Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Tham gia CPTPP: Doanh nghiệp Việt phải tuân thủ “luật chơi” quốc tế

Thứ Tư 28/11/2018 | 23:34 GMT+7

VHO- “CPTPP – Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” là hội thảo do Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phối hợp với Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức ngày 28.11 tại Hà Nội. Hội thảo là một trong những hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận diện và đề ra chiến lược phát triển khi Hiệp định sắp có hiệu lực.
 

Hội thảo thu hút sự tham dự của 300 đại biểu đến từ Bộ Công thương, cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư các tỉnh, thành phố, các chuyên gia kinh tế, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas).

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, mặc dù Mỹ không còn tham gia Hiệp định Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhưng những lợi ích và cơ hội mà CPTPP mang lại hết sức lớn. Việt Nam tham gia CPTPP sẽ tiếp tục tạo động lực thúc đẩy quá trình hội nhập, mở cửa thị trường, mở rộng quan hệ tự do thương mại với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, việc tham gia CPTPP còn tạo động lực cho cải cách Chính phủ thực chất, toàn diện và hiệu quả theo luật chơi chung quốc tế.

Các đại biểu cho rằng, những năm qua, doanh nghiệp Việt Nam chưa làm tốt khâu liên kết, kết nối, hầu như doanh nghiệp nào tự lo cho doanh nghiệp đó. Do vậy khi tham gia CPTPP, doanh nghiệp cần phải đầu tư trang thiết bị, công nghệ mới để nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, nhưng nếu không có sự liên kết, kết nối thì không thể giải quyết được. Theo TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đa số các doanh nghiệp Việt chưa chú trọng tuân thủ nguyên tắc xuất xứ, để làm việc này, nếu doanh nghiệp học hỏi, và làm bài bản theo nguyên tắc thì chi phí ít, còn doanh nghiệp “làm bừa” theo kiểu sai thì chịu phạt sẽ chịu chi phí cao. “Tuy nhiên điều nguy hiểm ở việc làm bừa là tạo ra thói quen không bài bản, không chỉ hại doanh nghiệp mình mà hại cả cộng đồng doanh nghiệp Việt. Nếu bị khách hàng “tuýt còi” thì không chỉ tuýt còi doanh nghiệp đó mà cả ngành hàng do các doanh nghiệp khác sản xuất. Vì thế, doanh nghiệp phải tuân thủ luật chơi quốc tế, vừa không phải trả chi phí cao và cũng là nhân văn hơn”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Một hạn chế khác của doanh nghiệp Việt cũng được các đại biểu phân tích đó là thụ động chờ khách hàng, và thực hiện các yêu cầu của khách hàng chứ không chủ động cung cấp hàng hoá, dịch vụ. “Điều này thể hiện doanh nghiệp thiếu tầm nhìn. Muốn thay đổi, doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược để tiếp cận thị trường. Khi đó, doanh nghiệp sẽ biết được mình đang ở đâu, thiếu gì để bù đắp và đáp ứng”, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da Giầy – Túi xách Việt Nam chia sẻ.

NGUYÊN KHANG

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top