Tình trạng nhiều cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

VH- Thời gian qua, dư luận TP Hải Phòng rất bức xúc trước tình trạng các cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, dù chính quyền địa phương vào cuộc, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính được đưa ra nhưng môi trường sống của người dân “ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm” vì “không biết phải ủn những cơ sở sản xuất đó đi đâu”.

Tình trạng nhiều cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” - Anh 1

 Xưởng gỗ Tân Tạo

 Ròng rã mấy tháng nay, người dân ở khu vườn hồng, Tổ dân phố số 15 phường Đằng Hải (quận Hải An) thường xuyên phải chịu đựng mùi sơn, bụi, tiếng ồn phát tán từ xưởng gỗ Tân Tạo nằm ngay trong khu dân cư. Theo ông Vũ Văn Hạ, nhà số 534 đường Đông Hải, dù nhà ông chỉ nằm phía sau của xưởng gỗ nhưng vẫn phải hứng một lượng bụi gỗ lớn. Đã gia cố thêm hệ thống cửa kính chắn bụi nhưng ngày nào cũng phải lau hai lượt nếu không bụi phủ kín mặt sàn. Ngoài nỗi khổ do bụi, các hộ nằm sát cạnh xưởng còn phải hứng chịu thêm tiếng ồn và mùi sơn PU nồng nặc đến tức thở mỗi khi xưởng hoạt động. Chị Nguyễn Huyền My, chủ căn nhà nằm sát xưởng gỗ Tân Tạo cho biết, do không chịu nổi ô nhiễm, nhiều lần trao đổi với chủ xưởng nhưng tình hình không có gì thay đổi. Các hộ dân trong khu vực vẫn ngày ngày phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm. Con trai chị mới gần 1 tuổi nhưng vợ chồng chị phải gửi con về nhờ ông bà nội ở quê chăm sóc vì mùi sơn quá nồng nặc, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Với các hộ dân tổ dân phố 14 phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), hoạt động của cơ sở sản xuất than tổ ong và cơ sở sản xuất nhôm kính ở lô B2 thực sự là nỗi ám ảnh, đe dọa trực tiếp môi trường sống trong lành của khu vực. Bụi than, tiếng máy móc chạy suốt ngày, tiếng cắt nhôm, kính chát chúa khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Dù nhiều lần kiến nghị, nhưng việc hạn chế ô nhiễm môi trường từ các điểm sản xuất này là không thể.

Ghi nhận tại tất cả các điểm dân cư có cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, người dân chỉ có một nguyện vọng duy nhất là sớm di dời được cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, nguyện vọng này rất khó được đáp ứng. Như trường hợp người dân tổ dân phố 15 phường Đằng Hải, sau hết cái hẹn này đến cái hẹn khác nhưng cơ sở sản xuất gỗ vẫn hoạt động bình thường. Hay như ở xưởng sản xuất nến tại thôn Kiều Đông, xã Hồng Thái (huyện An Dương), dù được yêu cầu tạm dừng sản xuất nhưng hơn 4 tháng trôi qua, người dân quanh xưởng vẫn ngày ngày phải hít thở không khí toàn mùi hóa chất.

Thực tế, việc giải quyết thực trạng các cơ sở sản xuất xen lẫn khu dân cư gây ô nhiễm môi trường đang là bài toán khó đối với nhiều địa phương. Hầu hết các cơ sở sản xuất này đều nhỏ lẻ, manh mún nên việc thực hiện các biện pháp che chắn, hạn chế tình trạng phát tán tiếng ồn, bụi, mùi… ra môi trường gần như không có. Bên cạnh đó, cũng do quy mô nhỏ lẻ nên các cơ sở sản xuất này thường chọn thuê đất trong các khu dân cư để tiết kiệm kinh phí thuê đất cũng như chi phí vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa. Vì vậy, nhiều chủ cơ sở sản xuất sẵn sàng chịu phạt để được tồn tại trong khu dân cư chứ không muốn di dời tới các khu, cụm công nghiệp tập trung.

Hằng năm, mỗi địa phương đều phải xây dựng, thông qua quy hoạch sử dụng đất trong đó xác định rõ khu vực nào là đất ở, khu vực nào là đất sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc để cho các hộ sản xuất nằm len lỏi vào khu vực đất được quy hoạch làm đất ở là lỗi của cơ quan cấp giấy phép cho cơ sở sản xuất hoạt động cũng như sự lỏng lẻo của các cấp chính quyền trong công tác quản lý. Để giải quyết được tận gốc vấn đề cơ sở sản xuất trong khu dân cư gây ô nhiễm, bên cạnh việc điều chỉnh, xây dựng quy hoạch quản lý, bố trí, sử dụng đất một cách hợp lý, các cấp chính quyền cần thực hiện nghiêm quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tránh tình trạng các cơ sở sản xuất “tự mọc lên”, vô tư hoạt động, vô tư gây ô nhiễm môi trường đến mức người dân phải kêu cứu rồi mới loay hoay xử phạt và khắc phục hậu quả như hiện nay. 

Lê Thành

 

Ý kiến bạn đọc