Làm thế nào để đưa trà Việt vươn tầm thế giới? Bài 1: Trà Việt với bề dày văn hóa lịch sử

VHO - Có thế nói hiện nay, Việt Nam là nước xuất khẩu chè thứ 5 trên toàn thế giới, nhưng phần lớn sản lượng chè xuất khẩu chỉ chủ yếu là xuất sang các thị trường dễ tính, không đòi hỏi quá cao về chất lượng sản phẩm. Vì thế câu hỏi luôn đau đáu với những người tâm huyết với trà Việt là làm sao để trà Việt vươn tầm, làm sao để khẳng định thương hiệu của trà Việt ra thế giới?

Bề dày văn hóa trà Việt

Việt Nam cũng có bề dày về uống trà và thẩm trà. Trà là một trong những biểu tượng đại diện cho không gian văn hóa của dân tộc ta. Bởi không chỉ có lịch sử hình thành từ lâu đời mà văn hóa trà còn len lỏi trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam.

Văn hóa trà Việt Nam không hề thua kém Trung Quốc hay Nhật Bản. Kể từ buổi đầu dựng nước, ông cha ta đã sử dụng trà như là một thứ nước uống hằng ngày. Theo tài liệu khảo cứu của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, người ta đã tìm thấy dấu tích của cây chè hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ).

Làm thế nào để đưa trà Việt vươn tầm thế giới?  Bài 1: Trà Việt với bề dày văn hóa lịch sử - Anh 1

Lịch sử lâu dài cũng tạo ra phong cách uống trà của người Việt khác hẳn với Trung Quốc hay Nhật Bản. Nếu Trung Quốc yêu cầu trà phải được sơ chế và bảo quản cầu kỳ để tạo nhiều hương vị riêng, Nhật Bản hướng tới “đạo” thì Việt Nam giữ nét bình dị và vị mộc mạc nhất của uống trà. Những nét khác biệt này đã dẫn tới cách ướp, ủ và tạo ra nhiều biến thể trà khác nhau. Cao sang thì có trà ướp sen, ngâu, cúc, lan, lài, sói, bình dân hơn thì trà xanh, chè (trà) tươi. Người Nghệ An, Hà Tĩnh có tục mời nhau uống chè tươi. Đi làm đồng về, trời nóng nực, có bát chè xanh đặc pha đường hay mật mía thì giải nhiệt thật tốt… Trà là một trong những minh chứng đại điện cho nền văn hóa đã được hình thành từ lâu đời, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha. Chính vì vậy mỗi người chúng ta cần duy trì và phát huy trọn vẹn nền văn hóa đó sao cho vẫn gìn giữ được những nét đẹp dung dị, mộc mạc từ cách pha chế đến khi thưởng thức.

Đến nay, ghi nhận ở vùng Suối Giàng (Yên Bái), có những cây chè cổ thụ ba người ôm không xuể; ngoài ra trên vùng đất Tây Bắc, nơi những dãy núi với thảm thực vật phong phú đa dạng, hiện ra những cây chè Shan Tuyết cổ thụ cao lớn mà ta chẳng biết chúng có từ bao giờ. Trong đó, đỉnh Tây Côn Lĩnh, Hà Giang là một trong những nơi có số lượng cây chè Shan Tuyết lớn nhất cả nước. Cách Hà Nội hơn 300km, gần nửa ngày di chuyển, Tây Côn Lĩnh “sở hữu” hàng nghìn cây chè cổ thụ, đại thụ sinh trưởng tự nhiên trong rừng sâu, với độ cao trên 1.000m, nơi khe suối mạch nguồn khởi thuỷ, sương lạnh bao phủ quanh năm

Làm thế nào để đưa trà Việt vươn tầm thế giới?  Bài 1: Trà Việt với bề dày văn hóa lịch sử - Anh 2

Hiện tại, cả nước ghi nhận có 34 tỉnh, thành có vùng trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130.000 ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm. Năm 2022, sản lượng chè khô (trà) đạt 196.000 tấn. Theo báo cáo của Hiệp hội Chè Việt Nam, diện tích trồng chè lớn tập trung chủ yếu ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc, sau đó rải rác ở các khu vực như Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22.300 ha), Lâm Đồng (10.800 ha), Hà Giang (21.500 ha), Phú Thọ (16.100 ha).

