị là đơn vị chủ trì, nghiên cứu tham mưu cho lãnh đạo Thành phố trong việc quản lý hạ tầng trên địa bàn sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn và báo cáo cho UBND tỉnh phê duyệt để có thể triển khai trong thời gian sớm nhất.

Đối với ngành điện, cần lưu ý tính toán thiết kế sao cho hài hòa hơn trong việc phát triển mặt bằng hệ thống lưới điện trong thành phố. Các đơn vị ngành điện, viễn thông, cấp thoát nước phải có sự phối hợp hợp lý trong việc sử dụng hạ tầng cơ sở để đảm bảo cho sự phát triển chung của địa phương. Trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thi công công trình điện, các phòng ban chuyên môn của thành phố phải hỗ trợ ngành điện trong các trường hợp cần thiết…

HUY TÔN

Ý kiến bạn đọc