Nhiều thương hiệu Gas phải rút khỏi thị trường Việt Nam vì bị gian lận

VHO- Các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đang cạnh tranh quyết liệt nhằm giành thị trường bằng nhiều thủ đoạn khác nhau rất khó kiểm soát, dẫn đến có những thời điểm thị trường không ổn định, hiệu ứng dư luận không tốt, cơ quan quản lý nhà nước bị động trong quản lý.

Đây là vấn đề đặt ra tại hội thảo Thách thức và triển vọng thị trường Gas diễn ra ngày 14.11 tại Hà Nội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh và Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV GAS tổ chức.

Nhiều thương hiệu Gas phải rút khỏi thị trường Việt Nam vì bị gian lận - ảnh 1

 Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, đến nay ngành công nghiệp khí Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành dầu khí nói riêng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về tình hình ngành công nghiệp khai khoáng trong nửa đầu năm 2018, khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 5,3 tỷ m3, tăng 1% ; khí hóa lỏng ước đạt 437,6 nghìn tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017. Điều đó cho thấy bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp khai khoáng nói chung, ngành công nghiệp khí nói riêng đang ngày càng được phát triển cơ bản đáp ứng yêu cầu, không xảy ra thiếu hụt nguồn cung. 

Tuy nhiên, tại hội thảo các chuyên gia đánh giá ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ để hướng tới tương lai phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả và bền vững hơn. Những vấn đề như cân đối cung - cầu, hạ tầng thu gom/vận chuyển khí và cước phí; sự cần thiết phải phát triển các nguồn khí mới; xây dựng kết cấu hạ tầng để khai thác, thu gom, phát triển các mỏ khí cận biên và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)... là vừa là triển vọng nhưng cũng là thách thức của ngành trong thời gian tới. 

Khẳng định về vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua và liên tục kéo dài đến hiện nay, ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gas Việt Nam nhấn mạnh, đó chính là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau. Thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Còn Nhà nước thất thu thuế và đặc biệt đó là những mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ, gây bất bình trong dư luận, xã hội. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm không phải chi phí đầu tư vỏ bình, kiểm định, kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa…. , họ đã thu lợi bất chính từ doanh nghiệp chân chính.

Nhiều thương hiệu Gas phải rút khỏi thị trường Việt Nam vì bị gian lận - ảnh 2

Cơ quan chức năng phát hiện cơ sở sang chiết gas trái phép

“Các hành vi trên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lành mạnh thị trường Gas, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và nghiêm trọng hơn là gây bất ổn an ninh, trật tự trong xã hội. Với các hình thức gian lận thương mại này đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh gas tại thị trường của Việt nam. Điển hình là các thương hiệu nổi tiếng như Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas phải thu gọn lại hoặc phải rút khỏi Việt nam do tình trạng gian lận thương mại”, ông Trần Trọng Hữu nêu.

Trước thực trạng này, lãnh đạo cơ quan, bộ, ngành đã  cùng thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp. Các đại biểu cho rằng, bên cạnh đó cần phải tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hoá gây tổn hại tới các doanh nghiệp. 

QUỲNH HOA-HUY AN

Ý kiến bạn đọc