Năm 2022, chè tiêu thụ trong nước khoảng 48.000 tấn, trị giá khoảng 7.500 tỉ đồng - tương đương với 325 triệu USD, bình quân 150.000 đồng/kg (khoảng 6 USD/kg). Đặc biệt, trong thời gian gần đây, văn hóa uống trà đang được phổ biến rộng rãi hơn, không chỉ người trung niên và lớn tuổi, sản lượng tiêu thụ chè của giới trẻ cũng đang có xu hướng tăng. Cùng với đó, họ có sự đòi hỏi cao hơn về tính tiện lợi, nhanh chóng và đẹp mắt. Những thị hiếu này đã tạo nên chỗ đứng cho loại chè hòa tan, chè túi nhúng…

Về xuất khẩu, sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu đến các thị trường ngoài nước dễ tính như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia...

Nâng tầm trà Việt Nam

Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146.000 tấn, trị giá 237 triệu USD, tăng 15,3% về lượng và tăng 10,7% về trị giá so với năm 2021. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân trong năm 2022 ước đạt 1.620 USD/tấn, giảm 4% so với năm 2021 và chỉ bằng 1/3 so với giá chè trong nước. Nguyên nhân bởi phần lớn chè xuất khẩu là chè đen (chiếm 51% tổng sản lượng). Còn chè tiêu thụ trong nước là chè xanh, giá trị cao hơn so với chè đen.

Theo Bộ NN&PTNT, có tới 70% số lượng giống chè của Việt Nam chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỉ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%. Trong khi đó, trên thế giới cơ cấu giống chè đen chỉ chiếm xấp xỉ 10%; giống chế biến được cả chè đen và chè xanh chiếm 44,2%; giống chuyên chế biến chè xanh chiếm 21,2%; giống cho chế biến chè Ô long và các chè cao cấp khác chiếm gần 25%.

Lưu ý rằng, chè đen chủ yếu sẽ được các nước nhập về để chế biến thành các sản phẩm khác như trà túi lọc, trà vụn… đồng nghĩa với việc không ghi nhận dấu ấn chè Việt khi đến tay người tiêu dùng. Thêm vào đó, chè Việt còn khó tiếp cận với các thị trường khó tính như Mỹ, EU... vì chè Việt Nam phần lớn chưa đạt được những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Làm thế nào để đưa trà Việt vươn tầm thế giới?  Bài 1: Trà Việt với bề dày văn hóa lịch sử - Anh 3

Giám đốc một công ty xuất khẩu trà cho biết, chè shan tuyết ở Hà Giang, chè shan tuyết ở Tà Xùa (Sơn La) khi xuất khẩu dễ dàng vượt qua được tiêu chuẩn khe khắt ở EU, và bán được với giá cao lên đến 4.000- 4.500 USD/tấn, trong khi chè thông thường thu mua từ vùng trồng chè Thái Nguyên chỉ xuất khẩu được với giá 1.600-1.800 USD/tấn. Nguyên nhân do ở những khu vực núi cao, nông dân không bón phân vô cơ, không phun thuốc hóa học, nên dễ dàng đạt được chứng nhận chè hữu cơ. Những hạn chế trên dẫn đến thương hiệu chè Việt vẫn “chật vật” tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường, bất chấp giá trị xuất khẩu và khối lượng xuất khẩu lớn.

Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, để khắc phục tình trạng trên, ngành chè nên đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam; Đa dạng hóa sản phẩm chè chế biến bằng công nghệ tiên tiến. 

Hành trình trà Việt không ám chỉ đơn lẻ một cá nhân, một đơn vị, hay một tổ chức nào của Việt Nam mà nó phải là một hành trình dài, mà trong đó mỗi thương hiệu trà của Việt Nam đều góp phần giúp “chuyến tàu” trà Việt lăn bánh trên thương trường quốc tế. Phải cùng nhau đi đến nhiều vùng đất mới, giao lưu và phát triển nền văn hoá trà truyền thống quê nhà để cùng thực hiện giấc mơ đưa trà Việt ra với thế giới.

                                                                                                                             Ý LINH

                                                                                                                               (Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc