Triển khai một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao

VHO- Trong khuôn khổ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 với chủ đề “Gạo xanh - Sống lành”, Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” đã chính thức được phát động, triển khai vào ngày 12.12 tại Hậu Giang.

Triển khai một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao - Anh 1

 Phó Th tướng Trn Lưu Quang phát động trin khai Đề án

 Đến dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cùng các tổ chức trong nước và quốc tế. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là một trong số các nước sản xuất lúa gạo và xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng những năm gần đây ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong vùng.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là yêu cầu của thị trường ngày càng cao, các nước nhập khẩu quy định tiêu chuẩn ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải nâng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải… Đồng thời phải nâng cao thu nhập cho người nông dân trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Điều này đặt ra không ít thách thức, buộc ngành lúa gạo Việt Nam phải “chuyển mình”. Để thích ứng với bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu quan trọng nhất của Đề án là tạo ra sinh kế và định hướng phát triển bền vững cho người nông dân trồng lúa. Hình thành được một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Đề án sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo... Sau đó mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Lễ khai mạc Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam 2023. Dịp này cũng diễn ra Triển lãm con đường lúa gạo Việt Nam với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt”, một trong những điểm nhấn độc đáo của Festival nhằm tái hiện sống động nền lúa gạo Việt Nam qua các giai đoạn phát triển từ sơ khai đến giai đoạn hiện đại và định vị thương hiệu trên thế giới.

HOÀNG HẢI

Ý kiến bạn đọc