Khai thác nước ngầm, dán mác “nước khoáng thiên nhiên”

VH- Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) vừa có kết luận về việc Công ty CP Du lịch khoáng nóng Nha Trang Seafood F17 (Công ty Seafood F17) sản xuất nước mang nhãn hiệu “Nước khoáng thiên nhiên Onsen đóng chai tại nguồn” (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) là vi phạm pháp luật, bán hàng không có nguồn gốc hợp pháp.

Khai thác nước ngầm, dán mác “nước khoáng thiên nhiên” - Anh 1

 Sản phẩm nước khoáng Onsen đóng bình

Từ năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy phép cho Công ty Seafood F17 khai thác sử dụng nước dưới đất với 1 giếng tại lỗ khoan ST1, với tổng lượng khai thác 370 m3/ngày đêm, thời hạn đến năm 2019. Công ty Seafood F17 đã hợp đồng bán với Công ty CP Onsen (Công ty Onsen) nước nguyên liệu giá 50.000 đồng/m3.

Sau đó, Công ty Onsen quảng cáo trên website rằng nguồn nước này có nhiệt độ 32,5 độ C, là nước khoáng nên đặt tên là “nước khoáng Onsen”. Tuy nhiên, việc quảng cáo này sai sự thật và đơn vị này cho khai thác, sản xuất nước đóng chai chưa được cấp phép của Bộ TN&MT.

Ngày 10.8, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam), đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo xử lý Công ty Onsen về hành vi mua bán hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp. Việc công ty này quảng cáo là nước khoáng cũng sai vì chưa được Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia thẩm định, phê duyệt. Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Nam, từ tháng 3.2015, Bộ TN&MT đã đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo Công ty Seafood F17 bổ sung các tài liệu để xem xét quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên. Đến ngày 29.11.2017, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định chấm dứt hiệu lực khai thác, sử dụng nước dưới đất. Tuy nhiên, sau đó cũng chính UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản cho phép được khai thác trở lại và điều này là trái với thẩm quyền.

Dù chưa được Bộ TN&MT cấp phép khai thác nước khoáng nhưng Onsen vẫn công khai bán hàng với nhãn hiệu “nước khoáng thiên nhiên”. Thậm chí, Sở Y tế Khánh Hòa còn cấp Giấy chứng nhận, được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa do Cục Sở hữu trí tuệ cấp từ năm 2014. Đại diện Sở KH&CN tỉnh Khánh Hòa khẳng định, việc cấp phép trong lĩnh vực thực phẩm này do Sở Y tế hướng dẫn cấp phép nhãn hàng. Còn theo đại diện Công ty CP Onsen, sau khi đoàn kiểm tra có kết luận việc khai thác là sai, công ty này đã dừng hoạt động, sản xuất.

L.XUÂN

 

Ý kiến bạn đọc